Thu hút đầu tư vào các KCN, KKT: Cần cơ chế thông thoáng hơn

09:10, 17/10/2013
.

(Baoquangngai.vn)- Những năm qua, các Khu công nghiệp (KCN), Khu kinh tế (KKT), của Quảng Ngãi nói riêng, cả nước nói chung đã thu hút được nhiều dự án đầu tư. Tuy nhiên việc thu hút đầu tư vào các KCN, KKT vẫn còn không ít những bất cập trong cơ chế, chính sách cần sớm được tháo gỡ…

TIN LIÊN QUAN


KCN, KKT: Sự lựa chọn số 1 của nhà đầu tư


Trong những năm qua, các KCN, KKT của cả nước đã đóng vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, cũng như giải quyết việc làm tại địa phương. Trong 8 tháng đầu năm 2013, các KCN, KKT của cả nước đã thu hút được 208 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 5.152,45 triệu USD và điều chỉnh tăng vốn cho 148 dự án với tổng vốn đầu tư tăng thêm hơn 3.883 triệu USD. Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2013, tổng vốn FDI vào KKT, KCN đạt 9.035,45 triệu USD, chiếm 40% tổng số lượt dự án và chiếm hơn 75% tổng vốn đầu tư đăng ký mới và điều chỉnh tăng.

Về đầu tư trong nước, trong 8 tháng đầu năm 2013, các KCN, KKT đã thu hút được 197 dự án với tổng vốn đăng ký 17.632 tỷ đồng và điều chỉnh tăng vốn cho 58 dự án với tổng vốn đầu tư tăng thêm 12.696 tỷ đồng. Như vậy, trong 8 tháng đầu năm 2013, tổng vốn đầu tư trong nước thu hút được đạt 30.328 tỷ đồng.

 

KCN, KKT đã trở thành điểm lựa chọn số 1 của các nhà đầu tư.
KCN, KKT đã trở thành điểm lựa chọn số 1 của các nhà đầu tư lớn.

Riêng tại Quảng Ngãi, tính đến tháng 9.2013, các KCN, KKT trong tỉnh đã thu thu hút trên 150 dự án đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho trên 24.000 lao động tại địa phương và các vùng lân cận. Các dự án đầu tư tại KCN, KKT Quảng Ngãi đã đóng vai trò hết sức quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách của tỉnh và Trung ương, làm thay đổi nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương.
 
Hiện KCN, KKT Dung Quất trở thành lựa chọn hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó phải kể đến là dự án VSIP. Theo đánh giá thì mặc dù gặp nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tuy nhiên tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong KKT, KCN trong 8 tháng đầu năm 2013 vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tổng doanh thu của các doanh nghiệp tại KCN, KKT đạt hơn 42 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp đạt 25 tỷ USD, đóng góp trên 45% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và tăng 42% so với cùng kỳ. Trong 8 tháng đầu năm, các doanh nghiệp tại các KCN, KKT cũng đã đóng góp vào nguồn thu ngân sách nhà nước 32.689 tỷ đồng (tăng 36% so với cùng kỳ).

Cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

Thời gian qua, các KCN, KKT đã có đóng góp tích cực trong thu hút đầu tư, giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương và cả nước theo hướng tăng giá trị sản lượng công nghiệp. Tuy nhiên trong quá trình phát triển cũng như quản lý, vận hành các KCN, KKT đã có những bất cập trong cơ chế, chính sách, gây nên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý.

Mới đây, tại Quảng Ngãi, BQL KKT Dung Quất đã chủ trì Hội nghị giao ban các BQL KKT, KCN, KCX  các tỉnh, thành phía Nam từ Đà Nẵng trở vào. Tại hội nghị, các đại biểu đã đi đến thống nhất rằng, các KCN, KKT, KCX đã có những đóng góp hết sức quan trọng cho phát triển KT-XH, giải quyết việc làm tại các địa phương. Tuy nhiên, thời gian qua gần đây, thu hút đầu tư vào các KKT, KCN, KCX ngày càng sụt giảm.

Ngoài nguyên nhân khách quan là do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thì cũng có nguyên nhân chủ quan là do thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, phức tạp, chồng chéo làm cho các nhà đầu tư không mặn mà đến việc đầu tư vào các KCN, KKT, KCX  của Việt Nam mà chuyển dòng vốn đầu tư sang các quốc gia lân cận.

 

Thủ tọc hành chính rờm rà,
Thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp là nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư nản lòng (Trong ảnh: công nhân Nhà máy giày Rieke trong ca sản xuất). Ảnh minh hoạ.

Các đại biểu cũng cho rằng, để cải thiện tình hình thu hút đầu tư vào KCN, KKT, KCX thì phải hoàn thiện mô hình quản lý đối với các KCN, KKT, KCX theo nguyên tắc “một cửa, tại chỗ” để từ đó phát huy vai trò, nhiệm vụ “một cửa, một đầu mối” của các Ban quản lý trong công tác quản lý Nhà nước. Trước mắt đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục báo cáo Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 29 của Chính phủ nhằm thống nhất mô hình quản lý nhà nước.

Ban quản lý các KCN, KKT, KCX cũng cho rằng cần đề xuất Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, báo cáo trình Quốc hội bổ sung nội dung xây dựng Luật Khu kinh tế vào chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội để sớm tiến hành xây dựng Luật Khu kinh tế theo hướng tập trung phân cấp cho các Ban quản lý thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với KCN, KKT, KCX và bỏ cơ chế ủy quyền hiện nay. Bên cạnh đó, kiến nghị sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp (được áp dụng từ năm 2006) cho phù hợp với điều kiện hiện nay.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần quan tâm hơn nữa vấn đề xây dựng nhà ở cho công nhân tại các KKT, KCN, KCX. Đây là một trong những vấn đề mà trong thời gian qua công nhân làm việc tại các KKT, KCN, KCX mong đợi nhưng đến nay vẫn khó thực thi.

Ông Phạm Như Sô- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, Trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất cho rằng: Nhiều cơ chế chính sách chồng chéo, rườm rà, phức tạp đã dẫn đến tình trạng thu hút và khai thác các dự án đầu tư vào KKT, KCN, KCX gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, các bộ, ngành và cơ quan tham mưu cho Chính phủ sẽ sửa đổi phù hợp, tạo thuận lợi cho hoạt động của các KKT, KCN, KCX. Có như vậy, thời gian đến, các nhà đầu tư mới có thể yên tâm đầu tư vào KKT, KCN, KCX.


Bài, ảnh: M.Toàn
 

.