Đảo khát

07:07, 17/07/2013
.

(QNg)- Đất đảo Lý Sơn mùa này như gần mặt trời hơn. Mới 5 giờ sáng, nóng đã bắt đầu hầm hập... Hoa màu, gia súc và cả con người như "chìm" trong cơn khát vì  nắng nóng cứ tăng dần trong ngày...

TIN LIÊN QUAN


Đầu tháng 7, đất đảo bước vào cao điểm của mùa khô. Trời chưa tảng sáng nhưng gió, hơi nóng cứ hắt vào người. Một cảm giác khô khốc nơi cổ họng, khi tôi cùng nông dân ra đồng. Cả cánh đồng thôn Đông, xã An Vĩnh, qua một đêm không có ánh nắng nhưng hoa màu vẫn xác xơ. Những thửa mè đã đến kỳ thu hoạch nhưng cũng mới lên khỏi gang tay, trơ ra những vạt đất cát trắng toát. Những thửa hành trồng vụ hai kế bên cũng cong queo đỏ lá. Bờ thửa, cỏ không mọc nổi. Bác nông dân Lê Vụ ôm một vác cây bắp khô vứt xuống bờ đất. Mồ hôi nhễ nhại, ông vuốt mặt, bảo: "Thường thì cây bắp khô này chỉ để làm thức ăn dự trữ cho bò trong mùa đông. Còn mùa này cắt cỏ ngoài đồng, cỏ trồng trong vườn nhà cho bò. Thế nhưng, năm nay, nắng nóng kéo dài gây khô hạn, các giếng nước đã nhiễm mặn, không có nước tưới nên cỏ không thể lên được, giờ đành phải tìm cây bắp khô làm thức ăn cho bò".

 

 Đồng khô cỏ cháy, nhiều nông dân đi tìm cây bắp khô làm thức ăn cho bò
Đồng khô cỏ cháy, nhiều nông dân đi tìm cây bắp khô làm thức ăn cho bò


Năm con bò của ông Vụ hiện trong thời điểm sinh con. Đồng khô, cỏ cháy, nguồn sữa nuôi con của bò cũng cạn khô như nguồn nước tưới. Ông Vụ muốn bán nhưng trong thời điểm này không có giá. Hai cha con ông ngày nào cũng "gồng mình" ra đồng tìm cây bắp khô cho bò.

Cách đó không xa, cũng có nhiều nông dân nhặt từng cây bắp, lá khô trên bờ, rơi vãi trên ruộng mè, ruộng hành. Nắng mỗi lúc một nóng rát da. Người gom, người cột bắp khô, vội vàng trở về nhà... Những hộ nông dân vác ống dây tìm nguồn nước không nhiễm mặn để tưới cho hành lấy giống trồng vụ chính sắp đến, cũng phải vác ống ra về. Vì giếng nào cũng nhiễm mặn, có giếng còn nước ngọt thì cách quá xa, chi phí cao, nông dân tính không có lãi đành bỏ trỗi.

Tình cảnh khô hạn này đã kéo dài ở Lý Sơn mấy tháng qua. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện Lý Sơn, vụ sản xuất xuân - hè năm nay, huyện gieo trồng 230 ha bắp, 83 ha đậu phụng, 122 ha hành, 55 ha dưa hấu và hàng chục ha mè, nhưng đa số thất thu vì nắng hạn. Đậu phụng thiếu nước nên hạt lép, bắp khô, hành héo lá, dưa hấu rớt giá... mè không phát triển khỏi mặt đất. Bà Dương Thị Bỉ ở thôn Tây xã An Hải, nhổ một nắm cây mè cao hơn gang tay, than vãn: "Mè chừng này mấy năm đã phủ kín đất, giờ là đợi ngày thu hoạch, còn năm nay thì chỉ chừng này. Đã không thu được trái mà cũng chẳng thu được cây".

Men theo con đường ôm lấy các cánh đồng từ xã An Vĩnh xuống xã An Hải trong cái nắng hầm hập, chúng tôi đều nhận thấy một "thảm cảnh": Ruộng mè xác xơ, cây không phủ nổi màu xanh trên cát trắng, đậu xanh trơ cùi, ruộng dưa héo lá, đồng hành cháy ngọn... Nhiều hộ nhận định chưa có năm nào nắng nóng khắc nghiệt như năm nay. Nông dân địa phương đã gồng mình đầu tư hàng chục triệu đồng nạo vét lại giếng cũ, lắp đặt hệ thống ống dẫn nước, để chuyển nước từ các giếng cách xa hàng trăm mét về phục vụ tưới tiêu cho các cánh đồng có trồng các loại hoa màu. Thế nhưng, nắng hạn kéo dài, bà con đành bỏ cuộc.

Không những thiếu nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp mà hiện tại người dân trên đảo lớn (chủ yếu là thôn Tây xã An Vĩnh) đã và đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Một số giếng đã bị nhiễm mặn, trong đó có vài giếng nước dùng trong sinh hoạt để ăn, uống đã bị khô kiệt. Người dân ở đây đi lấy nước về sinh hoạt cách xa nhà hàng cây số. Nhiều hộ phải tranh thủ đi lấy nước cả ban đêm. Bà Lê Thị Dây ở thôn Đông, xã An Vĩnh đang thồ nước về dùng, cho hay: Cả vùng thiếu nước nên từ sáng đến giờ canh mãi mới lấy được vài can nước về dùng. Hôm nào không lấy được phải mua nước với giá 6.000 đồng một can nhựa loại 30 lít.

Tình cảnh thiếu nước uống cũng diễn ra khắc nghiệt ở đảo Bé. Mặc dù, nơi đây Công ty DoosanVina đã đầu tư cả triệu đô để xây dựng nhà máy xử lý nước biển thành nước ngọt. Thế nhưng, sau 6 tháng hỗ trợ nhiên liệu chạy bảo hành của nhà tài trợ thì giờ đây bà con không đủ tiền để mua dầu cho máy chạy lấy nước, đành phải mua nước bên đảo lớn để uống, sinh hoạt.

Chúng tôi lên tàu rời đất đảo, nắng vẫn đổ xuống chói chang. Biển không gợn sóng, bầu trời trong vắt, như báo hiệu Lý Sơn đang đối diện với mùa khô hạn khốc liệt... Thế mới biết, biến đổi khí hậu không còn là một nguy cơ, nó đã trở thành hiểm họa đe dọa cuộc sống của con người, ít nhất là đối với hòn đảo xinh đẹp này.


                   Bài, ảnh: MAI HẠ

 


.