Nghề khai thác thủy sản cần sự trợ lực của Nhà nước

08:09, 25/09/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Khai thác, đánh bắt thủy sản không chỉ mang lại nguồn hải sản “tươi” cho xã hội và thu nhập cho ngư dân, mà còn góp phần giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội. Nhưng để nghề này trụ vững và phát triển thì cần sự “thông luồng”, trợ lực của nhà nước.

TIN LIÊN QUAN


Năm nay dù sản lượng khai thác, đánh bắt tăng nhưng thực tế, ngư dân lại thua lỗ. Đây quả là một nghịch lý. Song, nếu nhìn vào độ “vênh” giữa giá sản phẩm và nhiên liệu cùng chi phí đầu vào thì nghịch lý trên xảy ra cũng chẳng có gì lạ. Đó là giá sản phẩm liên tục rớt, còn nhiên liệu thì cứ tăng. Trong khi năng lực khai thác và khả năng hiện có của nguồn lợi ven bờ ngày càng mất cân đối, chất lượng sản phẩm vì thế cũng suy giảm buộc ngư dân phải tận thu sản phẩm.

 

Đóng mới tàu thuyền tại xưởng đóng tàu Viễn Đông, xã Phổ Thạnh nhằm tăng hiệu quả khai thác thủy hải sản.
Đóng mới tàu thuyền tại xưởng đóng tàu Viễn Đông, xã Phổ Thạnh nhằm tăng hiệu quả khai thác thủy hải sản.


Cách làm này vô tình đẩy họ rơi vào chỗ khốn khó khi hành nghề vì nó khiến nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt. Bên cạnh đó giá bán thì rất bấp bênh. Thế nên nhiều ngư dân bộc bạch rằng, ghe thuyền đầy khoang cá, mực, ai cũng bảo chủ tàu “ấm túi”. Nhưng thực ra, sau khi trừ phí tổn nhiên vật liệu, tu sửa phương tiện, chia cho bạn chài, rồi sắm sửa vật tư cho phiên biển tiếp theo thì lợi nhuận còn lại sẽ chẳng là bao. Mà đó là khi tàu về đầy cá. Chứ nhiều bận, tàu thuyền ra đi nặng đá, lúc về lại nhẹ cá thì ngư dân chỉ biết ôm nợ vì “thu không đủ chi”.
 

Toàn tỉnh hiện có 5.498 tàu thuyền với tổng công suất 783.000 CV (2.320 tàu có công suất trên 90 CV). Số phương tiện này hoạt động chủ yếu ở các vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, các tỉnh phía bắc, phía nam, Đông Nam Bộ và vùng biển Quảng Ngãi. Cơ cấu nghề khai thác đa dạng như lưới kéo, lưới rê, lưới vây, câu, cào khơi… với sản lượng khai thác thủy hải sản ước đạt hơn 110,8 nghìn tấn trong 9 tháng năm 2013.

Đã thế mấy năm nay, nhiều cửa biển bồi lấp khiến tàu thuyền không thể cập cảng nhà, mà phải đi “neo nhờ ở đậu” với chi phí hậu cần cao, mà giá tiêu thụ sản phẩm lắm lúc lại thấp. Điều này không chỉ làm khổ chủ tàu, mà còn khiến nhiều cảng cá rơi vào cảnh đìu hiu khi dịch vụ hậu cần bị… ế! Chưa kể việc thông luồng, nạo vét cát nhiễm mặn ở các cửa biển cũng đã ảnh hưởng đến sinh kế của ngư dân đánh bắt thủy, hải sản gần bờ. Mà nói như ông Trần Sơn ở xã Nghĩa An (Tư Nghĩa) thì: “Chưa biết việc nạo vét, tận thu cát có giúp tàu thuyền ra vào cảng thuận lợi hơn không. Chỉ biết rằng hiện giờ, vò gạo của ngư dân nghèo chúng tôi bị cạn vì cá tôm đã rủ nhau bỏ đi hết rồi”.

Chia sẻ những khó khăn này với ngư dân, tỉnh cũng đã thực hiện nhiều chính sách ưu tiên, khuyến khích trong đó có việc thực hiện hỗ trợ tàu cá theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nhờ vậy, đã có gần 700 tàu thuyền của ngư dân được hỗ trợ nhiên liệu, trang thiết bị trạm bờ, máy HF và bảo hiểm thuyền viên, bảo hiểm thân tàu… với tổng kinh phí hơn 119 tỷ đồng. Tuy nhiên hiện giờ, toàn tỉnh vẫn có đến 155 tàu hành nghề lưới kéo, lưới rê, lưới vây… nằm bờ vì kiệt sức!

Như vậy, dù được xem là nghề mũi nhọn nhưng khai thác thủy hải sản đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Và muốn tồn tại, đã đến lúc nó phải tìm cho mình mô hình cộng đồng quản lý nguồn lợi thủy sản bền vững để thay đổi và tổ chức lại hoạt động đánh bắt, mở rộng ngư trường; đồng thời có hướng giảm tàu thuyền công suất nhỏ mà không ảnh hưởng đến sinh kế của người dân.
    

Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.