Đức Phổ chú trọng phát triển nghề cá

08:10, 08/10/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, ngư dân huyện Đức Phổ đã chú trọng đầu tư đóng mới, cải hoán tàu cá công suất lớn để vươn ra khơi xa, nâng cao năng lực đánh bắt, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nghề biển.

TIN LIÊN QUAN


Nhận thấy ngư trường đánh bắt gần bờ ngày một khó khăn, nên cách đây 6 tháng, ngư dân Huỳnh Văn Trách ở thôn Thạch By 1, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) đã đầu tư hàng trăm triệu đồng cải hoán chiếc tàu cá QNg 94543 TS từ 270 CV lên 350 CV để vươn khơi hành nghề giã cào đôi. Tàu mới, công suất lớn hơn nên việc di chuyển ra ngư trường xa đánh bắt thủy sản của anh cùng 10 bạn nghề thuận lợi hơn trước. Mỗi phiên biển mỗi ngư dân có thu nhập từ 2 đến 5 triệu đồng/người.

 

Ngư dân Sa Huỳnh cải hoán, nâng công suất tàu thuyền để đưa vào khai thác hải sản.                Ảnh: PV
Ngư dân Sa Huỳnh cải hoán, nâng công suất tàu thuyền để đưa vào khai thác hải sản. Ảnh: PV


 Còn ngư dân Phan Trãi ở thôn Thạnh Đức 1, xã Phổ Thạnh đã đầu tư 800 triệu đồng cải hoán chiếc tàu cá QNg 94374 TS, công suất từ 100 CV lên 330 CV để hành nghề giã cào đôi. Ông Trãi chia sẻ: “Mỗi ngày môi trường làm ăn càng khó khăn, tàu nhỏ thì không đảm bảo được. Đóng tàu lớn đi làm ăn khi gặp sóng gió cũng yên tâm hơn”.

Tại xã Phổ Quang, sau một năm được thành lập và đi vào hoạt động, nghiệp đoàn nghề cá đạt tổng giá trị thu nhập từ đánh bắt hải sản trên 14,4 tỷ đồng. Bình quân thu nhập mỗi đoàn viên đạt trên 5,8 triệu đồng/tháng. Từ chỗ đánh bắt phân tán, nay ngư dân đã chủ động liên kết thành nhiều tổ, đội hoạt động có hiệu quả, nâng sản lượng khai thác thủy sản của xã Phổ Quang 8 tháng đầu năm nay lên hơn 8.000 tấn, bằng 67% kế hoạch năm. Trong đó, riêng vạn chài thôn Hải Tân đạt sản lượng 7.000 tấn. Bình quân thu nhập mỗi tháng của ngư dân trên 4 triệu đồng.

Đức Phổ hiện có hơn 1.454 tàu cá với tổng công suất trên 260.300 CV. Để tạo điều kiện cho ngư dân nâng cao năng lực đánh bắt, huyện Đức Phổ đã chú trọng thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ ngư dân như hỗ trợ tiền dầu, bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên… Đáng chú ý là Nghiệp đoàn nghề cá 2 xã Phổ Quang và Phổ Thạnh ra đời đã có nhiều chương trình hoạt động tích cực để giúp đỡ, tạo điều kiện cho ngư dân an tâm bám biển. Ngoài hệ thống máy thông tin liên lạc Icom, mới đây Chương trình tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa đã hỗ trợ cho Nghiệp đoàn nghề cá xã Phổ Quang một thiết bị trạm bờ trị giá 204 triệu đồng, giúp cho ngư dân địa phương xác định vị trí tàu thuyền, phục vụ cho công tác cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra thiên tai trên biển.

 8 tháng năm 2013, ngư dân huyện Đức Phổ khai thác 50.000 tấn hải sản các loại, đạt 87,3% kế hoạch năm. Bên cạnh đó, ngư dân trong huyện cũng đầu tư đóng mới và cải hoán thêm 58 chiếc tàu cá; phát triển và duy trì hoạt động 110 tổ liên kết tàu cá đánh bắt trên biển. Qua đó, thúc đẩy các dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển; đồng thời giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động ở địa phương mỗi năm.

“Để nâng cao chất lượng đánh bắt, thời gian tới huyện Đức Phổ tập trung phối hợp với các sở ngành, chủ đầu tư triển khai đồng bộ cơ sở hạ tầng cho 2 cửa biển Mỹ Á và Sa Huỳnh kể cả dịch vụ hậu cần trên bờ. Kêu gọi, khuyến khích các nhà đầu tư vào cụm CN – TTCN Sa Huỳnh để làm các dịch vụ nghề cá. Phát triển 2 HTX dịch vụ đánh bắt xa bờ xã Phổ Quang  và  2 nghiệp đoàn nghề cá.

Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ ngư dân, nhất là hỗ trợ xăng dầu cho tàu thuyền đánh bắt xa bờ; hỗ trợ đóng mới, cải hoán tàu thuyền... Đồng thời, tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”- Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ Trần Em nói.


  K.Sơn - H.Sen
 


.