Chứng chỉ của rừng

07:07, 04/07/2013
.

(QNg)- Mục đích trồng rừng mà chủ yếu là cây keo lai của người dân nhằm để tăng thu nhập chứ chưa quan tâm đến vấn đề môi trường và hiệu ứng xã hội. Vì lẽ này mà lúc túng thiếu, giá keo tăng cao hay để tránh bão, người trồng không ngần ngại đốn hạ keo non khiến rừng cũng tan nát.
    

TIN LIÊN QUAN


Chậm mà chắc

Thoạt nhìn, những cánh rừng keo lai ở xã Đức Lân (Mộ Đức) sẽ chẳng có gì khác lạ. Cũng hàng keo thẳng tắp, xanh rì; còn thực bì thì nhẵn cỏ dại nên trông rừng không mang vẻ âm u vốn có. Tuy nhiên, nếu tinh ý sẽ phát hiện những cây keo lai nơi đây có vẻ… to bất thường. Rồi thì những đám tro đen do đốt thực bì lại chẳng thấy đâu. Thậm chí bao ni lông, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật, vỏ bao thuốc lá hay các loại rác thải sinh hoạt cũng vắng bóng. Càng nhìn, càng nhận thấy rừng ở Đức Lân sạch.

 

Các chuyên gia của Văn phòng GFA (Đức) kiểm tra rừng tại Đức Lân.
Các chuyên gia của Văn phòng GFA (Đức) kiểm tra rừng tại Đức Lân.


Sạch từ trong rừng ra tận ngoài đường. Điều này quả là lạ. Bởi lâu nay, rác thải hiện diện ở khắp mọi nơi, đến cả đường làng ngõ xóm hay quốc lộ cũng bị nó tấn công huống chi là nơi rừng sâu. Điều này được chủ rừng Nguyễn Văn Đình nói gọn: “Rừng FSC mà !". Ông Đình giải thích rằng, rừng FSC nghĩa là ngoài việc cho gỗ, nó phải xanh - sạch - đẹp. Mà “xanh” thì rừng có sẵn, còn “sạch - đẹp” phụ thuộc vào nhận thức và hành động của con người.  

Nói đoạn, ông Đình làm vệ sinh cho rừng một cách cẩn thận và tỉ mẩn. Thực bì được gom lại rồi băm nhỏ để trả mùn về cho đất chứ không đốt như trước kia. Điều lạ là dù cây keo trong rừng đã bước sang tuổi thứ 9, thứ 10 nhưng người dân không vội chặt bán. Lý giải điều này, ông Nguyễn Công Tráng cho biết: Khu rừng 315 ha này do Dự án phát triển ngành lâm nghiệp (WB3) hỗ trợ thực hiện vừa được Văn phòng GFA (Đức) tại Việt Nam trao chứng chỉ quản lý rừng bền vững vào tháng 11/2012.

Điều này đồng nghĩa với gỗ của nó được phép lưu hành đến bất kỳ nơi đâu, kéo theo giá trị kinh tế cao hơn rừng thông thường từ 20 - 40%. Đã thế, khi rừng đến tuổi khai thác (9 - 12 năm), nông dân còn được quyền lựa chọn doanh nghiệp (DN) để mặc cả giá bán. Bởi, rừng đạt chuẩn FSC thì việc khai thác cũng phải tuân thủ theo nguyên tắc của FSC - nghĩa là không đốn chặt bừa bãi, ồ ạt theo kiểu tận thu mà phải có kế hoạch cụ thể, rõ ràng; đảm bảo an toàn lao động và tuyệt đối không để rừng “trọc” sau khai thác.  

Việc không của riêng ai

Trong số gần 262 ngàn ha rừng thì đến thời điểm này, toàn tỉnh chỉ có 315 ha ở Đức Lân được cấp chứng chỉ FSC. Con số này cho thấy, để có "tấm thẻ" FSC là chuyện không phải dễ dàng. Đặc biệt là tiêu chí đánh giá của các tổ chức nước ngoài chú trọng vấn đề môi trường xã hội - những điểm yếu của rừng Quảng Ngãi. Đơn cử như chuyện con đường dẫn vào rừng mà “nắng bụi mưa bùn” hay lảng vảng rác thải là... rớt. Hay như việc một số chủ rừng có thói quen đốt thực bì, dù đã dọn dẹp sạch sẽ nhưng đến kỳ kiểm tra vẫn bị các chuyên gia phát hiện vì vết tích… chết của thảm thực vật tại điểm cháy. “Những lỗi rất nhỏ, tưởng chừng chẳng có gì ấy lại là lý do cản trở rừng tiếp cận với FSC.

 

Bởi theo các chuyên gia nước ngoài, chúng là nguyên nhân khiến môi trường sống bị đầu độc, hủy hoại”, ông Lê Văn Ninh - Phó ban FSC Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Tơ (VinaFor Ba Tơ)- một trong bốn đơn vị của Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam (VinaFor) thực hiện việc quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC bộc bạch. Điều này đã giải thích vì sao sau nhiều năm triển khai và qua hai lần “sát hạch” nhưng đến giờ, 5.875 ha rừng của VinaFor Ba Tơ vẫn chưa chạm thẻ FSC.  

Tuy nhiên theo ông Lê Văn Ninh, dù khó nhưng không phải những cánh rừng ở Quảng Ngãi không đạt chuẩn FSC nếu như nhận được sự đồng thuận của cả cộng đồng và hệ thống chính trị. Bởi hiện nay, WB3 và VinaFor Ba Tơ triển khai thực hiện mô hình này trên tinh thần tự nguyện, nghĩa là phải “tự thân vận động” từ cách thức tổ chức đến kinh phí. Trong khi đó, vì sợ lỗ nên rất ít người dân tham gia trồng và quản lý rừng theo chuẩn FSC.

Cụ thể, thay vì bước vào tuổi thứ 4 - 5 là keo được khai thác thì FSC quy định phải 9 - 12 năm; rồi thì chi phí, công chăm sóc và vệ sinh rừng thì vô kể. Mặt khác, nếu trong thời gian rừng FSC phát triển mà bị thiệt hại do thiên tai, bão lũ thì ai sẽ chịu trách nhiệm?... Vì chưa trả lời được câu hỏi này nên dù giá trị môi trường - xã hội là vô giá, còn kinh tế thì cao hơn rừng trồng thông thường từ 20 - 40% nhưng hiện giờ, FSC vẫn còn xa lạ với các đơn vị, tổ chức cũng như chủ rừng trong tỉnh.

Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.