Xuống ruộng cùng nhà nông

03:07, 24/07/2013
.

(QNg)- Với phương châm “cầm tay chỉ việc”, những năm qua, Trạm Khuyến nông huyện Sơn Tây đã hướng dẫn cho đồng bào vùng cao áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và xây dựng nhiều mô hình mới hiệu quả, giúp người dân thay đổi tập quán canh tác, tăng năng suất, tăng thu nhập.

TIN LIÊN QUAN
Ứng dụng những mô hình mới

Để tận dụng lợi thế về vật tư có sẵn, đồng thời giúp người dân thay đổi nhận thức và hiểu rõ hơn về lợi ích của việc sử dụng phân chuồng trong sản xuất nông nghiệp, đầu năm 2013, từ nguồn đầu tư của “Chương trình tầm nhìn thế giới”, Trạm Khuyến nông huyện Sơn Tây đã xây dựng và thực hiện thành công mô hình ủ phân vi sinh.

 

 Mô hình ủ phân vi sinh ở Sơn Tây đem lại hiệu quả.
Mô hình ủ phân vi sinh ở Sơn Tây đem lại hiệu quả.

Mô hình được thực hiện cho 21 hộ dân trên khoảng 2 ha diện tích lúa nước. Quy trình thực hiện rất đơn giản, ít tốn kém. Nguyên liệu chủ yếu là phân chuồng, rơm rạ, lá cây, các phế thải từ nông nghiệp là những chất có thể phân hủy được. Dùng chế phẩm Emic vi sinh để xử lý chất hữu cơ và ủ thành phân. Thời gian ủ khoảng 2 tháng. Với cách ủ phân vi sinh này thì những mầm bệnh trong phân sẽ bị diệt hoàn toàn không gây hại khi bón cho cây trồng, phân không có mùi hôi và có tác dụng gấp nhiều lần so với phân chuồng bình thường.
 
Anh Đinh Văn Chân, một trong những hộ tham gia mô hình ủ phân vi sinh chia sẻ: “Trước đây mình chưa biết sử dụng phân chuồng để rải ruộng. Từ ngày cán bộ khuyến nông xuống tận nhà chỉ cho cách ủ phân vi sinh nên mình biết cách làm rồi.  Từ nay mình sẽ không cho người khác phân chuồng nữa mà để dành để ủ phân vi sinh, rải cho ruộng nó tốt”.

Bên cạnh việc thực hiện mô hình ủ phân vi sinh, trong năm 2013, Trạm Khuyến nông Sơn Tây cũng tiến hành thực hiện nhiều mô hình mới như nuôi cá nước ngọt được thực hiện trên địa bàn 4 xã gồm: Sơn Tân, Sơn Lập, Sơn Dung, Sơn Mùa, với tổng diện tích 1.600m2 . Mô hình “Cải tiến kỹ thuật sản xuất lúa nước miền núi” được triển khai tại xã Sơn Long, trên quy mô 2 ha, với 12 hộ tham gia. Ngoài ra, Trạm cũng đang tiến hành hỗ trợ trâu giống kết hợp với làm chuồng và trồng cỏ.

Chăm sóc, nhân rộng các mô hình hiệu  quả    
    
Song song với công tác triển khai, thực hiện các mô hình mới, Trạm Khuyến nông Sơn Tây thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở để kiểm tra và hướng dẫn nông dân chăm sóc, bảo vệ các mô hình đã triển khai của những năm trước.

Hiện tại mô hình trồng rừng hỗn giao keo giâm hom với cây lim xanh đang sinh trưởng, phát triển rất tốt. Đây là mô hình dưới dạng 1 năm trồng, 3 năm đầu tư chăm sóc. Bên cạnh đó, mô hình trồng cây chôm chôm cũng đã được triển khai tại xã Sơn Mùa với quy mô 3 ha. Mô hình này đã từng được triển khai thực hiện cách đây 10 năm và đã đem lại hiệu quả kinh tế cho những hộ tham gia. Vì vậy việc nhân rộng mô hình sẽ giúp những hộ khác có điều kiện phát triển kinh tế.

Ông Trần Quý – Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Sơn Tây cho biết:  Bằng việc trình diễn các mô hình khuyến nông, tổ chức các lớp tập huấn nghề nhằm gắn lý thuyết với thực hành theo phương châm “cầm tay chỉ việc, cán bộ và nhà nông cùng làm” đã thuyết phục, hướng dẫn người dân áp dụng các tiến bộ KHKT mới, giúp người dân địa phương phát triển kinh tế, tăng thu nhập.
   

         Bài, ảnh: Hồng Hoa


.