10 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 5 (khóa IX) về kinh tế tập thể: Rộng nhưng chưa sâu

08:07, 20/07/2013
.

(QNg)- Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 5 (khóa IX) về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao kinh tế tập thể”, Quảng Ngãi đã có những tín hiệu đáng mừng khi một số hợp tác xã đang trên đà ăn nên làm ra. Nhưng thực tế, số này “hiếm”…  

TIN LIÊN QUAN


Toàn tỉnh hiện có 272 hợp tác xã (HTX) và quỹ tín dụng nhân dân (TDND) chuyên cung ứng các dịch vụ phục vụ lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, giao thông vận tải, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại và môi trường, điện, đánh bắt hải sản xa bờ… với bình quân vốn quỹ đạt 700 - 800 triệu đồng/HTX. Riêng 13 Quỹ TDND có tổng vốn hoạt động 120 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 18%/năm và đáp ứng nhu cầu vay vốn cho hơn 8.000 lượt người/năm. Tuy nhiên, dù có mặt trên hầu hết các xã, phường, thị trấn (hoặc các thôn) trong tỉnh, nhưng hiện nay, hoạt động của phần lớn HTX vẫn thụ động, thiếu chiều sâu. Đã thế, tổng số tiền xã viên nợ HTX lên đến 72,58 tỷ đồng càng khiến HTX rơi vào khó khăn, trong đó một số HTX đang gặp rất nhiều khó khăn!.

Muốn tồn tại, phải mạnh dạn… xin việc

Đang nằm ở diện yếu kém, cứ ngỡ HTX Nông nghiệp Bình Thanh Đông sẽ chấp nhận kết cục: Hoặc ngưng hoạt động, hoặc sống thoi thóp. Nhưng trái với dự đoán của nhiều người, HTX này không những không… chết yểu, mà còn sống rất khỏe, bởi trong vòng 3 năm (2010 - 2012), sản lượng lương thực bình quân của xã viên đạt 980 kg/người/năm (cao gấp 2,6 lần bình quân của tỉnh); vốn hoạt động từ 0 “nhảy” lên 370 triệu đồng, doanh thu ban đầu lèo tèo vài ba triệu đồng giờ đã vượt ngưỡng 2 tỷ đồng.     

 

 Khai thác dịch vụ hậu cần biển được nhiều HTX huyện Bình Sơn chú trọng.
Khai thác dịch vụ hậu cần biển được nhiều HTX huyện Bình Sơn chú trọng.


Những con số trên đã phần nào khẳng định hướng đi mới của HTX NN Bình Thanh Đông là hoàn toàn đúng. Đó là “phải chủ động đề xuất với chính quyền địa phương những công việc HTX có thể đảm nhận”, Chủ nhiệm HTX Bình Thanh Đông Nguyễn Tấn Sơn chia sẻ. Bằng cách này, HTX NN Bình Thanh Đông không chỉ đứng ra huy động vốn của xã viên để mở dịch vụ cung ứng phân bón, vật tư nông nghiệp mà còn “biến” những kế hoạch thành tiền bằng cách mạnh dạn thực hiện các công trình xây dựng cơ bản tại địa phương như: Bê tông hóa giao thông nông thôn, nạo vét và kiên cố hóa kênh mương nội đồng, sửa chữa tràn xả lũ hay tu sửa, xây mới các đập bổi…với tổng kinh phí hơn 834 triệu đồng. Trong đó, HTX hỗ trợ hơn 128,4 triệu đồng. Thừa thắng xông lên, HTX NN Bình Thanh Đông còn bỏ ra 265 triệu đồng để “tậu” máy gặt đập liên hợp nhằm phục vụ nhu cầu thu hoạch lúa của nông dân trong và ngoài xã.

Không riêng gì HTX NN Bình Thanh Đông, nhiều HTX cũng đã vượt “vũ môn” thành công nhờ sự nhạy bén, nắm bắt nhanh nhu cầu thị trường. Đặc biệt, các HTX Vĩnh Trường (thị trấn Mộ Đức - Mộ Đức), Thọ Trung (Tịnh Thọ - Sơn Tịnh), Hành Dũng (Nghĩa Hành), Minh Phương (Tư Nghĩa)... Các HTX này không chỉ mở rộng, đổi mới và nâng cấp chất lượng các dịch vụ mà còn mạnh dạn “bắt tay” với các doanh nghiệp để sản xuất lúa giống hay nhận vệ sinh tàu biển, vận tải biển... tạo nguồn thu ổn định cho đơn vị.

Đã đến lúc “thu về một mối”

Tuy tỷ lệ HTX đạt chất lượng khá, giỏi tăng gần 41% nhưng trong số 272 HTX và quỹ TDND thì có đến 110 HTX có quy mô thôn hoặc liên thôn rơi vào diện trung bình và yếu. Vì yếu nên các HTX thôn hoặc liên thôn không đủ sức đảm nhận các dịch vụ dễ tạo nguồn thu như làm đất, thu hoạch, cung ứng vật tư nông nghiệp hay tín dụng nội bộ… mà chỉ trông chờ vào thủy lợi phí, thú y hay khuyến nông.

Đơn cử như Đức Phú (Mộ Đức). Là xã miền núi nhưng địa phương này hiện có đến 4 HTX đứng chân với những hoạt động rời rạc và nhỏ lẻ. Thế nên tuy khá nhất trong 4 HTX nhưng hiện HTX Đức Vĩnh cũng chỉ thực hiện được những dịch vụ như: Làm đất, khuyến nông, sản xuất và cung ứng giống, thủy lợi… trên diện tích 256 ha đất sản xuất nông nghiệp. Tổng vốn lưu động đạt 972 triệu đồng nhưng số tiền xã viên nợ HTX quá lớn. Thế nên dù lãi năm 2012 đạt 77 triệu đồng nhưng cuộc sống của xã viên… vẫn như trước, còn thu nhập bình quân của cán bộ HTX chỉ dừng lại ở mức 1,4 triệu đồng/tháng. Lý giải sự chậm tiến này, Chủ nhiệm HTX Đức Vĩnh Đoàn Thanh Minh bảo rằng, đó là do đội ngũ Ban chủ nhiệm và Ban kiểm soát HTX đều đã…quá tuổi, trình độ và năng lực chuyên môn hạn chế. Đây được cho là nguyên nhân chính khiến HTX Đức Vĩnh nói riêng, 68 HTX diện yếu kém của tỉnh nói chung đang thoi thóp vì chỉ trông chờ vào kinh phí cấp bù thủy lợi phí!   

Như vậy là sau 10 năm đổi mới, kinh tế tập thể mà đi đầu là các HTX, quỹ TDND đã phát huy được vai trò là chỗ dựa kinh tế của người dân. Tuy nhiên, với nguồn tài chính eo hẹp, phạm vi và quy mô hoạt động nhỏ lẻ, cộng với tư duy quản lý của đội ngũ cán bộ HTX chưa bắt kịp cơ chế thị trường nên hiện giờ, nhiều HTX tồn tại theo kiểu vừa làm vừa đợi…hỗ trợ!

Để khắc phục tình trạng này, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Phạm Hoài Nam cho rằng, yêu cầu tiên quyết là phải sáp nhập các HTX thôn, liên thôn để tập trung và tận dụng được nguồn lực. Nghe thì dễ nhưng chuyện “thu về một mối” không hề đơn giản vì nó “đụng” đến quyền lợi chung lẫn riêng. Do đó, để các HTX này được tề tựu một nhà, cần sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền, đặc biệt là tuyến cơ sở. Bởi xét cho cùng, “HTX nào được lãnh đạo địa phương thương thì… sống, không thì… chết yểu”, ông Phạm Hoài Nam nói.


Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.