Sản xuất tại Việt Nam suy giảm mạnh trong tháng 6

01:07, 01/07/2013
.

Ngân hàng HSBC vừa công bố chỉ số ngành sản xuất Việt Nam tháng 6/2013. Theo đó, trong tháng 6, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam suy giảm đáng kể về sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới khiến cho các công ty phải cắt giảm việc làm và mua hàng.

Với kết quả chỉ số giảm từ 48,8 điểm của tháng 5 xuống còn 46,4 điểm, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam đã điều chỉnh yếu tố mùa vụ của HSBC đã rơi xuống mức thấp thứ ba kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu vào tháng 4/2011. Chỉ số PMI vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm – ngưỡng biểu thị sự giảm sút - trong hai tháng liên tiếp.

Sản xuất tại Việt Nam suy giảm mạnh trong tháng 6
Sản xuất tại Việt Nam suy giảm mạnh trong tháng 6


Theo HSBC, thị trường trong nước vốn là nguồn nhu cầu chính yếu đã suy giảm trong tháng 6, trong khi số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới chỉ giảm nhẹ. Do số lượng đơn đặt hàng mới từ cả thị trường trong nước và nước ngoài đều giảm làm cho sản lượng ngành sản xuất cũng đã giảm đáng kể. Kể từ khi khảo sát bắt đầu vào tháng 4/2011, sản lượng và số lượng đơn đặt hàng chỉ có một đợt giảm tốc nhanh hơn vào tháng 7/2012.

Số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh cũng khiến tồn kho thành phẩm tăng mạnh trong tháng 6. Hàng tồn kho đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong một năm qua. Việc gia tăng hàng tồn kho cũng có thể làm giảm nhu cầu tăng sản lượng trong những tháng tới.

Các điều kiện thị trường yếu kém cũng đã ảnh hưởng đến các quyết định trong việc thuê mướn nhân công, mua sắm và dự trữ hàng hóa đầu vào. Trong tháng 6, tình trạng giảm việc làm đã được ghi nhận hai tháng liên tiếp giảm với tốc độ tuộc dốc mạnh trong suốt thời kỳ 11 tháng qua. Việc cắt giảm việc làm mới đây một phần phản ánh năng lực sản xuất dự phòng trong ngành tăng được  thể hiện qua sự giảm mạnh lượng công việc đang có (nhưng chưa hoàn thành) tại các nhà máy.

Hoạt động mua hàng đã bị cắt giảm mạnh trong tháng 6 góp phần làm cho tồn kho nguyên liệu và bán thành phẩm tiếp tục giảm nhẹ. Nhu cầu của các nhà cung cấp về nguyên liệu cũng yếu dẫn đến thời gian giao hàng trung bình được cải thiện tháng thứ ba liên tiếp. Các nhà sản xuất cho biết những cuộc đàm phán thành công với người bán  hàng và việc đồng ý thanh toán nhanh hơn cũng đã làm cho thời gian giao hàng được rút ngắn.

Áp lực giá cả tiếp tục giảm bớt trong tháng khảo sát mới nhất. Mặc dù chi phí đầu vào trung bình đã tăng từ đầu năm tới nay, tỷ lệ lạm phát tháng 6 chỉ ở mức thấp và tăng không đáng kể nhất trong thời kỳ tăng giá gần đây. Trong khi đó, các nhà sản xuất cắt giảm giá bán hàng trung bình để thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Giá cả đầu ra do đó đã giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 7/2012.

Chuyên viên kinh tế của Ngân hàng HSBC Trinh Nguyen bình luận: "Mức suy giảm mạnh của hoạt động sản xuất cho thấy sự yếu kém của thị trường trong nước tiếp tục ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh nói chung. Mặc dù đã áp dụng những biện pháp giảm giá nhưng doanh số bán hàng vẫn giảm do nhu cầu tiêu dùng giảm. Đồng thời, các điều kiện bên ngoài cũng yếu đi khi nhu cầu từ thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc đều yếu hơn. Với chỉ số lạm phát toàn phần tăng trong tháng 6, Ngân hàng Nhà nước trước mắt sẽ tiếp tục quan sát hoạt động thị trường"./.

 


Theo Xuân Thân/VOV online


.