Nhà máy Lọc dầu Dung Quất: Vào guồng cạnh tranh mới

09:07, 28/07/2013
.

(QNg)- Ngành lọc dầu thế giới trong những năm gần đây đang có những thay đổi lớn do xu thế của thị trường, sự giảm chất lượng dầu thô, những quy định khắt khe về tiêu chuẩn nhiên liệu, giá dầu biến động… Do đó, các nhà máy lọc dầu (NMLD) sẽ phải thay đổi đáng kể nhằm thích ứng với xu hướng chung, và để đạt được lợi nhuận cao, NMLD Dung Quất cũng không phải  ngoại lệ, đang nỗ lực vào guồng cạnh tranh mới.


TIN LIÊN QUAN
Năm 2011 đánh dấu một  mốc quan trọng đối với ngành dầu khí khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã hoàn thiện khâu cuối cùng trong chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp dầu khí với sự kiện khánh thành, vận hành an toàn hiệu quả NMLD Dung Quất. Với nguồn nguyên liệu dầu thô sẵn có cũng như thị trường nhập siêu sản phẩm lọc dầu trong nước là các lợi thế làm cho tình hình sản xuất kinh doanh trong thời gian đầu của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) tạm thời không bị ảnh hưởng đáng kể từ những biến động kinh tế thế giới và khu vực. Tuy nhiên, khi nhu cầu dầu thô thay thế của nhà máy tăng lên trong tương lai, tình hình sản xuất kinh doanh tại nhà máy sẽ chịu những ảnh hưởng nhất định.

 

NMLD Dung Quất có nhiều điều kiện thuận lợi để nâng cấp, mở rộng.                                     Ảnh: HOÀNG TRIỀU
NMLD Dung Quất có nhiều điều kiện thuận lợi để nâng cấp, mở rộng. Ảnh: HOÀNG TRIỀU



Ông Vũ Mạnh Tùng-Phó Tổng Giám đốc BSR cho hay, các NMLD ở các nước phát triển được dự báo sẽ tiếp tục “đau đầu” với bài toán lợi nhuận kinh tế và áp lực cạnh tranh. Nhu cầu dầu khí của châu Á đang tăng trưởng với tốc độ cao trong khi trữ lượng, sản lượng của khu vực không đáp ứng được nhu cầu nội tại. Sự mất cân bằng này tạo nên xu thế cạnh tranh vô cùng gay gắt trong việc tiếp cận với các nguồn tài nguyên dầu khí trong và ngoài khu vực. “Để có thể tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp phải biết nắm bắt, tận dụng triệt để các cơ hội, các lợi thế; đồng thời có những thay đổi, điều chỉnh nhằm hạn chế tối đa những rủi ro, bất lợi trong quá trình cạnh tranh trong môi trường hội nhập kinh tế. Chính vì thế, việc bắt kịp các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm dầu ngày càng cao cũng như đảm bảo các tiêu chuẩn liên quan đến sức khỏe, môi trường theo xu hướng phát triển chung của thế giới và khu vực là mục tiêu luôn được chú trọng trong sản xuất và kế hoạch phát triển của BSR”-ông Tùng khẳng định.   

BSR hiện đang kết hợp với nhà thầu JGC (Nhật Bản) nghiên cứu chi tiết, cân nhắc giữa hai phương án nâng cấp hay nâng cấp, mở rộng đảm bảo phát triển bền vững cho NMLD Dung Quất. Bởi việc nâng cấp và mở rộng NMLD Dung Quất từ 6,5 triệu tấn lên 10 triệu tấn mỗi năm trong thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết.

 

 Phương án nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất nhằm thay thế nguồn dầu thô từ Bạch Hổ, vốn có giá cao hơn dầu chua Trung Đông.
Phương án nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất nhằm thay thế nguồn dầu thô từ Bạch Hổ, vốn có giá cao hơn dầu chua Trung Đông.


Các chuyên gia kinh tế ước tính, theo công suất thiết kế, mỗi ngày NMLD Dung Quất tiêu thụ khoảng 149 nghìn thùng dầu ngọt (nguồn dầu thô nhập từ mỏ Bạch Hổ), giá dầu thô Bạch Hổ đang sử dụng cao hơn dầu chua được nhập khẩu từ các nước Trung Đông ít nhất khoảng 3 USD/thùng. Nếu nhà máy nâng cấp, cải tiến công nghệ, mỗi ngày nhà máy này có thể tiết kiệm khoảng 247.000 USD (tương đương khoảng 5,3 tỷ đồng).

Ông Nguyễn Hoài Giang - Chủ tịch Hội đồng quản trị BSR cho biết, việc nâng cấp, mở rộng thì hiệu quả kinh tế của dự án sẽ tăng lên nhiều. Bản thân việc cải tiến công nghệ, thay thế nhiều nguồn dầu thô giá rẻ thay thế cho dầu thô Bạch Hổ là đã mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho nhà máy. Ngoài ra, việc nâng cấp, mở rộng sẽ cải thiện tiêu chẩn chất lượng sản phẩm, chỉ số môi trường của nhà máy; đặt nền tảng vững chắc để đa dạng sản phẩm hóa dầu cung ứng thị trường trong nước.
 

Để có nguồn vốn tái đầu tư nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất, Chính phủ có chủ trương cổ phần hóa nhà máy với tỷ lệ cổ phần sở hữu là 51% vốn Nhà nước, 49% vốn còn lại sẽ kêu gọi đầu tư từ bên ngoài.

"Chúng tôi đang nghiên cứu chi tiết, xem xét giữa hai phương án nâng cấp (giữ công suất 6,5 triệu tấn/năm) hay nâng cấp, mở rộng lên 10 triệu tấn/năm. Căn cứ trên cơ sở các số liệu, tính toán phương án nào mang lại hiệu quả kinh tế cao để đến tháng 9 năm nay báo cáo Chính phủ quyết định", ông Giang nói.  

Trong khi NMLD Dung Quất đang tính toán phương án mở rộng, hay nâng cấp, mở rộng thì một số dự án NMLD trong nước cũng có những chuyển động tích cực. Dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn được xây dựng tại Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) vừa mới được chấp thuận tăng vốn đầu tư từ 8 tỷ USD lên 9 tỷ USD. Dự kiến, dự án do PVN, Tập đoàn Dầu khí quốc tế Kuwait (KPI), Tập đoàn Dầu khí Idemitsu Kosan Nhật Bản (IKC) và Tập đoàn Hóa chất Mitsui Nhật Bản (MCI) tham gia góp vốn đầu tư sẽ hoàn thành công tác xây dựng vào quý 4/2016 và đi vào vận hành thương mại vào năm 2017. Với công suất giai đoạn 1 là 10 triệu tấn/năm (gấp 1,5 lần công suất thiết kế của NMLD Dung Quất), nhà máy này đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong cả nước.

Trong khi đó, siêu dự án nhà máy lọc hóa dầu Nhơn Hội (có tổng vốn đăng ký dự kiến lên đến 27 tỷ USD) của Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) đầu tư tại Bình Định đã được cho chủ trương đầu tư. Dự án Nhà máy lọc hóa dầu sẽ được xây dựng trên diện tích 2.000 ha tại KKT Nhơn Hội, công suất 660.000 thùng dầu thô/ngày (khoảng 30 triệu tấn/năm), gấp gần 5 lần NMLD Dung Quất, với tổng vốn đầu tư khoảng 27 tỷ USD.


Bài, ảnh: Hoàng Triều
 


.