Quá nhiều “sạn” tại Hội chợ nông nghiệp và làng nghề

02:07, 13/07/2013
.

(QNĐT)- Hội chợ triển lãm nông nghiệp và làng nghề Việt Nam khu vực miền Trung- Tây Nguyên năm 2013 đã khép lại sau 1 tuần tổ chức. Nhìn chung, hội chợ lần này được xem là thành công, bởi số lượng khách đến và quy mô của các gian hàng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chất lượng hội chợ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, còn quá nhiều “hạt sạn” mà Ban tổ chức cần rút kinh nghiệm...
 
TIN LIÊN QUAN


Quy mô lớn nhất từ trước đến nay

Theo Ban tổ chức thì hội chợ lần này có quy mô lớn nhất từ trước tới nay được tổ chức tại Quảng Ngãi. Hội chợ quy tụ 270 gian hàng của 150 đơn vị, doanh nghiệp, trang trại, làng nghề, HTX, cơ sở thương mại, sản xuất trong và ngoài tỉnh. Trong đó có gần 40 gian hàng của Hội Nông dân các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và 6 huyện, thành phố của tỉnh Quảng Ngãi, đặc biệt Hội LHPN và Tỉnh Đoàn  tham gia 4 gian hàng.
 
 
Các loại giống cây trồng tại hội chợ luôn thu hút khách.
Các loại giống cây trồng tại hội chợ luôn thu hút khách.


Hội chợ cũng có ý nghĩa hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh giới thiệu hàng hoá sản phẩm, quảng bá thương hiệu, tăng cường giao lưu, hợp tác, trao đổi mua bán hàng hóa.

Hội chợ đã trưng bày, giới thiệu nhiều sản phẩm phục vụ nông nghiệp, nông dân như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng vật nuôi, vật tư và các mặt hàng nông sản rau củ, quả, nấm, cây cảnh; các mặt hàng thủy hải sản, thủ công mỹ nghệ, gốm sứ… Ngoài ra, Hội chợ còn bày bán nhiều mặt hàng thiết yếu như: quần áo, dày dép, điện máy, hàng tiêu dùng.

Theo Ban Tổ chức Hội chợ, hầu hết hàng hóa bày bán đều có chất lượng, giá cả phù hợp. Sự phong phú, đa dạng, đặc sắc của các mặt hàng, các vùng miền, các doanh nghiệp trưng bày tại Hội chợ là hình ảnh của nền nông nghiệp Việt Nam.

 

Sản phẩm gỗ của các làng nghề tạo ấn tượng tốt tại hội chợ.
Sản phẩm gỗ của các làng nghề tạo ấn tượng tốt tại hội chợ.

Với chiến dịch quảng cáo rầm rộ của một hội chợ nông nghiệp và làng nghề, nhờ vậy lượng khách đến mua sắm, tham quan tại hội chợ lần này khá lớn, đặt biệt số lượng khách hàng là nông dân đến tham quan, mua sắm chiếm số lượng khá lớn. Đây được xem là một thành công đúng nghĩa của hội chợ.

Tại các quày hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các loại giống cây trồng, vật nuôi. Lượng khách đến đây mua sắm khá nhiều. Theo đại diện Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi Quảng Ngãi thì, chưa bao giờ khách đến mua các loại cây, con của trung tâm đông như thời gian diễn ra hội chợ. Nhiều lúc, trung tâm huy động 5-7 người vẫn không kịp bán cho khách hàng.

Tràn lan hàng Trung Quốc, hàng kém chất lượng

Bên cạnh những gian hàng trưng bày bán các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề thủ công truyền thống đúng nghĩa, tạo ấn tượng tốt cho khách hàng, thì hội chợ cũng khiến nhiều người tiêu dùng thất vọng lẫn bức xúc vì những hàng hóa được bày bán ở đây.

Hội chợ dành nhiều diện tích cho các gian hàng quần áo, dày dép, hóa mỹ phẩm…Tuy nhiên, theo nhận xét của hầu hết khách hàng đến tham quan mua sắm là hàng kém chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng, lỗi mốt, hàng tồn kho…, thậm chí còn bèo nhèo hơn ở các chợ quê, chợ tạm.

Đặc biệt, khách hàng còn bức xúc hơn khi Hội chợ mang ý nghĩa “Người Việt, hàng Việt” lại bày bán hàng có xuất xứ từ nước ngoài. Theo khảo sát của phóng viên, các nhiều mặt hàng tiêu dùng như: các loại chén, đĩa, muỗng bằng nhựa, bình đựng nước inox, dao, chén, ly, khây… và đồ chơi trẻ em có “Made in China”.
 
Quần áo kém chất lượng được bán đại hạ giá không khác nào chợ quê.
Quần áo kém chất lượng được bán đại hạ giá không khác nào chợ quê.

Chị Nguyễn Thị Kim Yến ở xã thôn Trà Bình, xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh) kể, tôi là dân lao động lại ở xa trung tâm thành phố nên mỗi lần nghe “hội chợ” là cảm thấy nao nao trong lòng. Chị nói, mình chần chừ mãi vì sợ thất vọng với những điều trông thấy tại hội chợ tổ chức ở huyện Sơn Tịnh lần trước, nhưng nghe nói đây là hội chợ, triển lãm có quy mô lớn lại có ca sỹ nổi tiếng biểu diễn hàng đêm nên tò mò vượt gần 30km đến xem và mua hàng. Vừa đến các gian hàng quần áo, dày dép tôi đã muốn ra về vì hàng hóa bày bán còn kém chất lượng hơn ở chợ quê tôi. “Tôi nghĩ hàng hóa bán không được họ đem lên đây “xả” chứ hội chợ gì!”- chị Yến bức xúc.

Không chỉ hàng Trung Quốc, mặt hàng nấm linh chi và nhân sâm của Hàn Quốc, hàng mỹ phẩm của nước ngoài cũng “góp mặt” tại Hội chợ.

Bát nháo dịch vụ ăn theo

Hội chợ thì ngoài việc “chợ” phải đi kèm theo phần “hội”. Thế nhưng khi đến hội chợ lần này, không ít khách hàng phải ngao ngán với những dịch vụ gọi là hội lần này. Hàng loạt dịch vụ ăn theo như: đánh bầu cua và phóng phi tiêu, xăm hình trên người người rất phản cảm.

Điều đáng buồn nữa là trong mỗi đêm hội chợ đều có chương trình ca nhạc được ban tổ chức quảng cáo là có ca sĩ nổi tiếng và khách muốn vào hội chợ phải mua vé. Thì thôi bỏ tiền nghe ca sĩ nổi tiếng hát cũng “đáng đồng tiền”, thế nhưng khi đến đây, người dân mới biết các ca sĩ này đều vô danh. Song, nếu các ca sĩ vô danh này hát bằng sự nhiệt thành của mình thì cũng đỡ, ài dè chỉ toàn hát nhép. Sự việc bị lộ khi một ca sĩ ngừng hát, nhưng giọng hát vẫn vang lên khiến khán giả bỏ về một hơi.

Khâu vệ sinh cũng quá kém, hội chợ được tổ chức hoành tráng là thế, nhưng khách hàng đến đây “đỏ mắt” vẫn không tìm ra nhà vệ sinh nên buộc phải “xả” ngay sát quày hàng ăn uống trong khu hội chợ.
 
 
Xăm hình diễn ra ngay giữa hội chợ gây bức xúc cho không ít người.
Xăm hình trên người- Hình ảnh chợ gây bức xúc cho không ít người khi đến hội chợ.


Một vấn đề nữa là tình trạng mất an ninh trật tự xảy ra tại đây, do đơn vị tổ chức chưa phối hợp chặt chẽ với Công an để đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình diễn ra Hội chợ nên rộ lên nạn móc túi, cướp giật, bấm dây chuyền... gây bất an cho người dân khi đến đây mua sắm.

Ông Nguyễn Thanh Xuân- Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an Quảng Ngãi cho biết, Hội chợ lần này được tổ chức quy mô nhưng không hiểu sao thành phần Ban Tổ chức lại không có Công an tỉnh. Ngày 5/7 Hội chợ chính thức khai mạc, nhưng mãi đến ngày 3/7, đơn vị tổ chức mới phối hợp với Công an tỉnh để bảo vệ an ninh trật tự.  

Công an tỉnh đã triển khai bố trí tới 300 cán bộ đảm bảo an ninh và đã phát hiện, trấn áp 3 đối tượng cướp giật tài sản của khách hàng đến từ An Giang và TP. Hồ Chí Minh. Điều đáng nói, với số lượng cán bộ làm nhiệm vụ đông đến thế nhưng Ban Tổ chức không cấp thẻ ra vào cổng đầy đủ khiến mọi người khá vất vả để đảm bảo an ninh trật tự. Đặc biệt khi trấn áp tội phạm, các chiến sỹ công an không nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào từ phía vệ sỹ.

Có thể nói, Hội chợ Nông nghiệp và làng nghề khu vực miền Trung- Tây Nguyên năm 2013 tại Quảng Ngãi là hội chợ lớn, quy mô không chỉ ở một tỉnh mà nhiều tỉnh thành tham dự. Đây là dịp để quảng bá, giới thiệu hàng nông nghiệp, làng nghề của nông dân đến với người tiêu dùng. Song với cách tổ chức như hiện nay  không những khiến hội chợ đã mất ý nghĩa như tên gọi của nó, mà còn làm cho người dân nản lòng mỗi khi nghe đến hội chợ. Qua hội chợ này này, BTC cần thẳng thắng rút kinh nghiệm để những “hạt sạn” không còn tái diễn trong những hội chợ lần sau.

 

Bài, ảnh: M.Toàn-Ái Kiều

 


.