Chính sách tín dụng: Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn

08:10, 11/10/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, ngành ngân hàng Quảng Ngãi đã góp phần tích cực vào việc phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

TIN LIÊN QUAN

Những kết quả đạt được

Quảng Ngãi có trên 70% dân số làm nghề nông- ngư- lâm nghiệp. Qua 3 năm thực hiện Nghị định 41, đến nay có 20/30 tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tham gia cho vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các tổ chức tín dụng đã giải ngân đến gần 505.000 lượt khách hàng với tổng doanh số cho vay hơn 14.518 tỷ đồng. Đến hết tháng 8.2013 có 173.257 khách hàng còn dư nợ 5.772 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với cuối năm 2010 và chiếm 20,69% tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn. Tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay giai đoạn 2010-2013 đạt 34,3%/năm. Trong đó, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh là hai ngân hàng có số dư nợ cho vay chiếm 77%. Các ngân hàng thương mại và Quỹ tín dụng nhân dân cho vay chiếm tỷ lệ 23% trong tổng dư nợ cho vay.

 

Thu hoạch lúa hè thu bằng phương tiện cơ giới ở xã Đức Chánh (Mộ Đức).
Thu hoạch lúa hè thu bằng phương tiện cơ giới ở xã Đức Chánh (Mộ Đức).


Trong số khách hàng đang vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn còn dư nợ đến cuối tháng 8.2013 có 171.843 cá nhân còn dư nợ 4.422 tỷ đồng (76,6% tổng dư nợ), 115 doanh nghiệp còn dư nợ 1.323 tỷ đồng (23%)...

 Trong quá trình cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, các tổ chức tín dụng đã tích cực tham gia thực hiện cho vay phục vụ chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay đã cho hơn 3.300 khách hàng vay với số vốn trên 700 tỷ đồng (12% dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn), tăng 6,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Riêng cho vay 4 xã thí điểm xây dựng nông thôn mới là 50 tỷ đồng, gồm xã Hành Minh (Nghĩa Hành) 18 tỷ đồng, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) 13 tỷ đồng, xã Đức Tân (Mộ Đức) 16 tỷ đồng, xã Ba Chùa (Ba Tơ ) 3 tỷ đồng.

 Cùng với cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn, thời gian qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh còn cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách nhằm đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Tính đến cuối tháng 8.2013 có gần 131.200 hộ đang sử dụng vốn Ngân hàng Chính sách tỉnh với tổng dư nợ 2.038 tỷ đồng.  Từ nguồn vốn tín dụng ngân hàng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, tạo điều kiện cải tiến và áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, giúp nhiều hộ thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng.

…đến những vướng mắc cần tháo gỡ

Nghị định 41 ra đời  đã mang lại nhiều điều kiện thuận lợi để bà con nông dân nghèo tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng, tuy vậy việc vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới cũng còn những khó khăn, vướng mắc cần được Trung ương và địa phương tháo gỡ. Đó là: Cần mở rộng đối tượng được vay vốn, bởi hiện nay những người dân cư trú tại các phường, thị trấn có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp không được vay vốn theo Nghị định 41. Cần hạ thấp tiêu chí vay vốn, hiện nay kinh tế trang trại, hợp tác xã trong tỉnh tuy có phát triển, nhưng chưa tiếp cận được vốn vay ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn là do không đáp ứng được tiêu chí quy định tại Thông tư số 27/2011/TT của Bộ NN&PTNT.

Đến thời điểm này, nhiều địa phương trong tỉnh chưa hoàn thành việc xây dựng quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới cũng như chưa chú trọng đến việc quy hoạch sản xuất. Vì vậy việc thẩm định mở rộng đầu tư cho vay của các ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn, dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới chưa tương xứng với nhu cầu thực tế của địa phương. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến nay còn chậm so với yêu cầu cũng làm hạn chế việc người dân tiếp cận để vay vốn ngân hàng…


 Bài, ảnh: Đăng Lâm

 


.