Dấu ấn ODA

02:09, 06/09/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)-  Phải khẳng định rằng, dù còn một số hạn chế, nhưng nhiều năm qua, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (gọi tắt là ODA) đã đầu tư xây dựng cho Quảng Ngãi nhiều công trình, dự án, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững…

TIN LIÊN QUAN


20 năm và 54 chương trình, dự án

Cách đây 20 năm – năm 1993 Cộng đồng tài trợ quốc tế tái thiết lập quan hệ viện trợ với Việt Nam. Quảng Ngãi “bắt nhịp” được quan hệ hợp tác phát triển với các nhà tài trợ từ năm 1996. Tuy nhiên, hoạt động hợp tác phát triển mới thực sự mở rộng từ năm 2000 đến nay, trong đó có nhiều dự án quy mô khá lớn từ 200 đến 300 tỷ đồng và kéo dài thời gian thực hiện đến 5 năm.

 

Hồ chứa nước Huân Phong (Phổ Cường, Đức Phổ) được dự án ODA hỗ trợ thực hiện.
Hồ chứa nước Huân Phong (Phổ Cường, Đức Phổ) được dự án ODA hỗ trợ thực hiện.


Tính đến nay, Quảng Ngãi đã có mối quan hệ hợp tác phát triển, tiếp nhận viện trợ của 13 nhà tài trợ chủ yếu là Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Đức, WB, ADB, AFD… Tổng cộng có 54 dự án, chương trình về nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, gồm: Nông nghiệp, giáo dục, cấp thoát nước, y tế, tài nguyên môi trường được thực hiện. Số tiền Quảng Ngãi đã tiếp nhận hơn 4.505 tỷ đồng. Có 4 nhà tài trợ chính là Ngân hàng thế giới, Ngân hàng phát triển Châu Á, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản, Chính phủ Úc đã tài trợ cho tỉnh 47 dự án, chiếm 87% tổng số dự án tiếp nhận. Trong đó Ngân hàng thế giới đã tài trợ 13 chương trình, tổng vốn ODA hơn 1.800 tỷ đồng. Ngân hàng phát triển Châu Á tài trợ 12 dự án vốn hơn 1.119 tỷ đồng…

Theo thống kê, hiện nay Quảng Ngãi đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng 35 dự án; 19 dự án chuyển tiếp và sẽ hoàn thành vào cuối năm 2013. Theo đánh giá của tỉnh, nguồn vốn ODA đã góp phần bổ sung, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội của tỉnh, nhất là kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống cộng đồng dân cư miền núi, khu vực đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, qua tiếp nhận, thực hiện chương trình, dự án ODA, Quảng Ngãi còn có thêm cơ hội học hỏi kinh nghiệm quản lý dự án, tăng cường năng lực quản lý cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cơ sở.

Tuy nhiên, từ thực tiễn gần 20 năm tiếp nhận, triển khai sử dụng nguồn vốn này, Quảng Ngãi cũng nhận định rằng quy trình, thủ tục thu hút, sử dụng nguồn vốn ODA ở một số chương trình, dự án còn gặp vướng mắc, vẫn còn tình trạng nhà tài trợ gây chậm trễ, làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, tăng chi phí. Những bất cập này chắc chắn sẽ được tháo gỡ khi khung thể chế về quản lý và sử dụng vốn ODA của Chính phủ đang được hoàn thiện; việc hướng dẫn quản lý, sử dụng vốn ODA được quan tâm hơn, hướng đến cam kết đảm bảo hiệu quả, tạo thuận lợi cho các địa phương thụ hưởng.

 Ý nghĩa đối với vùng nghèo, người nghèo

Mùa mưa bão năm 2013 đã đến gần. Công tác đảm bảo an toàn hồ đập đã phần nào an tâm hơn thời điểm cùng kỳ năm trước, bởi 7 hồ đập đã hoàn thành công tác khôi phục từ cuối năm 2012 từ nguồn vốn ODA do Nhật Bản tài trợ. Các hồ nhỏ nằm trong Dự án Khôi phục các hồ chứa nước quy mô nhỏ tại Quảng Ngãi có tổng vốn đầu tư trên 818 triệu yên Nhật. Việc khôi phục các hồ đập này đã ổn định nước tưới cho trên 840 ha đất sản xuất. Ngoài ra, việc gia cố vững chãi hồ đập còn góp phần bảo đảm an toàn tính mạng cho hàng ngàn hộ dân sống ở vùng hạ lưu và  nâng cao năng lực quản lý, khai thác, sử dụng công trình.

Ý nghĩa mà nguồn vốn ODA mang lại cho vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và người dân thụ hưởng lợi ích thiết thực từ những công trình nước sinh hoạt, giáo dục, y tế, trường học… là rất lớn. Tại xã Trà Lâm (Trà Bồng), tình trạng hàng trăm hộ dân thôn Xanh bao đời phải phụ thuộc vào con suối cạnh làng về nước sinh hoạt không còn nữa khi công trình nước sạch được đầu tư xây dựng từ vốn ODA bàn giao, đưa vào sử dụng. Những cán bộ, tư vấn, chuyên gia đã về tận nhà của đồng bào Cor nơi đây hướng dẫn tận tình cách quản lý, sử dụng công trình. Anh Hồ Văn Khánh – người dân thôn Xanh bày tỏ: “Có công trình nước này, mình không cần phải ra suối lấy nước nữa. Nước vừa đảm bảo vệ sinh lại dồi dào nữa. Làng mình ai cũng vui!”.

Chuyên gia tư vấn nước ngoài thuộc dự án ODA hướng dẫn người dân thôn Xanh (Trà Lâm – Trà Bồng) quản lý, khai thác hiệu quả công trình nước sinh hoạt.
Chuyên gia tư vấn nước ngoài thuộc dự án ODA hướng dẫn người dân thôn Xanh (Trà Lâm – Trà Bồng) quản lý, khai thác hiệu quả công trình nước sinh hoạt.


Công trình vốn ODA trước khi đầu tư được xác định mục tiêu, ý nghĩa tương đối rõ ràng, đặc biệt là những công trình thuộc chương trình viện trợ theo phương thức hỗ trợ ngân sách có mục tiêu. Cụ thể như Chương trình 135 giai đoạn II (ISP) cho vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Sau 4 năm thực hiện, Chương trình này đã đóng góp to lớn vào phát triển kinh tế-xã hội vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Người nghèo ở những nơi này thực sự được thụ hưởng những lợi ích thiết thực mà các công trình, dự án ODA mang lại. Cuộc sống của họ đã có nhiều đổi thay.

 Kéo dài ISP

Chương trình 135 giai đoạn II (gọi tắt ISP) được triển khai thực hiện tại 6 huyện nghèo của tỉnh gồm Trà Bồng, Tây Trà, Sơn Hà, Sơn Tây, Minh Long, Ba Tơ từ năm 2008. Tổng số vốn tỉnh đã tiếp nhận, triển khai thực hiện đến nay hơn 100 tỷ đồng. Đây là chương trình do Chính phủ Úc viện trợ không hoàn lại theo phương thức hỗ trợ ngân sách. UBND tỉnh đánh giá đây là mô hình hay, hiệu quả, cần nhân rộng và đề xuất với Trung ương, nhà tài trợ tiếp tục được tiếp nhận viện trợ để thực hiện chương trình này.

Quảng Ngãi đã xác định 4 lĩnh vực ưu tiên thực hiện nguồn ODA trong thời gian tới, gồm nông nghiệp, nông thôn, nhất là đầu tư cho thủy lợi; giao thông, điện; xử lý chất thải; y tế, giáo dục. Đồng thời đề ra nhóm giải pháp thúc đẩy mối quan hệ hợp tác phát triển, nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác, sử dụng nguồn vốn ODA đúng mục tiêu vì sự “hợp tác phát triển bền vững”.


Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.