Quảng Ngãi: Gồng mình chống hạn

12:07, 17/07/2013
.

(QNĐT)- Nắng hạn kéo dài và khắc nghiệt khiến hàng chục hecta lúa, hoa màu bị khô cháy, người dân đành cắt cho bò ăn. Nhiều nơi đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng vì giếng trơ đáy…

*Cả người và cây đều khát

Thời tiết diễn biến bất thường, khắc nghiệt. Hạn hán kéo dài làm cho ruộng đồng khô cháy, nhiễm mặn, sông hồ, giếng nước cạn kiệt đã và đang đẩy người dân vào cảnh khốn khó chưa từng thấy.

Chúng tôi tìm về xã Bình Khương (Bình Sơn), những ngày này trên các cánh đồng lúa đang thì trổ đã phủ một màu đỏ hoe… Nhiều người dân loay hoay cắt lúa về cho bò. Một số khác đang hì hục đẩy xe đạp, đèo can nước vài chục lít về sinh hoạt vì giếng nhà đã cạn kiệt.

Dưới cái nắng nóng như đổ lửa, chị Cao Thị Lan ở thôn Trà Lăm vẫn cặm cụi cắt lúa về cho bò ăn, thỉnh thoảng lại chép miệng. Bên cạnh chị là cậu con trai 10 tuổi nhanh nhẹn ôm lúa cho vào bao.

 

Nhiều diện tích lúa ở huyện Bình Sơn người dân phải cắt cho bò ăn vì cháy khô do thiếu nước.
Nhiều diện tích lúa ở huyện Bình Sơn người dân phải cắt cho bò ăn vì cháy khô do thiếu nước.



“Vụ này gia đình tôi gieo 2,5 sào nhưng đến thời điểm này đã cắt cho bò ăn hết 1 sào. Còn 1,5 sào đang trổ trong khi hồ chứa nước đã cạn, nếu 10 ngày tới vẫn không mưa thì cả cánh đồng này không còn cây lúa hay cây hoa màu nào còn sống sót”- chị Lan xót xa.

Bên cạnh đám lúa của chị Lan, nhiều ruộng lúa của bà con nông dân đang trong giai đoạn làm đòng, trổ bông, trổ đều cũng cháy khô do thiếu nước.

Cùng lâm vào tỉnh cảnh “dở khóc, dở cười” như chị Lan, anh Nguyễn Tấn Đạo ở thôn Thanh Trà đứng ngồi không yên vì lúa đang trổ mà không có nước. Anh Đạo cho hay, anh đã cắt cho bò ăn hết 6 sào, còn 6 sào đang trổ nhưng chẳng còn giọt nước nào trong ruộng. Tiền công đầu tư chăm sóc, phân bón 12 sào ruộng gia đình anh đã bỏ ra hơn 6 triệu đồng, giờ lúa lại mất mùa thì không biết lấy gì mà ăn.

Trên khắp các cánh đồng trên địa bàn xã Bình Khương, hàng chục ha lúa, bắp đang trổ bị thiếu nước gần nửa tháng nay. Vụ hè thu này toàn xã Bình Khương gieo sạ 130 ha lúa, nhưng 7 hồ chứa nước ở xã đều rơi vào tình cảnh trơ đáy nên đã có 50 ha mất trắng, số còn lại cũng đang đứng trước nguy cơ mất trắng.

Ông Nguyễn Đức Sơn- Phó Chủ tịch xã cho biết, để cứu lúa, rau màu, chính quyền địa phương đã trích kinh phí đào 2 cái ao ngay cạnh ruộng lúa. Để đào được một cái ao tốn từ 5- 7 triệu đồng nhưng lượng nước chẳng đáng là bao, chỉ cần 2 mô tơ chạy trong một buổi đã cạn kiệt.

Cùng với chính quyền, bà con nông dân cũng chủ động đào nước ao, giếng khoan. Tại xóm Châu Hòa, thôn Phước An nhà nào cũng “sở hữu” một chiếc ao song không hiệu quả, bà con đành nhìn lúa, bắp, đậu cháy khô rồi xót xa cắt cho bò ăn.

Cây trồng chết cháy, khô héo, sụt giảm năng suất vì thiếu nước tưới. Ngoài ra việc thiếu nước sinh hoạt đang khiến cuộc sống của người dân ở xã Bình Khương gặp nhiều khó khăn.


Cả tuần nay, người dân ở xóm Đồng Vũ, thôn Thanh Trà nhà nhà đi chở nước, người người đi gánh nước. Nhiều nhà đã đầu tư hàng triệu đồng để khoan giếng với độ sâu hàng chục mét nhưng vẫn không có nước.
 
Mấy ngày nay, ông Lương Thanh Bình phải huy động tất cả mọi người trong gia đình tất bật đi chở nước cả ngày lẫn đêm cách xa mấy cây số để tích trữ trong các bể chứa. Số là đám cưới con ông Bình đã cận kề mà giếng nhà không còn lấy một giọt nước nên ông phải đặt người ta nấu sẵn rồi chở đến đãi khách.

Không chỉ ở xã Bình Khương mà ở nhiều xã của huyện Bình Sơn, Đức Phổ, huyện đảo Lý Sơn cũng đang rơi vào tình cảnh tương tự.

*Hạn chưa từng thấy

Miền Trung nói chung và Quảng Ngãi nói riêng đã trải qua 3 tháng liền không có mưa lớn, “may mắn” mới có ít cơn mưa nhỏ. Hạn hán, mặn xâm nhập, ruộng đồng khô khốc chưa từng thấy. Các con sông, suối, ao hồ, đập phần lớn đều cạn kiệt nguồn nước.

Theo thống kê của huyện Bình Sơn, toàn huyện đã có 1.458/4.387,7 ha lúa bị hạn, nặng nhất là xã Bình Thanh Đông 85 ha, Bình Khương 47 ha, Bình Chương 18 ha, đã có trên 10 ha lúa bị khô cháy do thiếu nước.

Nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng kéo dài, không có mưa, diện tích có khả năng bị hạn của toàn huyện Bình Sơn sẽ lên đến 3.901 ha, trong đó cây lúa 2.728 ha, cây màu 1.172 ha và nhiều diện tích cây trồng sẽ chết khô. Nguồn nước của các hồ chứa trên địa bàn huyện đã xuống rất thấp. Trong tổng số 52 hồ đập, hiện có 4 hồ khô cạn hoàn toàn, 7 hồ đã đến mực nước chết, các hồ còn lại chỉ còn từ 10-20 % dung tích thiết kế.

 

Hầu hết các hồ chứa nước địa phương đang trơ đáy.
Hầu hết các hồ chứa nước địa phương đang trơ đáy.



Trong 18 công trình hồ chứa nước do Công ty Khai thác Công trình Thủy lợi Quảng Ngãi quản lý hiện chỉ có các hồ ở khu vực miền núi và Thạch Nham có lưu lượng nước đảm bảo nhờ thời gian qua trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh có mưa giông lớn.


Riêng 2 hồ chứa nước Hóc Dọc (Bình Nguyên) và Đá Bàn (Bình Tân) đã cạn kiệt hoàn toàn. Các hồ Hố Quýt (Tịnh Thọ), Mạch Điểu (Đức Phú), Cây Sanh (Phổ Châu) chỉ còn từ 11-16% dung tích thiết kế.

Sở NN& PTNT dự báo toàn tỉnh sẽ có trên 26.000 ha bị hạn, trong đó có trên 17.000ha lúa và 9.200ha cây trồng khác. Trên 43.000 người thiếu nước sinh hoạt và trên 38.800 con vật nuôi thiếu nước uống.

Mặc dù ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo bà con nông dân thực hiện chuyển đổi  2.500 ha lúa ở những vùng không chủ động được tưới, cuối kênh sang trồng cây rau màu để tiết kiệm nguồn nước tưới. Thế nhưng nhiều hộ vẫn “cố đấm ăn xôi” gieo sạ lúa vì chủ quan, hy vọng sẽ có mưa như những năm trước. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến diện tích lúa bị mất trắng do thiếu nước tăng nhanh, gây tổn thất nặng nề cho bà con nông dân.

*Tập trung chống hạn, tiết kiệm nước

Với tình hình hạn hán khốc liệt như hiện nay, các địa phương ưu tiên hàng đầu thực hiện biện pháp tiết kiệm nước, chống hạn.

Ông Huỳnh Tấn Ngọc- Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi cho biết: Hiện nay Công ty đang tiến hành chống hạn bằng cách bơm nước từ kênh Thạch Nham vào lòng hồ để tưới cho các diện tích hưởng nước từ 2 hồ chứa nước Hóc Dọc và Đá Bàn. Do đó Công ty khuyến cáo nông dân tận dụng nguồn nước tại chỗ để bơm tác và tiết kiệm tối đa nguồn nước tưới.

 

Với tình hình hạn hán khốc liệt như hiện nay, các địa phương ưu tiên hàng đầu thực hiện biện pháp tiết kiệm nước, chống hạn.
Với tình hình hạn hán khốc liệt như hiện nay, các địa phương ưu tiên hàng đầu thực hiện biện pháp tiết kiệm nước, chống hạn.



Ngành Nông nghiệp huyện Bình Sơn đã có những giải pháp cơ bản để chống hạn: tập trung nạo vét ao, mương, đắp đập bổi. Với các hồ chứa nước lớn do địa phương quản lý thì tập trung nạo vét lòng hồ và dùng máy bơm để bơm nước chống hạn. HTX Bình Phước 1 đã đào 48 ao, với 24 máy bơm; HTX Bình Chương 2 cũng đào 26 ao để nhân dân bơm nước cứu lúa.

Bên cạnh giải pháp chống hạn, bà con nông dân nên áp dụng kiểu tưới nước ướt, khô xen kẽ. Lúa từ 25-40 ngày thì giữ nước vừa đủ hoặc thấp hơn chân trên chân ruộng, còn 40-45 ngày thì giữ nước khoảng từ 1cm-3cm. Lúa từ 60-70 ngày, giữ nước trong ruộng từ 3cm-5cm lúa từ 70 ngày cho đến khi thu hoạch, chỉ giữ mực nước từ bằng mặt ruộng đến thấp hơn mặt ruộng 15cm. Với cách làm này vẫn đảm bảo năng suất lúa mà tiết kiệm được nước.

Không chỉ tiết kiệm nước tưới, bà con nông dân nên tiết kiệm nước ngọt hết mức để phòng thời gian thiếu có nước sinh hoạt.



Bài, ảnh: Ái Kiều


 


.