Sữa nội, sữa ngoại

08:08, 24/08/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Lâu nay, người tiêu dùng sữa ở Việt Nam cứ phải “nghiến răng, bóp bụng” mua sữa ngoại với giá cao ngất trời, cao gấp nhiều lần giá nhập khẩu chính thức. Sở dĩ, những nhà nhập khẩu sữa vào Việt Nam có thể tùy tiện nâng giá lên bao nhiêu cũng được, vì họ “đi guốc” được vào thị hiếu, thói chuộng hàng ngoại của người Việt. Đúng là với nhiều người tiêu dùng Việt Nam, dù giàu hay nghèo, thì cứ “hàng ngoại” là tốt, là đáng để mua, dù giá đắt.

TIN LIÊN QUAN

Trong khi đó, hàng nội cùng chủng loại không hề hiếm song ít được để mắt tới.

Nhưng, nói đi thì cũng phải nói lại. Ngay ở mặt hàng sữa, thì độ thơm ngon (khá rõ) cộng chất lượng (chưa rõ lắm, nhưng được quảng cáo rất dữ dội) của sữa ngoại vẫn có vẻ lấn át sữa nội. Vì thế, người ta mới chuộng, mới đổ xô vào mua, dù giá đắt. Ở đây, phải thấy tài nghệ quảng cáo của các hãng sữa ngoại và của các nhà nhập khẩu sữa ngoại là rất siêu. Trong kinh tế thị trường, quảng cáo luôn đóng vai trò rất quan trọng. Nhưng sữa là mặt hàng nhạy cảm, vậy mà ở đó quảng cáo vẫn len lách vào thu hút được sự quan tâm dẫn tới quyết định mua hàng của đa số người tiêu dùng Việt Nam, điều ấy rất đáng cho các hãng sữa nội phải suy nghĩ.

 Nhưng rồi, trong khi đang “phơi phới…tăng giá”, sữa ngoại đã “gặp cái eo”. Đó là thông tin về “sữa bẩn” từ New Zealand, chỉ đích danh một số nhãn hiệu sữa đang bán rất chạy tại Việt Nam. Người tiêu dùng Việt Nam ngay lập tức “nói không” với sữa ngoại bẩn, đồng thời đảo mắt cảnh giác về tất cả các nhãn sữa ngoại khác đang được bày bán, dù chúng chưa phải là “sữa bẩn”. Họ không từ chối, nhưng đã rụt rè hẳn trước khi quyết định mua những loại sữa ngoại này.

Nhiều người vội kêu lên: Đây là cơ hội cho sữa nội “lên ngôi”! Đúng là khi không lựa chọn sữa ngoại, tất người tiêu dùng Việt Nam sẽ chọn sữa nội. Đây quả là “cái rủi của người này lại là cái may của người khác”, dù không ai muốn như vậy. Trong thời điểm này, sữa nội đang được hưởng lợi. Nhưng cơ hội nào cũng đi kèm thách thức.

Nếu sữa nội không nhân cơ hội được người tiêu dùng “âu yếm” mà nâng cao chất lượng toàn diện, cũng như tổ chức lại các khâu tiếp thị và quảng cáo, thì khi cơ hội qua đi, nghĩa là khi sữa ngoại đã qua cơn “khốn khó”, đã khắc phục được vấn nạn sữa bẩn, thậm chí đã vừa cam kết lại chất lượng và độ an toàn vừa có chiến dịch “đại hạ giá” (thực ra là trở về với giá thật, giá nhập khẩu+lãi hợp lý) so với giá trước đây, thì liệu sữa nội có tiếp tục bị người tiêu dùng thờ ơ hay không? Cái này, các hãng sữa nội phải tự hỏi mình, và phải nhân cơ hội đang được ưa chuộng như thế này để vượt lên, hầu “sánh vai cùng…sữa ngoại”.

Còn nếu bỏ qua cơ hội, thì khi cơ hội trôi qua, mọi chuyện có thể lại đâu trở về đó, và sữa nội lại tiếp tục bị xếp sau sữa ngoại trong mắt người tiêu dùng.


Thanh Thảo


.