Được cải tạo ruộng nhưng dân vẫn bức xúc

03:10, 20/10/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hơn 3ha đất trồng lúa từng đạt năng suất 55-60 tạ/ha, giờ bỏ hoang sau khi cải tạo. Hợp đồng chi trả tiền đền bù, làm đường giao thông nội vùng, kênh tưới, kênh tiêu… chưa thực hiện đúng cam kết. Đó là thực trạng của dự án cải tạo đồng ruộng kết hợp tận thu đất sét làm vật liệu xây dựng thông thường ở cánh đồng Sông Triệu – Găng, thôn An Hà 3, xã Nghĩa Trung  (Tư Nghĩa).    


Cải tạo ruộng để… bỏ hoang

Với phương châm cải tạo đồng ruộng để tiến đến mô hình “cánh đồng mẫu lớn”, UBND xã Nghĩa Trung đã lên đề án thuê tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát thực hiện. Công ty TNHH MTV Trung Nam, do ông Trần Văn Chiến (khối 2, thị trấn La Hà), làm giám đốc được chọn thi công. Tuy nhiên, đằng sau đó là những chuyện khó hiểu khi mà những thửa ruộng trước kia vốn là ruộng có năng suất cao, nhưng nay lại nằm ở vùng thấp hơn các diện tích đất còn lại được đơn vị thi công ào ạt lấy đất, còn những ruộng cao lại để nguyên, khiến cho những thửa ruộng thấp trở thành ao hồ mỗi khi mưa xuống, vì chẳng có đường thoát nước.

 

Sau cải tạo nhiều thửa ruộng thấp hơn ruộng liền kề gần 1 mét.
Sau cải tạo nhiều thửa ruộng thấp hơn ruộng liền kề gần 1 mét.


Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân những chân ruộng cao không được doanh nghiệp thực hiện dù nằm trong dự án, là do đơn vị tư vấn cho biết kết quả thăm dò tỷ lệ đất sét rất ít, còn vùng trũng thấp phân tầng đất sét tương đối nhiều.


Những ngày đầu tháng 10, dù mưa đã ngớt hơn một tuần, nhưng những thửa ruộng trên cánh đồng Sông Triệu-Găng vẫn mênh mông nước. Lão nông Phan Đình Huệ bảo:  “Nghe chính quyền bảo cải tạo để chỉnh trang lại đồng ruộng, sáp nhập ruộng các hộ lại thành những đám ruộng rộng lớn, vừa thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch lúa lại có lợi cho mục tiêu xây dựng và phát triển kinh tế xã nhà, nên chúng tôi đồng ý ký vào đơn xin cải tạo ruộng. Nào ngờ, giờ mấy sào đất nhà tôi đành để cỏ mọc. Nhìn đất bỏ hoang mà xót lắm”.

Dẫn chúng tôi “tham quan” ruộng nhà sau cải tạo, lão nông Nguyễn Văn Quy bức xúc: “Ruộng nhà tôi trước kia vốn đã thấp, giờ sau khi cải tạo, thì như cái hồ chứa nước. Bốn sào đất chỗ thì cao, chỗ thì thấp cứ như đất triền núi thì làm sao trồng lúa được. Tôi bỏ hoang gần một năm nay rồi. Mấy tháng nay bò, trâu thiếu rạ ăn, mấy miệng ăn trong nhà đều phải ăn gạo mua”.

Trong quá trình cải tạo, người dân phát hiện doanh nghiệp cải tạo ruộng họ thành những hố sâu hơn 4m (trong khi quy định chỉ được lấy tối đa là 1,2 -1,5 m  – PV) nên đã báo UBND xã và Phòng NN&PTNT huyện lập biên bản. Nhưng rồi vụ việc đó lại chìm xuống một cách khó hiểu, đến nay người dân cũng không biết xã và huyện xử lý vụ việc trên như thế nào. Ông Phan Văn Phải - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Trung cho rằng, việc người dân phản ánh là chuyện của người dân, còn khai thác đúng thiết kế hay không thì phải mời giám sát kiểm tra mới có cơ sở xác thực.

Chủ đầu tư không giữ lời hứa

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi người dân thu hoạch vụ đông  xuân 2012, chính quyền xã Nghĩa Trung kêu gọi người dân giao 15,2 ha đất thực hiện việc cải tạo đồng ruộng có tổng giá trị hợp đồng hơn 1,9 tỷ đồng với lượng đất sét tận thu là 49.935m3. Trong đó, chủ đầu tư là UBND xã và doanh nghiệp Trung Nam thống nhất hỗ trợ 1.740.000 đồng/sào/vụ. Sau cải tạo sẽ tạo ra một cánh đồng mẫu, có đường bê tông GTNT. Thế nhưng, đến vụ thứ hai chủ đầu tư và doanh nghiệp đã hạ giá hỗ trợ xuống còn 911.000 đồng/sào/vụ.

Ông Phan Văn Phải cho rằng: “Việc chi trả tiền hỗ trợ lần hai thấp hơn là có cơ sở, vì thực hiện theo Công văn số 745 ngày 8.5.2013 của Sở NN&PTNT hướng dẫn”. Tuy nhiên, cũng chính trong văn bản này nêu rõ, việc hỗ trợ tiền là phải thực hiện cải tạo đồng ruộng theo đúng thiết kế phê duyệt, sau cải tạo phải trả lại ruộng cho nông dân sản xuất và sản xuất thuận lợi hơn trước khi cải tạo. Trong đó xây dựng lại hệ thống kênh mương thủy lợi, đường giao thông nội vùng và bờ lô một cách khoa học. Nhưng hiện tại hơn 3ha ruộng đang bỏ hoang, số còn lại sản xuất năng suất không hiệu quả như trước khi cải tạo và trả ruộng cho dân là không đúng như thiết kế. Đường GTNT cũng chẳng thấy.

“Xã là người đại diện cho chúng tôi để làm việc với doanh nghiệp, người dân chúng tôi tin vào lãnh đạo xã nên giao mọi giấy tờ hợp đồng, vậy mà bây giờ người ta bảo trừ đủ thứ từ tiền giống, tiền phân bón, tiền thuê làm đất, tiền thuốc trừ sâu, công chăm sóc…”, ông Huệ bức xúc. Còn ông Phải thì phân bua: “Việc nhiều diện tích bỏ hoang là có, nhưng là do trễ vụ sản xuất thôi. Quá trình cải tạo có cái này, cái kia chứ không thể bằng phẳng như vẽ được. Người dân nên thông cảm cho doanh nghiệp”.


    Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
 


.