Người trồng rau, trồng hoa "rầu lòng" sau bão

09:10, 18/10/2013
.

(Baoquangngai.vn)- Bão số 11 đi qua, đến các vùng chuyên canh rau thật xót xa. Ruộng rau dập nát, tả tơi, héo úa. Những người trồng rau xứ Quảng đang khóc giữa đồng.

TIN LIÊN QUAN

Sáng 17.10, chúng tôi có mặt tại các cánh đồng rau ở Tư Nghĩa và TP. Quảng Ngãi. Mặc dù bão số 11 đã qua đi gần 2 ngày nhưng nhiều diện tích rau vẫn ngập trong nước. Những cây đu đủ sum suê trái, bắp, rau cải lá, xà lách, rau thơm, hành ngò… kế mưu sinh của hàng nghìn người dân mấy hôm trước vẫn còn xanh mơn mởn được thương lái đặt mua với giá khá cao, giờ đang tả tơi, héo úa, la liệt khắp các cánh đồng. 
 
Nghe tin có bão, vợ chồng bà Phạm Thị Vàng ở thôn Hổ Tiếu, xã Nghĩa Hà (Tư Nghĩa)  đã tranh thủ thu hoạch bán 2 sào cải, nhưng giá cũng rẻ bèo. Còn lại 3 sào mã đề, xà lách đành phải bỏ vì đã bị dập nát. 

 

Vườn đủ đủ của vợ chồng ông Sinh bị ngã đổ
Vườn đủ đủ hơn 3 ha của vợ chồng ông Sinh bị ngã đổ tan tành.
 
 
Ngồi mót những luống rau xà lách còn sót lại, bà Vàng xót xa: “Đã mất trắng giờ còn phải tốn nhiều công mót, rửa bùn đất về cho lợn ăn. Vụ rau vừa rồi, nắng miết, rau củ chết khô có bán được bao nhiêu đâu, vụ này rau xanh tốt hy vọng kiếm được chút đỉnh, ai ngờ… ”
 
Cùng cảnh ngộ, ông Nguyễn Quang Sinh, thôn 6, xã Nghĩa Dũng (TP. Quảng Ngãi) cũng khóc ròng vì hơn 3 ha đu đủ, đầu tư cả trăm triệu đồng, đang sai quả, hứa hẹn thu về vài chục triệu đồng bị gãy đổ tan tành theo bão. 
 
Ngồi rầu rĩ bên vườn đu đủ rụng đầy gốc lấm nhem bùn đất, ông Sinh buồn bã: “Vớt vát được chừng nào hay chừng đó, vài nghìn một chục cũng bán chứ để lâu đu đủ sẽ héo, có vị đắng thì chỉ có nước bỏ đi chứ ai thèm mua. Tiếc nhất là đám đu đủ vừa chín tới giờ thối úng hết”.
 
Không chỉ lao đao vì mưa bão, người trồng rau màu còn gặp phải nỗi buồn vì cây rau bị nhàu nát nên bị thương lái ép giá. Người nông dân cũng đang bị thiệt đơn, thiệt kép, không chỉ bị thất thu về sản lượng mà còn thất thu cả về giá.
 
Hiện tại người dân đang huy động lực lượng mót những gì bán được để bán. Một số người chẳng buồn thu hoạch vì họ biết chắc nếu có thu hoạch cũng thu lại chẳng đáng là bao, nên đành chờ thời tiết thuận lợi cày bừa trồng lại rau với hy vọng có cung cấp ra thị trường.

 

Sau bão số 11, huyện Tư Nghĩa có tới 670 ha rau màu, lương thực bị hư hại.
Sau bão số 11, huyện Tư Nghĩa có tới 670 ha hoa màu bị hư hại.
 
Do bị thiệt hại lớn vì mưa bão nên dự báo giá rau trên thị trường thời gian tới sẽ tăng cao. Nếu mưa lớn kéo dài, nguồn rau cung cấp cho thị trường Tết cũng sẽ khan hiếm hơn so với năm ngoái.
 
Trong khi người trồng rau sầu não thì những người trồng hoa cũng như đang ngồi trên đống lửa. Mặc dù đã đánh luống cao, đào rãnh sâu để thoát nước nhưng gần 2 sào hoa cúc đã bung nụ chờ bán rằm tháng Mười sắp tới của gia đình anh Nguyễn Thanh An ở thôn Hổ Tiếu đã thối hết rễ và bắt đầu héo lá, hoa rụng tả tơi. “Mưa bão thế này không còn hy vọng cứu vãn nữa”- anh An thở dài.
 
Theo thống kê của Phòng NN huyện Tư Nghĩa, toàn huyện có tới 670 ha hoa màu, lương thực bị ngã đổ hư hại sau bão, ước thiệt hại hàng tỷ đồng. Sau cơn bão số 11, tình hình sản xuất của bà con cũng bị xáo trộn hoàn toàn. 
 
Ông Trần Thiên Thanh- Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tư Nghĩa cho hay: Chúng tôi đã chỉ đạo chính quyền địa phương tích cực giúp người nông dân nhanh chóng khôi phục diện tích rau bị ngập úng, tăng cường sản xuất cây trồng vụ đông, nhất là các loại rau ngắn ngày, nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
 
 
Bài, ảnh: Ái Kiều
 

.