Đời theo những cánh ong

08:10, 30/10/2013
.

(Baoquangngai.vn)- Lên Tây Nguyên cắm chốt trong rừng cà phê, về đồng bằng đón hoa keo lá tràm, quanh năm sống tạm bợ trong lều tạm. Đấy là cuộc sống của những người nuôi ong lấy mật.
 
 
Trong cái se lạnh của những ngày chớm đông, hai bên con đường từ miền xuôi lên Trà Bồng đoạn qua thôn Vĩnh Tuy, xã Tịnh Hiệp (Sơn Tịnh) hoa keo nở rộ màu vàng tươi, bừng sáng cả một góc trời. 
 
Dưới tán rừng keo, hàng trăm thùng ong mật và túp liều tạm của anh Trần Văn Phước (45 tuổi) đến từ Đắk Lắk đang cắm chốt. Vừa hì hục nhào bột cho đàn ong, anh Phước vui vẻ, say sưa kể chuyện đời người nuôi ong nay đây mai đó.
 
Sinh ra và lớn lên ở thôn An Kim, xã Tịnh Giang (Sơn Tịnh). Những năm 80 của thế kỷ trước, làng quê Tịnh Giang thật nghèo, núi rừng âm u. Những cánh đồng nắng cháy rộng mênh mông và dường như kéo dài đến vô tận. Người dân lần lượt rời làng vào Nam lập nghiệp.

 

Anh Phước đang kiểm tra cầu ong.
Anh Phước đang kiểm tra cầu ong.

 

Tây Nguyên từ lâu đã trở thành miền đất hứa trong niềm mơ tưởng của rất nhiều người. Theo dòng người ấy, chàng trai trẻ Trần Văn Phước cùng vợ và con rời làng quê vào Đắk Lắk kiếm kế sinh nhai.
 
Gia đình anh từng phải trường kỳ đi làm thuê, dầm bụi đỏ Tây Nguyên suốt nhiều năm trời. Và cũng từ mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng và gió mà anh Phước đã có cơ duyên học được nghề nuôi ong lấy mật, nghề được ví là hái ra tiền nhờ những cánh rừng cao su, cà phê bạt ngàn.
 
Từ kinh nghiệm tích lũy được từ bạn bè, anh giao việc nhà cho vợ, tự mua giống ong và thuê xe đưa đến vườn cà phê dựng lều để nuôi và lấy mật. Cũng từ đó, 18 năm qua, anh gắn chặt cuộc đời phiêu bạt, nay đây mai đó với những đàn ong.
 
“Đời nuôi ong du mục ngày đêm nằm một mình giữa rừng hoang, chẳng biết Tết ra sao, cả đời chẳng biết đến cái tivi, không ánh đèn vì loài ong sợ ánh sáng”- anh Phước tâm sự.
 

 

Nhào thức ăn cho ong.
Nhào thức ăn cho ong.

 

Công việc của người nuôi ong thay đổi theo mùa. Tháng ba, lúc hoa cà phê bắt đầu nở, người nuôi ong cùng những thùng ong theo xe đến dựng trại dưới rừng cà phê. Gọi là trại cho oai chứ thực ra chỉ là chiếc bạt đủ che được một chiếc giường và cái bếp nấu ăn. Hai tháng sau, người nuôi ong lại di chuyển đến cắm chốt dưới rừng hoa keo lá tràm khắp cánh rừng ở miền Trung. 
 
Với nụ cười cởi mở, anh Phước bộc bạch: “Nói nghề này là nghề phiêu bạt cũng không có gì sai. Ở đâu có hoa là mình đặt chân đến đấy. Nghề này cực kỳ vất vả và công phu. Vì thế mình đặt chân đến đâu cũng cần 10 nhân công phụ việc. Vất vả nhất là lúc di chuyển đàn ong, phải tuyệt đối không gây chấn động, nếu không sẽ vỡ thùng, ong bay đi hết”.
 
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi ong, anh Phước thật thà, bao nhiêu lần nếm mùi thất bại, mình mới tích lũy được kinh nghiệm. Muốn nuôi ong thì trước hết phải tìm được địa hình thích hợp. Khi dựng trại ong phải chú ý hướng gió, nếu chọn sai địa hình thì nguồn mật thu được rất ít, lúc đó lại phải di chuyển đi nơi khác. 
 
Một kinh nghiệm mà người nuôi ong phải đặc biệt lưu ý là không dựng trại ong gần những vùng trồng lúa, rau, hoa màu. Bởi ong sẽ chết vì hút phải mật tại những ruộng phun thuốc bảo vệ thực vật.

 

Những thùng ong được đặt dưới tán rừng keo lá tràm.
Những thùng ong được đặt dưới tán rừng keo lá tràm.

 

Nghề này tùy thuộc hoàn toàn vào thời tiết, nếu năm nào mưa nắng đan xen, cây cối đâm chồi này lộc, gặp được vùng hoa sum suê chỉ cần nửa tháng đến hai mươi ngày, sẽ có được những bánh mật vàng ươm. 
 
Ngược lại, mưa kéo dài đàn ong không đi hút mật được hoặc nắng kéo dài, đàn ong rất dễ bỏ đi, lúc ấy người nuôi ong phải bổ sung mật bằng phương pháp cho ong ăn xirô đường. Cứ 1kg đường trộn với 0.8kg nước, bỏ vào máng để trên xà cầu cho ong tự bò lên ăn. 
 
Cùng với việc lấy mật, người nuôi còn phải tính đến việc bảo tồn số lượng bầy ong của mình. Mỗi lần khai thác mật, thợ ong mang cầu ong để vào một chiếc thùng kín rồi cho xoay nhiều vòng để ấu trùng ong văng ra khỏi cầu, lúc ép mật, ong non không bị chết. Ngoài ra, một công việc đòi hỏi thợ ong phải cẩn thận, tỉ mĩ là canh chừng thằn lằn, tắc kè, cóc, rắn mối… ăn ong.
 
Với đàn ong hơn 600 tổ như của anh Phước, mỗi lần quay mật được khoảng 1.500kg. Mật quay xong, người của các công ty ong mật đưa ôtô đến thu gom tận nơi với giá từ 30.000 đồng/kg. Từ lúc cắm chốt ở Quảng Ngãi đến giờ, anh đã bán được hơn 600 triệu đồng mật ong, trừ chi phí như tiền ăn cho ong, lương nhân công, anh thu lãi hơn 400 triệu đồng. “Nghề nuôi ong nếu trời thương thì chỉ một vài năm là có tiền tỷ trong tay. Nhưng nếu rủi ro thì trong chớp mắt là trắng tay”, anh Phước tâm sự.
 
 
 
Bài, ảnh: Ái Kiều
 

.