Vùng rau an toàn xã Nghĩa Dũng: Bao giờ được công nhận rau sạch?

11:09, 28/09/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hơn 10 ha sản xuất rau ở xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi) đã được ngành nông nghiệp cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau, quả an toàn.  Tuy nhiên, cái chữ VietGap chưa được "đóng dấu" trên vùng rau nên sản phẩm của bà con vẫn chưa được thị trường chấp nhận là rau sạch.

TIN LIÊN QUAN


Dự án vùng rau an toàn xã Nghĩa Dũng được đầu tư hơn 5 tỷ đồng để xây dựng 1,3 km đường giao thông, hệ thống điện và cả nhà sơ chế rau. Sau khi đưa vào sử dụng, nhà máy sẽ sơ chế khoảng 5.000 kg rau tươi trước khi bán ra thị trường. Tuy nhiên, dù công trình hoàn thành đã lâu nhưng đến giờ bà con cũng chỉ mừng... hụt.

"Lợi... nửa vời"

Sau 1 năm hoàn thành công trình đầu tư thí điểm dự án vùng sản xuất rau an toàn xã Nghĩa Dũng, vùng rau này trở nên khang trang hơn. Hệ thống điện được kéo về tận vùng rau; đường giao thông nội đồng được bê tông kiên cố. Bây giờ, mùa thu hoạch rau, trên những con đường ngang dọc này, nông dân đã tập kết chất đống những ụ rau xanh mướt, chờ xe đến chở.

 

Cơ sở sơ chế rau an toàn xã Nghĩa Dũng đã hoàn thành hơn 1 năm, nhưng nay vẫn “cửa đóng then cài”.
Cơ sở sơ chế rau an toàn xã Nghĩa Dũng đã hoàn thành hơn 1 năm, nhưng nay vẫn “cửa đóng then cài”.


Chị Nguyễn Thị Kim Thoa ở thôn 6, xã Nghĩa Dũng cho rằng: "Làm rau bây giờ khỏe hơn trước. Làm đất, bón phân, thu hoạch đều nhờ xe thồ, xe cơ giới vào đồng. Bà con không phải nhọc sức, nhọc công  khuân vác nữa". Hệ thống điện kéo về đồng cũng đã giúp cho bà con giảm bớt chi phí. Trước đây, vì không có điện nên mạnh ai nấy kéo từ nhà ra đồng để bắt mô tơ tưới nước cho rau. Cả cánh đồng, thấy chỗ nào cũng có dây điện móc nối, xoắn nhau chằng chịt. Mùa nắng thì tốn tiền điện. Mùa mưa thì sợ điện nhiễu. Tình cảnh này, nay đã hạn chế.

Tuy nhiên, nếu như "bộ ba", hệ thống điện, giao thông và cơ sở sơ chế rau an toàn đều phát huy hiệu quả thì có lẽ nông dân xã Nghĩa Dũng không đánh giá: Dự án chỉ "lợi nửa ... vời". Bởi theo mục đích của công trình sau khi hoàn thành, cơ sở sơ chế rau an toàn sẽ thu mua toàn bộ rau cho bà con với giá cao hơn. Thế nhưng, hiện nay mặc dù công trình đã hoàn thành hơn 1 năm, nhưng bà con thu hoạch rau đều bán cho thương lái bên ngoài với giá cả bấp bênh. Còn cơ sở sơ chế rau thì vẫn im ỉm "cửa đóng then cài" ngay trên cánh đồng rau.

Áp dụng quy trình nghiêm ngặt

Sau cơn bão số 8, vùng rau an toàn xã Nghĩa Dũng vẫn xanh mướt một màu. Từng ô thửa đất được nông dân trồng với đủ loại rau: Tần ơ, các loại cải, xà lách và rau thơm. Ông Võ Văn Ca, giải thích: "Vùng này chỉ trồng được rau lá ngắn ngày thôi. Họ quy định vậy và phải trồng theo tiêu chuẩn của rau an toàn đấy!". Ngày trước, khi chưa có quy hoạch vùng rau an toàn, nông dân xã Nghĩa Dũng tự điều tiết "ngầm" với nhau: Nếu như đám của hộ này trồng tần ơ, rau cải thì đám kia phải trồng ớt, cà... để giảm tải lượng rau bán ra thị trường và hy vọng được giá. Kể từ ngày sản xuất theo quy định của vùng rau thì lượng rau xanh ngắn ngày vùng này chiếm quá lớn. Mỗi khi rau Đà Lạt, Gia Lai ùa về thị trường Quảng Ngãi thì rau Nghĩa Dũng rớt giá thê thảm.

"Từ đầu năm đến giờ làm được 4 vụ, nhưng lúc được thì thu 2-3 triệu đồng/sào/tháng, khi mất thì rớt xuống còn 500 ngàn đồng/sào/tháng, thu nhập bấp bênh lắm", bà Phạm Thị Bình chia sẻ. Ông Huỳnh Ngọc Hân, lo ngại: "Mất giá nhưng phải sản xuất theo đúng quy trình là rau sạch đấy chứ. Bao nhiêu lần đi tập huấn cán bộ nhắc nhở muốn sản xuất rau sạch thì không được dùng thuốc độc để phòng trừ sâu bệnh. Lâu nay bà con ai cũng đi tìm thuốc sinh học để chăm sóc rau. Đặc biệt, ai cũng nhớ bón phân đúng liều lượng, tránh thừa đạm, ngừng phun thuốc trước ngày thu hoạch khoảng 8 - 10 ngày để rau đảm bảo sạch, tránh ô nhiễm đất... Quy trình áp dụng thì nghiêm ngặt, nhưng rau Nghĩa Dũng bán ra thị trường giá cũng như các loại rau khác. Làm sao mà có lãi được?!".  
Cần bắc cầu cho VietGap.

Vùng rau sạch xã Nghĩa Dũng đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn, và đã chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm sản xuất rau an toàn; nơi tiêu thụ là siêu thị cũng đã có sẵn. Ông Cao Tùng - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Dũng, cho biết: "Một khi HTX sản xuất rau an toàn đi vào hoạt động, vùng rau an toàn sẽ được "xâu chuỗi" về một mối để cung cấp cho các siêu thị, các thị trường trong và ngoài tỉnh. Nguồn rau khi được công nhận là rau sạch, thì chắc chắn giá cả sẽ tăng lên, nguồn thu nhập bà con mới ổn định".

Tuy nhiên hiện nay, HTX sản xuất và tiêu thụ rau an toàn xã Nghĩa Dũng, với 42 thành viên, chỉ có tên trên giấy tờ. Thực tế, HTX này hoạt động không hiệu quả và đã tan rã từ lâu. Hiện xã Nghĩa Dũng đang làm thủ tục để trình UBND TP. Quảng Ngãi giải thể bắt buộc HTX và thành lập HTX mới. Ông Trần Dương - Phó Phòng Kinh tế TP.Quảng Ngãi, cho biết: "Ngành nông nghiệp cũng đã làm thủ tục để gửi ngành chuyên môn chứng nhận vùng sản xuất rau an toàn xã Nghĩa Dũng đủ tiêu chuẩn VietGap. Tuy nhiên, khi tổ chức HTX mới hoạt động thì chữ VietGap mới được "đóng dấu" (công nhận)?.

Trong khi chờ đợi, nông dân xã Nghĩa Dũng vẫn phải tiếp tục sản xuất trong sự bấp bênh, nhà sơ chế vẫn im ỉm đóng cửa. Câu hỏi bao giờ vùng rau an toàn xã Nghĩa Dũng được công nhận là rau sạch (đóng dấu VietGap) xin dành cho ngành chức năng.

 


Bài, ảnh: MAI HẠ

 


.