Bất động sản... bất động- Kỳ cuối: Rủi ro từ bất động... “sảng”!

07:08, 02/08/2013
.

(QNg)- Hàng loạt dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh đứng bánh kéo theo nhiều hệ lụy, chưa biết đến bao giờ mới đến hồi kết.

TIN LIÊN QUAN

Dân chịu thiệt

Anh N.A.K, một trong những người mua đất nền theo kiểu “nhà đầu tư thứ cấp”. Theo lời mời chào của chủ đầu tư dự án khu thương mại dịch vụ Vina Universal Paradise, cuối năm 2010, anh K đã đóng hơn 230 triệu đồng, số tiền tương ứng với 40% giá trị lô đất nền, để có một suất trong dự án này. Thế nhưng đã gần 3 năm qua, anh K phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì mong muốn có mảnh đất “cắm dùi” chưa thể thành hiện thực. Dù đã năm lần bảy lượt hỏi nhà đầu tư, nhưng anh K chỉ nhận được lời hứa. Cũng theo anh K thì có vài chục trường hợp khác lâm vào tình cảnh như mình ở dự án này.
 

Dự án bất động sản được “vẽ” rất đẹp nhưng không biết khi nào hoàn thành. Và hệ lụy từ những dự án này khó có thể giải quyết trong ngày một, ngày hai.                     Ảnh: N.TRIỀU
Dự án bất động sản được “vẽ” rất đẹp nhưng không biết khi nào hoàn thành. Và hệ lụy từ những dự án này khó có thể giải quyết trong ngày một, ngày hai. Ảnh: N.TRIỀU

 

Trong khi đó, khoảng 100 khách hàng của Phát Đạt hiện cũng chỉ cầm trên tay hợp đồng mua bán đất và nhận phần rủi ro, bất lợi về mình. Bởi họ chỉ có hợp đồng mua bán, còn khi nào có đất, có sổ đỏ, sổ hồng thì chưa thể biết được.
 
Trong khi những người mua đất đang lo thì với những hộ dân nằm trong vùng dự án bất động sản cũng rất bức xúc về tình trạng dự án đầu tư dở dang kéo dài ba, bốn năm gây không ít khó khăn trong sinh hoạt. Đã vài năm chịu cảnh mưa lụt gây ngập úng, bà Phạm Thị L, ở thị trấn Sơn Tịnh, bức xúc: Họ đầu tư công trình dây dưa nhiều năm, không biết lúc nào mới hoàn thành, chỉ có dân chúng tôi là khổ thôi. Dự án đầu tư hạ tầng không đồng bộ đã chặn hết các lối thoát nước, nên đến mùa mưa là tình trạng ngập úng, đường sá lầy lội rất khó đi. Đấy là chưa kể hàng chục hécta đất lúa bị bỏ hoang hóa nhiều năm liền. Không những thế, người dân muốn làm nhà ở cũng không được vì vướng dự án, còn chờ thì không biết đến bao giờ?


Doanh nghiệp khốn đốn

Từ việc hiểu sai thị trường,  định hướng không chuẩn, không đúng với nhu cầu thực tại của người dân, khiến cho nhà đầu tư tự làm khó mình. Chính vì đua nhau đi làm biệt thự, căn hộ có diện tích 100-300m2 để bán giá cao, chứ không quan tâm đến những căn hộ nhỏ hơn với diện  tích 50-60 m2, hoặc nhà ở cho người có thu nhập thấp, khiến  nhiều doanh nghiệp “sống dở, chết dở”.
 

Ngân hàng cũng bị vạ lây

Với một bản “dự án đẹp”, HUD đã được Ngân hàng Công thương-Chi nhánh Quảng Ngãi cho vay 200 tỷ đồng, trong thời hạn 10 năm. Việc dự án Khu đô thị Phú Mỹ bất động, khiến ngân hàng này đang lo lắng cũng không kém nhà đầu tư, bởi không biết khi nào khoản cho vay mới được thu hồi.

Thị trường bất động sản đóng băng, doanh nghiệp không có tiền để tiếp tục đầu tư trong khi số người dân mua nhà dự án không nhiều, từ đó dẫn đến hàng loạt công trình phải ngưng thi công. Ông Lương Hữu Tiến - phụ trách kinh doanh Công ty TNHH Trường Xuân cho hay, số tiền đầu tư của doanh nghiệp rất lớn, bây giờ bán chưa được khiến vốn bị găm, doanh nghiệp hiện rất khó khăn. Còn Giám đốc Công ty Bất động sản Minh Hoàng, Phan Gia Minh thì lo lắng: “Bây giờ nếu buộc phải xây nhà để bán thì doanh nghiệp sẽ chết. Đến thời điểm này công ty đã đầu tư gần 300 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư là vốn vay, doanh nghiệp phải gồng mình trả lãi. Nếu được bán nền, doanh nghiệp sẽ có đầu ra và giải quyết được khó khăn”.

Tuy nhiên, với kịch bản xấu nhất, một khi doanh nghiệp không còn khả năng thanh toán thì ngân hàng sẽ tịch thu để bán cho người khác hoặc chính doanh nghiệp sẽ bán cho nhà đầu tư khác. Và lúc này, người khổ nhất chính là những khách hàng đã trót đặt tiền cọc, vì con đường “tìm” lại tiền của mình xem chừng rất gian nan.

Ngân sách thất thu

Ông Nguyễn Anh Tuấn- Giám đốc Công ty TNHH MTV Bất động sản Thiên Bút thẳng thắn: Nhiều doanh nghiệp hiện đang lợi dụng việc bán đất nền. Điều này không chỉ khách hàng gánh chịu rủi ro mà tỉnh cũng bị thiệt. Trong khi một số doanh nghiệp tốn nhiều công sức, tiền của để xây dựng các khu đô thị rất bài bản, thì một số doanh nghiệp lại bán đất nền, rất dễ phá vỡ quy hoạch đô thị.

Nếu như các dự án được phép phân lô bán nền thì quy hoạch đô thị bị phá vỡ là chuyện khó tránh khỏi. Nhưng trước mắt ngân sách bị thiệt đã thấy rõ. Bởi hiện tại các nhà đầu tư nợ ngân sách tỉnh Quảng Ngãi tiền sử dụng đất hàng trăm tỷ đồng. Trong đó, với dự án khu đô thị Phú Mỹ, HUD còn nợ tỉnh gần 100 tỷ đồng, với số nợ tiền thuế sử dụng đất gần 91 tỷ đồng và nợ khoản tiền phạt chậm nộp hơn 7,3 tỷ đồng. Đối với dự án 577, số tiền thuế mà chủ đầu tư phải nộp gần 59 tỷ đồng nhưng đến nay mới nộp 10 tỷ đồng, còn nợ hơn 48 tỷ. Cộng với khoản tiền phạt chậm nộp, chủ đầu tư này còn nợ ngân sách tỉnh trên 52 tỷ đồng. Hiện nay, sau một lần hết hạn gia hạn nộp thuế (tháng 5 năm 2012), hai nhà đầu tư này lại làm hồ sơ xin gia hạn thêm một lần nữa…

 

Phát Đạt tiếp tục được giao dự án bất động sản

Trong khi KDC Nam Lê Lợi và KDC Phan Đình Phùng đầu tư chưa ra đâu thì Công ty BĐS Phát Đạt lại được tỉnh chấp thuận cho nghiên cứu, đầu tư dự án KDC Bàu Giang và dự án KDC Bàu Cả thuộc thành phố Quảng Ngãi, theo công văn số 1879/UBND-CNXD.


Dự án KDC Bàu Giang nằm dọc theo đường Trường Chinh, sát với quốc lộ 1A, bao gồm các khu nhà phố, biệt thự đơn lập, biệt thự song lập, trung tâm thương mại. Tổng vốn đầu tư dự kiến là 6.949 tỷ đồng. Tổng diện tích đất dự án là 567.359 m2. Còn Dự án KDC Bàu Cả tọa lạc tại trung tâm thành phố Quảng Ngãi, thuộc phường Lê Hồng Phong và Trần Hưng Đạo. Dự án bao gồm khu nhà phố, biệt thự đơn lập, biệt thự đơn lập cao cấp, với tổng diện tích đất dự án là 112.348 m2. Tổng vốn đầu tư dự kiến: 1.604,8 tỷ đồng.


Hoàng Hà-Ng.Triều

 


.