Đóng góp xây dựng nông thôn mới: Không để dân nặng gánh

10:10, 03/10/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Để hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, việc xây dựng nông thôn mới (NTM) phải tranh thủ sự hỗ trợ của mọi nguồn lực, nhất là nhân dân. Tuy nhiên cũng không nên vì nôn nóng cán đích các tiêu chí NTM, mà huy động quá mức sức đóng góp của dân.

TIN LIÊN QUAN


“Góp sức xây dựng NTM là quyền lợi và trách nhiệm của người dân. Tuy nhiên mức độ đóng góp phải phù hợp, rõ ràng. Nhiều người dân ở một xã của huyện Nghĩa Hành bức xúc khi đề cập đến chuyện chính quyền xã “cào bằng” đối tượng thu tiền xây dựng NTM. Đó là ngoài những người trong độ tuổi lao động thì cả người già, trẻ em, hộ nghèo lẫn cận nghèo-những đối tượng đang thụ hưởng chính sách trợ cấp hàng tháng của Nhà nước cũng phải… góp tiền cho NTM! Thế mới có chuyện cha mẹ đi làm giấy khai sinh cho con, đã bị cán bộ xã nhắc nhở phần đóng góp xây dựng NTM của cháu bé. “Quả thật tôi không hiểu, con tôi còn chưa biết ăn, biết nói thì kiếm đâu ra tiền để góp”, anh T.V.N. bức xúc nói.

 

Để dân có sức xây dựng nông thôn mới, chính quyền cần ưu tiên đầu tư hạ tầng sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.
Để dân có sức xây dựng nông thôn mới, chính quyền cần ưu tiên đầu tư hạ tầng sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.


Trong khi đó người dân cho rằng, ngay từ khi có chủ trương xây dựng NTM, họ rất phấn khởi và sẵn lòng ủng hộ. Điều này được bà con thể hiện qua hành động hiến hàng nghìn mét vuông đất, tự nguyện tháo dỡ tường rào cổng ngõ, chặt phá cây cối hay góp ngày công lao động để giải phóng mặt bằng, nạo vét kênh mương... Với người dân, đây là những hình thức đóng góp cụ thể, rõ ràng, thiết thực và phù hợp với điều kiện kinh tế của mình.

Tuy nhiên, khi xã thu tiền mặt, nhiều người bất bình. Lý do, các khoản thu chưa hợp lý và sai đối tượng, lại “bổ” theo đầu người, đầu sào. Đã thế, bà con nơi đây cũng không biết họ phải đóng góp xây dựng NTM trong thời gian bao lâu; danh mục và kinh phí thực hiện các công trình, hạng mục; tỷ lệ góp giữa Nhà nước và nhân dân đối với những công trình phúc lợi... Thế nên họ thắc mắc vì sao, công trình Nhà văn hóa của một xã do kinh phí ngân sách cấp trên hỗ trợ nhưng địa phương vẫn thu 30.000 đồng/khẩu?

Lý giải tình trạng trên, lãnh đạo huyện Nghĩa Hành cho rằng, do áp lực nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn lớn, lại nôn nóng hoàn thành tiêu chí NTM nên một số xã đã huy động người dân đóng góp tiền mặt. Thực tế cách làm này đã được bàn bạc, thảo luận nhưng vì cách thức thể hiện chưa phù hợp nên gây ra hiệu ứng xấu. Sắp tới, huyện sẽ chỉ đạo kiểm tra, rà soát và chấn chỉnh.

Hiện nay, hầu hết các địa phương trong tỉnh đã và đang triển khai thực hiện những mục tiêu, kế hoạch xây dựng NTM phù hợp với điều kiện thực tế. Chủ yếu là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, rồi huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng nông thôn, kiên cố kênh mương nội đồng, bê tông hóa giao thông, cảnh quan môi trường và cải thiện điều kiện sản xuất. Từ đó, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong các tầng lớp nhân dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM.

Tuy nhiên có một thực tế là hiện nay, không ít người dân, kể cả cán bộ thôn, xã vẫn chưa hiểu đúng về bản chất, ý nghĩa của NTM. Nhất là họ cho rằng, NTM là một phong trào nên quy hoạch ào ào, rập khuôn khiến nhu cầu thực tế và trên bản vẽ bị “vênh”. Đã thế, chính quyền cơ sở lại quá chú trọng vào những phần việc “cứng” như hoàn thiện mạng lưới giao thông, xây mới nhà văn hóa, trụ sở làm việc, công trình…

 

Xây dựng NTM  ở các địa phương hiện chỉ tập trung vào việc làm đường giao thông nông thôn.
Xây dựng NTM ở các địa phương hiện chỉ tập trung vào việc làm đường giao thông nông thôn.


Còn những tiêu chí “mềm” có vai trò làm mới cuộc sống người dân thì lại than khó, chưa tập trung tìm giải pháp khắc phục. Cụ thể là hiện giờ, toàn tỉnh vẫn chưa có xã nào hoàn thành tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo và thu nhập của người dân. Mặc khác lại tồn tại nhiều  công trình tiền tỷ “đắp chiếu”, không phát huy tác dụng, gây lãng phí, khiến người dân bức xúc.


Thiết nghĩ, huy động sức dân để xây dựng NTM là cần thiết. Và thực tế 3 năm qua cho thấy, người dân đã đóng góp không nhỏ vào tiến trình xây dựng NTM. Tuy nhiên, để việc “khoan” sức dân thực sự hiệu quả, mà không tạo áp lực và gánh nặng cho họ, chính quyền cơ sở cần đa dạng hóa các hình thức cũng như “kênh” đóng góp. Có thể vận động doanh nghiệp hay con em quê hương làm ăn thành đạt. Tuy nhiên, hiệu quả nhất vẫn là nâng cao thu nhập cho người dân bằng cách ưu tiên đầu tư phát triển và chuyển giao kỹ thuật sản xuất, tạo việc làm để họ có điều kiện đóng góp xây dựng NTM.


               Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.