Cái lý của vụ mùa

04:10, 18/10/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong khi đồng ruộng trong tỉnh được nghỉ ngơi sau hai mùa sản xuất, thì gần 1.000 ha đất chân cao lại nhộn nhịp bước vào vụ mùa nhằm giúp nông dân tăng thêm sản lượng lúa…

TIN LIÊN QUAN

Lúa mọc lưa thưa, lại có màu vàng nhạt nên thoạt nhìn, nó chẳng khác gì ruộng lúa chắc - sản phẩm tồn dư sau khi vụ hè thu kết thúc. Nhưng, lúa ấy được nông dân gieo hoặc sạ giống, rồi đổ công sức chăm bẵm, bởi nó được xem là “nồi cơm” muộn của không ít người. Thế nên, dù đồng ruộng trong tỉnh đã nghỉ ngơi,  nhưng 90ha ruộng ở các thôn Phước Tích, Thạch An xã Bình Mỹ (Bình Sơn) vẫn cùng nông dân vào vụ.

 

Nông dân thôn Phước Tích kiểm tra sâu bệnh cho lúa vụ mùa.
Nông dân thôn Phước Tích kiểm tra sâu bệnh cho lúa vụ mùa.


Lý giải sự nhiệt tình trên, ông Đặng Sơn ở xóm Đông Thạnh, thôn Phước Tích bảo rằng: “Cũng vì nông dân chúng tôi lo quá nên… làm liều”. Dẫu biết vụ mùa tiềm ẩn nhiều rủi ro, năng suất thấp nhưng do ruộng ở đây vừa khát vừa phèn, chỉ sản xuất được mỗi vụ đông xuân nên hũ gạo của nhiều gia đình đã bị vơi. Như ông Sơn, 6 sào ruộng lại rơi vào diện “ruộng một vụ” do thiếu nước, nên để đủ gạo ăn, ông buộc phải sản xuất vụ mùa. Vì mỗi sào, nó cũng cho 3 - 4 bao lúa. Năm nào mưa thuận, gió hòa thì được 5 bao. Với gia đình ông Sơn, chừng ấy lúa là cả một tài sản quý, vì nó giải tỏa được nỗi lo thiếu gạo, giúp mọi người yên tâm đón Tết.    

Nông dân xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) cũng đang hối hả với việc chăm sóc lúa vụ mùa khi chúng đang bước vào giai đoạn đứng cái, làm đòng. Quả thật nhìn ruộng lúa xanh mơn mởn, lại khỏe mạnh, người dân “vựa muối” khấp khởi hy vọng sẽ có được một vụ lúa  bội thu. Vì theo ông Nguyễn Hùng thì thời điểm này năm trước, nắng nóng như đổ lửa khiến cây lúa bị “khát”, năng suất đạt thấp. Thế nhưng năm nay những cơn mưa đã giúp ruộng đầy nước, tiết trời cũng dịu nhẹ nên cây lúa hứa hẹn sẽ nặng hạt hơn.

Mặc dù không được các ngành chuyên môn khuyến cáo sản xuất, nhưng theo bà con nông dân ở các xã Bình Mỹ, Bình Thanh Đông (Bình Sơn), Phổ Thạnh (Đức Phổ)… thì họ vẫn sẽ không từ bỏ vụ mùa. Lý do, ngoài mục đích vớt vát sản lượng lúa bị mất do không gieo sạ được trong vụ hè thu, việc sản xuất này cũng giúp ruộng sạch cỏ; bà con nông dân vì thế cũng đỡ tốn công và chi phí vệ sinh đồng ruộng khi bước vào vụ đông xuân. Thoạt nghe, lý giải này có phần ngụy biện cho hành động “xé rào” của nông dân, nhưng khi nhìn những đám ruộng bị cỏ dại phủ dày vì thời gian bỏ hoang quá dài mới thấy họ nói chẳng sai. Quả thật, với điều kiện chân ruộng xấu, đất nhiễm phèn lại thường xuyên đối mặt với tình trạng “nắng khát mưa úng” khiến cả cây mì, bắp lẫn đậu phụng chào thua, thì việc gieo lúa vụ mùa vẫn được bà con xem là giải pháp phù hợp để vừa giữ đất, vừa cải thiện thu nhập.

Hơn nữa theo tính toán của nông dân, việc sản xuất vụ mùa không ảnh hưởng đến tiến độ gieo sạ vụ đông xuân; thậm chí có nơi như Bình Mỹ, Bình Thanh Đông còn dư thời gian để tiến hành xuống giống vụ đông xuân sớm. Do đó, xét trên tình trạng ruộng và diễn biến của thời tiết như lâu nay, vụ mùa vẫn có giá trị đối với nông dân, ít nhất là trên phương diện đảm bảo đủ lương thực cho gia đình họ. Nói như ông Phan Diệp - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn-địa phương có số diện tích lúa vụ mùa gần 600 ha, thì vụ mùa là “ân nhân” của những nông dân có diện tích sản xuất bất lợi trong vụ chính. Nhưng để sản xuất vụ mùa đạt hiệu quả, nó cần sự ủng hộ của… đất trời lẫn cái nhìn cảm thông từ phía các ngành chức năng.


Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.