Chiến lược đúng, thành công lớn

08:08, 21/08/2013
.

(QNg)- Trong khi một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phải ngưng hoạt động hoặc phá sản, thì vẫn có nhiều doanh nghiệp đang kinh doanh rất hiệu quả. Các doanh nghiệp đã chắt chiu từng cơ hội, đề ra nhiều giải pháp hợp lý nhằm vững bước đi lên.

TIN LIÊN QUAN

Đa dạng hóa sản phẩm

Thời gian gần đây, khi khách hàng đến mua sắm tại Siêu thị Co.op Mart Quảng Ngãi rất ngạc nhiên vì các sản phẩm mang thương hiệu riêng của chính Co.op Mart. Từ các sản phẩm như bột giặt, nước xả vải đến các loại thực phẩm như mì tôm, phở ăn liền... cạnh tranh sòng phẳng với sản phẩm cùng loại ngay tại Siêu thị Co.op Mart.

 

 Người tiêu dùng chọn mua hàng tại Siêu thị Co.op Mart Quảng Ngãi.
Người tiêu dùng chọn mua hàng tại Siêu thị Co.op Mart Quảng Ngãi.

 

So với các sản phẩm của các tập đoàn lớn như Unilever, P&G, VinaAcecook... thì giá cả các mặt hàng của Co.op Mart mềm hơn, trong khi chất lượng không thua kém. Ông Lê Hồng Ca- Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Quảng Ngãi, cho biết: Sản phẩm mang thương hiệu Co.op Mart có giá hấp dẫn vì khi mua khách hàng chỉ trả tiền cho công năng của sản phẩm mà không chịu nhiều khoản khác như quảng cáo, phân phối… Bên cạnh đó, lợi thế về giá cũng như ưu đãi khi số lượng tiêu thụ cao đã giúp sản phẩm Co.op Mart giảm thêm giá thành các mặt hàng cho người tiêu dùng.


Phát triển nhãn hàng riêng là cách hệ thống Siêu thị Co.op Mart chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Thời gian qua, các sản phẩm Co.op Mart mới liên tục được giới thiệu đa dạng, phong phú về chủng loại, với giá cạnh tranh và tạo được sự khác biệt, độc đáo. Nhờ vậy, dù kinh tế đang rất khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu, nhưng hệ thống Siêu thị Co.op Mart vẫn giữ đà tăng trưởng tốt.

Trong những năm qua, các sản phẩm của Nhà máy Bánh kẹo Quảng Ngãi (Biscafun) không ngừng vươn ra khắp thị trường trong và ngoài nước. Thương hiệu “Biscafun” có nghĩa là “Bánh kẹo vui” cùng với slogan “Hơn cả niềm vui” đã trở nên thân quen với người tiêu dùng. Hiện thương hiệu Biscafun cung cấp cho thị trường trên 100 nhãn sản phẩm các loại. Trong đó một số sản phẩm được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng và đánh giá cao, thậm chí cạnh tranh hơn hẳn sản phẩm đồng dạng được nhập từ nước ngoài như bánh mềm cao cấp phủ sôcôla mang nhãn hiệu Nice, Gold, Starpie, Sweetpie, bánh Nutrica, Creammix, bánh Walys, kẹo Luxyca, kẹo Sevenchew, kẹo zữa...

Tiết kiệm năng lượng, đổi mới công nghệ

Để phát triển Nhà máy Sữa đậu nành Việt Nam (VinaSoy), năm 2009, Công ty CP Đường Quảng Ngãi đã đầu tư hàng chục tỷ đồng mua sắm các thiết bị máy móc hiện đại về chế biến sữa đậu nành để thay thế dây chuyền sản xuất cũ, lạc hậu; đồng thời, thực hiện chiến lược phát triển thương hiệu cho các sản phẩm sữa theo hợp đồng với đơn vị tư vấn Richard Moore của Hoa Kỳ. Nhờ đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại, sản phẩm làm ra có chất lượng tốt, giữ được thị trường, VinaSoy đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng và trở thành thương hiệu dẫn đầu về sản phẩm đậu nành trong bao bì giấy, với thị phần trong nước chiếm khoảng 80%, doanh thu hơn 3.000 tỷ đồng/năm.

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển, VinaSoy đã khánh thành nhà máy mới tại tỉnh Bắc Ninh có tổng vốn đầu tư 750 tỷ đồng, với hệ thống thiết bị hoàn toàn tự động nhập khẩu từ Thụy Điển, công suất 180 triệu lít sữa/năm. Ông Huỳnh Sơn Hải- Phó Giám đốc VianaSoy, cho rằng: Đổi mới công nghệ là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp phát triển. Nhờ công nghệ hiện đại, các sản phẩm làm ra chất lượng cao hơn. Trong khi đó, lượng nước sử dụng giảm khoảng 4 lần và điện năng tiêu thụ giảm hơn 2 lần so với công nghệ cũ. Điều này sẽ giúp cho giá thành sản phẩm giảm. Và lúc này, chính người tiêu dùng được hưởng lợi.

Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, việc tiết kiệm chi phí sản xuất là vấn đề bức thiết đối với mọi doanh nghiệp. Ông Nguyễn Ưu- Phó Tổng giám đốc Công ty CP Cơ khí và Xây lắp An Ngãi, cho biết:  Công ty vẫn thường áp dụng các biện pháp như thành lập bộ phận quản lý năng lượng, cải thiện hệ thống cung cấp năng lượng để giảm tiêu hao, chiếu sáng bằng công nghệ tiên tiến, sử dụng hệ thống điện thông minh, sử dụng điều hòa không khí hợp lý, có công suất phù hợp... Ở nhà máy sản xuất cơ khí của công ty, những giải pháp hoặc đồng bộ hoặc đơn lẻ cũng được áp dụng phổ biến như lắp đồng hồ đo điện cho từng khu vực để dễ quản lý, sử dụng hệ thống bảo ôn đường ống, lắp biến tần cho động cơ quạt cấp gió và hút gió, dán nhãn mác nhắc nhở tiết kiệm, thay đổi thói quen, hành vi của mọi người, giáo dục ý thức tiết kiệm năng lượng cho các cán bộ, công nhân viên và lãnh đạo đơn vị...

 

Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU
 


.