Ngư dân“đổ cá" vào Đà Nẵng

10:09, 30/09/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ở Quảng Ngãi, các cửa biển Sa Huỳnh, Mỹ Á, Cổ Lũy bị bồi lấp nặng, nên các tàu cá của Quảng Ngãi lại nối đuôi nhau ra Đà Nẵng. “Ngoài ni không có đội tàu Quảng Ngãi thì chợ, quán biết buôn bán cái chi” – một chủ nậu ở bến cá Thọ Quang – Đà Nẵng cho biết.

TIN LIÊN QUAN


Muốn về nhưng bị kẹt

Tại chợ thủy sản đầu mối Thọ Quang của TP.Đà Nẵng, những con tàu mang biển số Quảng Ngãi nối đuôi nhau và choán hết cả âu thuyền. Đếm sơ qua, có khoảng 80 tàu đang neo tại bến. Bên cạnh những tàu cá của Quảng Ngãi có trọng tải lớn là những chiếc thuyền nhỏ của ngư dân địa phương. Ngư dân Quảng Ngãi đang đua nhau đóng tàu ngày càng to, máy công suất lớn, còn ngư dân ở Thọ Quang – Đà Nẵng thì ngày càng teo tóp dần đi vì lớp trẻ không còn mặn mà với nghề biển.

 

Tàu Quảng Ngãi neo đậu ở bến Thọ Quang (Đà Nẵng).
Tàu Quảng Ngãi neo đậu ở bến Thọ Quang (Đà Nẵng).


Bà Bảy, một tiểu thương buôn bán ở Thọ Quang chỉ vào đội tàu của ngư dân Quảng Ngãi và cho biết: “Rứa mi đừng gọi Quảng Ngãi là ghe, hắn to bự bự cho nên phải gọi là tàu mới đúng hơn. Ở ngoài ni, ngư dân Quảng Ngãi làm rất đạt. Cá lấp đầy lút chợ Thọ Quang là của tàu Quảng Ngãi chứ mấy tàu kia thì có cái chi”.

Chợ thủy sản đầu mối Thọ Quang bắt đầu tấp nập thuyền bè vào lúc 12 giờ đêm, đến 6 giờ sáng thì chợ tan. Và đội tàu của ngư dân Quảng Ngãi trở thành lực lượng chính tạo ra sự nhộn nhịp của chợ thủy sản. “Chừ đội tàu Quảng Ngãi toàn đi xa. Có chiếc đi 10 ngày nửa tháng, có chiếc gần một tháng mới vô bờ nên cá rất nhiều” – những người dân ở đây cho biết.

Trên con tàu QNg 94268 TS, thuyền trưởng Nguyễn Tấn Dũng, quê ở Thạnh Đức 2 (xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ) đang đốc thúc bạn vận chuyển 25 tấn cá lên bờ để tiếp tục lấy đá mở biển. Cá chất cao từng đống trên cầu cảng. Các tiểu thương nhanh chóng phân loại cá chỉ vàng, cá bò da để chở vào chợ chế biến. Những tiểu thương ở chợ cho biết, chủ nậu ở Thọ Quang ai nắm trong tay 5-8 chiếc tàu của Quảng Ngãi là làm ăn khá. Để giữ mối làm ăn, chủ nậu cho tàu ứng dầu gối đầu, phiên sau vô mới tính tiền.

Làm giàu cho Thọ Quang

Theo thống kê, bình quân mỗi ngày có 15 tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân Quảng Ngãi cập bến Thọ Quang. Ngư dân vào cảng gồm: Tàu hành nghề giã cào, câu mực, lưới rút. Mỗi tàu trung bình chở vào 15 tấn cá. Riêng tàu của ngư dân tỉnh Quảng Nam có khoảng 30 chiếc hoạt động tại Thọ Quang. Ngư dân tỉnh Bình Định thì vào cảng rất thưa thớt. Vậy, chỉ tính riêng lượng cá của tàu Quảng Ngãi đã lấp đầy khu chợ đầu mối thủy sản lớn nhất của Đà Nẵng.

 

Cá trên tàu Quảng Ngãi đưa vào bán tại chợ đầu mối Thọ Quang.
Cá trên tàu Quảng Ngãi đưa vào bán tại chợ đầu mối Thọ Quang.


Một thuyền trưởng phân tích chuyện ngư dân bỏ quê ra đây: “Anh cứ tính thử, mỗi phiên biển cặp tàu của em đong 7.000 lít dầu, mua 600 cây đá, mua gạo, rau và các loại thực phẩm khác khoảng hơn chục triệu. Chi phí một phiên biển khoảng 260 triệu đồng. Lấy bình quân tàu của em nhân lên mấy trăm chiếc. Nếu tất cả tàu cá của Quảng Ngãi kéo về quê là nhà máy đá ở Thọ Quang đứng bánh hết trơn”.

Tại chợ thủy sản Thọ Quang, những đống cá chất cao ngồn ngộn bên máy xay đá ầm ầm. Khoảng 40 xe ô tô đông lạnh và hàng trăm nhân công tấp nập sơ chế để chuyển hàng đi các nơi. Khung cảnh này là điều mơ ước của bà con ngư dân vùng biển Quảng Ngãi. Tại Thọ Quang, nhiều người vẫn hỏi thăm bà con ngư dân Lý Sơn. Những năm trước đây, đội tàu của ngư dân Lý Sơn tập trung về bến Sông Hàn của Đà Nẵng. Sau này, các ngư dân quay về cửa biển Sa Kỳ, góp phần gầy dựng sự sầm uất cho cửa biển này.

Trên tàu QNg 92347 TS của anh Nguyễn Tấn Khiêm ở Sa Huỳnh, một ngư dân nghe điện thoại, mặt mày nhăn nhó giãi  bày chuyện làm ăn. Anh cho biết, chủ nậu ở quê khóc đứng khóc ngồi năn nỉ anh em đánh thuyền về quê bán cá để bà con mình được nhờ, chủ nậu có cá mua, cây dầu, nhà máy đá có tàu để bán hàng. Anh nói giọng buồn buồn: “Anh em trên tàu ai cũng muốn về quê mình, nhưng mà cửa lạch cạn, ra vô lấp lửng mắc cạn nên đành phải vô đây ”.


Bài, ảnh: VĂN CHƯƠNG
 


.