Thành phố Quảng Ngãi: Cần khu làng nghề tập trung

12:10, 19/10/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Không có khu quy hoạch làng nghề như các huyện, gần 1.400 cơ sở sản xuất tiểu, thủ công nghiệp (TTCN) ở TP.Quảng Ngãi hoạt động xen trong các tổ dân phố điều kiện chật hẹp, vừa không đảm bảo môi trường, vừa gây mất trật tự trị an đô thị.

TIN LIÊN QUAN

Cầu vượt cung  

Đầu tháng 10, tranh thủ những ngày nắng ráo, các đơn vị đang khẩn trương xây dựng các công trình vỉa hè, tường rào, chỉnh trang đô thị. Tại Công ty TNHH Tân Nhàn Thịnh (chuyên sản xuất vật liệu xây dựng) trên đường Lê Quý Đôn (phường Nghĩa Lộ) 20 công nhân đang hối hả làm việc. Người trộn xi măng, ép khung, mài, ủ, phơi, chất đống sản phẩm gạch lát vỉa hè, xây tường, trụ tên đường...  "Máy chạy suốt ngày mà vẫn không đủ hàng cung cấp cho thị trường. Sản phẩm làm ra mới chỉ đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu”, chị Nhàn chủ cơ sở cho biết. Nhờ làm ăn thuận lợi, từ đầu năm đến nay, bình quân doanh thu của công ty lên đến 450 - 500 triệu đồng/tháng.

 

Thiếu mặt bằng nên Công TNHH Tân Nhàn Thịnh hoạt động trong điều kiện chật chội.
Thiếu mặt bằng nên Cơ sở sản xuất bò khô Thu Ba hoạt động trong điều kiện chật chội.


Cơ sở sản xuất bò khô Thu Ba đường Nguyễn Nghiêm (phường Nguyễn Nghiêm) cũng khá rộn ràng. Các công nhân làm việc thoăn thoắt, không khí thật khẩn trương. Bà Nguyễn Thị Thu Ba, chủ cơ sở bộc bạch: "Mỗi ngày tiêu thụ khoảng 35 - 40kg bò khô, nên phải thu mua vào khoảng 150 kg thịt bò tươi. Thị trường tiêu thụ cả trong Nam và ngoài Bắc".

Trong khi các nghề truyền thống như mạch nha, kẹo gương, đường phổi, nem, chả, nước mắm... hoạt động cầm chừng, thì cơ sở sản xuất bò khô, vật liệu xây dựng, nghề làm đũa tre, tăm... đứng vững trên thị trường là sự nỗ lực lớn của các chủ cơ sở. Các cơ sở này "ăn nên làm ra" không chỉ tạo nguồn thu nhập mà còn giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động.

Muốn thoát khỏi "chiếc áo chật"...

Công ty TNHH Tân Nhàn Thịnh nằm ở đường Lê Quý Đôn. Sản phẩm gạch sản xuất ra để chất chật kín cơ sở, tràn ra cả lề đường. Nhìn bãi chứa vật liệu, bà Bùi Thị Thu Nhàn - Giám đốc Công ty, thở dài: "Mặt bằng của cơ sở chật hẹp quá. Mong thành phố quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề để mình mở rộng cơ sở sản xuất. Hiện Công ty Tân Nhàn Thịnh hoạt động trên mặt bằng chỉ 1.000m2. Mỗi ngày công ty  mua vào khoảng 10 tấn xi măng, 20 tấn đá xay để sản xuất ra khoảng 3.000 viên gạch. Vì mặt bằng quá nhỏ nên sản phẩm và nguyên liệu có khi phải lấn ra đường".

Để đáp ứng cho thị trường, công ty phân làm hai ca cho 20 công nhân sản xuất trong vòng 15 giờ/ngày. Vì hoạt động liên tục nên gây tiếng ồn, bụi. Đã nhiều lần giám đốc công ty "gõ cửa" các Cụm CN thị trấn La Hà (Tư Nghĩa), Cụm CN, làng nghề thị trấn Sơn Tịnh hay Khu CN Quảng Phú để xin cấp mặt bằng mở rộng quy mô sản xuất nhưng vẫn chưa được chấp nhận. “Nếu có mặt bằng khoảng 5.000m2, công ty hoạt động hết công suất, cho ra khoảng 9.000 viên gạch/ngày, đáp ứng nhu cầu của thị trường", bà Nhàn cho biết.

Bà Nguyễn Thị Thu Ba - Chủ cơ sở bò khô Thu Ba cũng ao ước được vượt ra khỏi cơ sở tư gia để sản xuất với quy mô lớn hơn. Với diện tích 200m2 phía sau nhà, nhưng hằng ngày cơ sở bà Ba phải cho ra sản phẩm gần 50 kg bò khô. Một lượng hàng lớn vừa thu mua, chế biến, sấy và đóng gói thành phẩm trong một diện tích nhỏ nên không khí ở cơ sở rất ngột ngạt, mùi bò khô bay ra khu dân cư nên bà rất ái ngại. Bà Ba nói: "Nếu TP.Quảng Ngãi có quy hoạch khu làng nghề như các nơi khác thì tôi sẵn sàng thuê mặt bằng để chuyển cơ sở đến, mở rộng quy mô hoạt động theo ý nguyện của mình mà cũng để  góp phần cải thiện  môi trường cho bà con sống trong khu dân cư". Mong muốn của bà Ba cũng là mong muốn của nhiều cơ sở sản xuất chế biến hàng thủ công trên địa bàn tỉnh.

Ông Cao Anh Dũng - Phó Trưởng phòng Kinh tế TP. Quảng Ngãi, cho biết: Chưa có quy hoạch khu làng nghề tập trung, nên việc quản lý hoạt động của các cơ sở sản xuất rất khó khăn. Đa số các cơ sở đều tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, hoạt động thiếu bền vững. Phòng đã nhiều lần kiến nghị lên trên nhưng TP. Quảng Ngãi vẫn chưa bố trí được quỹ đất để quy hoạch cụm làng nghề như các nơi khác.


Bài, ảnh: MAI HẠ
 


.