Lý Sơn cấm khai thác, buôn bán rong mơ: Tư thương mất tiền tỷ

08:07, 17/07/2013
.

(QNg)- Trong khi tỉnh và Sở NN&PTNT cho “cơ chế mở” về khai thác và vận chuyển rong mơ thì từ tháng 4/2013, UBND huyện Lý Sơn lại nghiêm cấm việc khai thác và vận chuyển rong mơ, làm nhiều tiểu thương thu mua rong mơ trên địa bàn huyện điêu đứng.


Gần 200 tấn rong mơ trị giá tiền tỷ đang hỏng dần theo thời gian bởi không thể xuất vào đất liền tiêu thụ…

TIN LIÊN QUAN


Rong mơ “mắc cạn”

Hơn một tháng qua, hàng chục tư thương chuyên thu mua rong mơ trên đảo Lý Sơn chạy đôn chạy đáo “gõ cửa” các cơ quan chức năng huyện  với hy vọng sẽ được phép xuất rong mơ đưa vào đất liền tiêu thụ. Nhưng rồi, đến đâu họ cũng nhận được cái lắc đầu. Thế là, hàng trăm tấn rong mơ vẫn phải nằm trong kho, còn tư thương thì khóc ròng vì hàng trăm triệu đồng “chôn” vào hàng tấn rong mơ nhưng đang bị hư hỏng dần.

Gần 30 tấn rong mơ trị giá gần 200 triệu đồng của chị Nguyễn Thị Tài đang dần bị hỏng do không xuất bán được.
Gần 30 tấn rong mơ trị giá gần 200 triệu đồng của chị Nguyễn Thị Tài đang dần bị hỏng do không xuất bán được.


Với giá thu mua từ 7.000 - 7.500 đồng/kg, nên nhiều tư thương như đang ngồi trên đống lửa. Nhìn đống rong mơ lên đến 50 tấn trị giá hơn 300 triệu đồng đang bị mốc phủ dày, ông Nguyễn Chí Sơn ở thôn Đông, xã An Hải, thở dài: “Mọi năm, đến 1/5 thì việc mua bán, vận chuyển bình thường. Nhưng năm nay lại cấm mua bán, vận chuyển cả năm luôn. Những năm trước, đến đầu tháng 5 là chúng tôi đi mua gom hàng và chờ cuối tháng là xuất hàng. Ai ngờ bị cấm bất ngờ quá nên chẳng bán buôn gì được. Trong số vốn 300 triệu mua hàng thì có đến hơn một nửa là tiền “bốc nóng” rồi. Vì thế mấy hôm nay chủ nợ họ đòi tiền lãi lẫn gốc, nhưng chẳng biết lấy gì trả nên đành phải khất nợ. Nếu số hàng trên mà không bán được thì phải bán nhà để trả nợ”.

Cũng lâm vào tình cảnh tương tự, chị Lê Thị Tỵ, thôn Đông, xã An Hải như người mất hồn mỗi khi nghĩ đến 30 tấn rong mơ trong kho không biết phải xử lý thế nào. Theo chị, việc huyện ra văn bản cấm khai thác, vận chuyển, mua bán rong mơ trong thời gian quá sát và tư thương cũng chưa nhận được bất kỳ thông báo nào nên vẫn thu mua, dẫn đến thiệt hại khá nặng. “Tôi không đồng ý với cách xử lý của huyện vì ra lệnh dừng khai thác, thu mua quá gấp. Nên chăng huyện cho phép chúng tôi xuất số rong mơ đã mua để thu hồi vốn” – chị Tỵ mong muốn.

Theo thống kê của bà con tư thương, hiện tại số rong mơ mà họ thu mua từ người dân lên đến gần 200 tấn, trị giá gần 2 tỷ đồng, nhưng do một tháng nay chưa xuất được nên có một số bị hỏng và chất lượng đã giảm 50%.

Huyện làm đúng

Ông Trần Ngọc Nguyên - Chủ tịch UBND huyện cho rằng, về nguyên tắc cấm một vấn đề nào đó thì cũng phải cấm từ gốc tới ngọn. Trong trường hợp rong mơ thì phải cấm từ khai thác, vận chuyển, buôn bán. Nếu không làm nghiêm thì sẽ không bảo vệ được tài nguyên và các thảm thực vật phong phú của vùng biển Lý Sơn. “Tỉnh đã nhất trí với huyện tùy theo yêu cầu và điều kiện cụ thể từng địa phương thì sẽ có quy định cấm khác nhau. Đồng thời, Chính phủ đã có quy hoạch vùng biển Lý Sơn là một trong 12 vùng biển cần được bảo tồn thảm thực vật biển. Do đó, huyện đã thống nhất cấm hoàn toàn việc khai thác vận chuyển, mua bán rong mơ bắt đầu từ tháng 4/2013” – ông Nguyên nói.

 Theo tìm hiểu của chúng tôi, UBND tỉnh đã có văn bản gửi đến các huyện ven biển và các sở, ngành liên quan, quy định về việc khai thác và buôn bán rong mơ. Trong đó, vẫn chưa nghiêm cấm hoàn toàn việc khai thác rong mơ. Ngoài ra, Sở NN&PTNT cũng vừa có văn bản hướng dẫn việc khai thác rong mơ. Theo đó, yêu cầu người lấy rong mơ phải cắt và chừa từ gốc lên 30cm và cắt phân luồng, luống cắt luống không. “Việc hướng dẫn như thế thì quả là khó, ai sẽ là người đi theo ngư dân để kiểm tra quá trình khai thác rong. Đâu phải người dân nào cũng có ý thức trong quá trình khai thác. Do vậy, huyện quyết định nghiêm cấm khai thác rong mơ là hoàn toàn đúng” – ông Nguyên nói.

Nghĩa là, gần 2 tỷ đồng người dân bỏ ra mua rong mơ coi như bị bỏ trôi ra biển. Mà như thế thì người dân không xót sao được!


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
 


.