Xã điểm “chạy” nước rút

08:08, 08/08/2013
.

TIN LIÊN QUAN
(QNg)- Theo lộ trình thì cuối năm nay, nghĩa là chỉ còn 5 tháng nữa xã Bình Dương (Bình Sơn) và Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) cán đích nông thôn mới (NTM) nhưng đến thời điểm này, hai địa phương trên vẫn đang loay hoay tìm hướng hoàn thiện các tiêu chí…

Hiện xã Nghĩa Hòa chỉ đạt 8/19 tiêu chí, còn Bình Dương thì nhỉnh hơn với 12 tiêu chí đã hoàn thành. Tuy nhiên, điều mà người dân và chính quyền hai địa phương băn khoăn không chỉ là chuyện “phải hoàn thành NTM đúng tiến độ” mà còn là cái kết của hành trình NTM một khi họ đã đuối sức.

Tránh “hữu danh vô thực”

Nói đến Bình Dương, hẳn không ít người dành cho địa phương này những lời ca tụng. Từ cách làm mang tính đột phá của chính quyền đến sự đồng thuận của bà con trong xã; từ tấm lòng những người con xa mang “quà” là chiếc cầu, cái chợ tặng quê hương đến chuyện nhiều cụ già tìm cách làm đẹp xã bằng cách tái tạo hình ảnh cây sanh-sân đình. Chẳng thế mà nhiều người đã ngỡ ngàng lẫn thán phục khi tìm thấy những nét rất “quê” ở Bình Dương mà không phải địa phương nào cũng có được.

 

Dù giúp dân Nghĩa Hoà giải quyết việc làm và cải thiện thu nhập nhưng những lốp ô tô cũ này lại làm ô nhiễm môi trường sống, còn đường sá thì mất mỹ quan và mất an toàn giao thông.
Dù giúp dân Nghĩa Hoà giải quyết việc làm và cải thiện thu nhập nhưng những lốp ô tô cũ này lại làm ô nhiễm môi trường sống, còn đường sá thì mất mỹ quan và mất an toàn giao thông.

Đó là con đường bê tông uốn mình từ nhà ra tận ruộng lúa xanh rì; rồi sân thể thao, công viên cây sanh cổ thụ 200 năm tuổi-địa điểm mà cụ Nguyễn Sỏi (85 tuổi) tự hào là “trung tâm vui chơi, giải trí của cả xã”. Bởi khi chiều xuống, nơi đây nhộn nhịp với trận đấu bóng chuyền, cầu lông của đám thanh niên lẫn trong tiếng nói cười rôm rả của các bà, các chị. Còn bên gốc cây sanh, những cụ già sôi nổi hàn huyên hay chăm chú nhìn lũ trẻ tụm năm tụm bảy chơi trò bắn bi, oẳn tù tì. Tất cả đã toát lên sự yên bình và sung túc của một làng quê.

Điểm qua điều này để thấy rằng, với Bình Dương, bóng dáng NTM đã hiển hiện. Tuy chưa thực sự “mới” như mong đợi nhưng ít nhất, nó đã xoay chuyển đời sống tinh thần và vật chất của người dân theo hướng tích cực, đủ để họ nhận ra cái lợi mà NTM mang lại. Thoạt nghe quá dễ, nhưng muốn dân nhìn thấu hiểu và công nhận, quả không đơn giản. Mà xã Nghĩa Hòa là một ví dụ.

Dù đã dốc toàn lực và đạt 8/19 tiêu chí nhưng hiện giờ, cuộc sống của bà con nơi đây vẫn “khó đủ bề”. Nào là môi trường sống bị ô nhiễm bởi rác thải, bụi bẩn và mùi hôi; rồi người dân hụt hơi tìm kế sinh nhai hay tình trạng “nhà với mộ chung vườn”. Nhưng có lẽ, việc người dân Nghĩa Hòa mong được rũ bỏ nhất chính là những chiếc máy bơm dã chiến ngoài đồng. Bởi, sự có mặt của chúng đã nói lên cảnh nghèo nàn và lạc hậu trong hình thức tổ chức sản xuất lẫn đời sống lam lũ của người dân. Và, “như thế chưa gọi là NTM. Bởi, NTM thì môi trường và cuộc sống cũng phải mới”, ông Nguyễn Văn Bá - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hoà nhìn nhận.  
 
Đường dài cần sức dai  

Bình Dương và Nghĩa Hòa, hai xã được tỉnh kỳ vọng và gửi gắm kết quả cán đích NTM vào cuối năm nay. Xác định rõ trách nhiệm này, hai địa phương trên đã dồn tổng lực, tập trung xây dựng hạ tầng nông thôn, đầu tư sản xuất... Nhưng đến thời điểm này, nông thôn Nghĩa Hòa và Bình Dương vẫn chưa thực sự đột phá. Ngay như xã Bình Dương, dù nức tiếng trong tỉnh về những cánh đồng 300 - 400 triệu/ha, hay nhiều công trình dân sinh ra đời từ sự đóng góp (hơn 26,8 tỷ đồng) của nhân dân và con em Bình Dương đi làm ăn xa, nhưng thực tế, địa phương này vẫn đang loay hoay với bài toán phát triển bền vững. Vì tuy sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao nhưng thu nhập của người dân Bình Dương lại kém bền vững.

Nguyên nhân là bởi, hoạt động này phụ thuộc quá nhiều vào tự nhiên, lại thêm thiên tai, dịch bệnh hoành hành trong khi giá nông sản liên tục “nhảy múa” khiến đời sống của nông dân phụ thuộc vào…trời hoặc thị trường! Chẳng thế mà Chủ tịch UBND xã Bình Dương Lê Minh Chính lo rằng, chặng đường tiếp theo của NTM sẽ vô cùng gian nan vì sức dân Bình Dương đang dần cạn kiệt, trong khi địa phương lại cần nguồn vốn rất lớn để đạt 7 tiêu chí còn lại.  

Với xã Nghĩa Hòa, khó khăn lại càng gấp bội khi mà hơn 2 năm qua, người dân đóng góp cho NTM dừng lại ở việc hiến đất làm giao thông nông thôn, còn doanh nghiệp (DN) thì “có tiếng chẳng thấy miếng đâu”. Nghĩa là chuyện DN rầm rộ trao bảng hỗ trợ  tiền để làm đường, dựng trường, nhưng rốt cuộc, tiền đâu không thấy, chỉ thấy người dân nghi ngờ chính quyền xã… có tiền mà không chịu sử dụng! Thế nên hiện giờ, những tiêu chí chính, tạo điểm nhấn cho bộ mặt nông thôn Nghĩa Hòa vẫn là… sẽ tiếp tục phấn đấu! Vì vậy, ông Huỳnh Dũng - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa đã thẳng thắn thừa nhận trước UBND tỉnh: Nghĩa Hòa không thể đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2013 và xin lùi đến năm 2015 với nhu cầu vốn lên đến hơn 200 tỷ đồng!

Như vậy, dù đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của tỉnh nhưng rõ ràng, để đại diện cho 184 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM, Bình Dương và Nghĩa Hòa vẫn còn bộn bề gian khó. Tháo gỡ điều này, tại cuộc họp chiều ngày 1/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ đã yêu cầu hai địa phương trên “không được mềm lòng” mà phải quyết tâm, gắng sức thực hiện những công việc sau.
 
Thứ nhất, khẩn trương soát xét và đánh giá lại 19 tiêu chí, kiểm tra những nội dung không phù hợp với điều kiện thực tế, sớm báo cáo tỉnh kiến nghị Trung ương và tỉnh có hướng điều chỉnh.
 
Thứ hai, phát huy tính chủ động của người dân, tránh trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước; đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa đầu tư hạ tầng. Thứ ba, lập dự án cụ thể những công trình thiết yếu có vốn đầu tư lớn trình tỉnh xem xét bố trí. Phó Chủ tịch cũng lưu ý, các địa phương cần chú trọng đổi mới và nâng cao hiệu quả của hợp phần sản xuất nhằm “làm mới” chất lượng cuộc sống của người dân, từ đó tạo hiệu ứng và sức lan tỏa của NTM.
 

Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.