Xây dựng NTM ở xã miền núi: Càng xây càng thấy khó

07:06, 20/06/2013
.

(QNĐT)- Dù được chọn làm xã điểm của tỉnh, được tập trung nhiều nguồn lực, nhưng thực tiễn cho thấy, xây dựng nông thôn mới (NTM) ở đồng bằng đã khó, ở các xã miền núi càng khó gấp trăm lần.

TIN LIÊN QUAN


*Gian nan tiêu chí giao thông

Từ khi được chọn làm xã điểm thực hiện xây dựng NTM của tỉnh, chính quyền và đồng bào các dân tộc ở xã điểm miền núi Ba Chùa (Ba Tơ) rất phấn khởi và đồng tình hưởng ứng.

Trong 19 tiêu chí xây dựng NTM, với các địa phương miền núi nói chung và Ba Điền nói riêng thì tiêu chí giao thông được xác định là tiền đề đầu tiên để thực hiện các tiêu chí khác. Bởi ở miền núi, địa hình phức tạp, giao thông lại toàn đường đất, đá sỏi ghập ghềnh nên việc đi lại, giao thương rất khó khăn.

Nhận thức được điều này, không những nhiệt tình góp công sức mà đồng bào các dân tộc còn thể hiện tấm lòng của mình trước chủ trương lớn của Nhà nước bằng việc sẵn sàng hiến đất để xây dựng đường giao thông, góp phần vào sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương với hy vọng sẽ về đích trong năm 2015.

 

Tiêu chí giao thông
Tiêu chí giao thông là một trong những tiêu chí khó đạt nhất ở các địa phương miền núi.



Tuy nhiên hiện xã rất khó khăn trong việc thực hiện tiêu chí giao thông, nhất là nguồn vốn xây dựng phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách Nhà nước kết hợp với nguồn vốn từ các chương trình, dự án. Tiền hỗ trợ từ nhân dân không vận động được do tỷ lệ hộ nghèo và hộ thuộc diện chính sách chiếm tỷ lệ khá cao.

“Dân lo miếng ăn đã chật vật, Nhà nước phải cứu đói huống chi là góp tiền, trong khi tiêu chí nào cũng cần tiền nên mọi thứ đều trông chờ vào nguồn vốn của nhà nước”- ông Phạm Văn Kani, Chủ tịch UBND xã Ba Chùa chia sẻ.

Sau hai năm rưỡi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, chính quyền xã đã nỗ lực huy động sức dân, mọi nguồn lực, kinh phí hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ nhưng xem ra vẫn quá khiêm tốn. Ba Chùa chỉ mới bê tông, cứng hóa được 1,95km đường trục xã, thôn xóm, còn tới 11,25 km đường nữa phải xây dựng để đạt được tiêu chí này.

Xã điểm miền núi Sơn Thành (Sơn Hà) cũng đang gặp khó khăn với tiêu chí này. Toàn xã mới chỉ có 3km đường giao thông nông thôn được cứng hóa. Ông Đinh Văn Tiêm- Chủ tịch UBND xã Sơn Thành tâm sự: “Thu nhập bình quân của bà con chỉ đạt 7,5 triệu đồng/năm, dù nhiệt tình đến mấy bà con cũng chỉ ủng hộ về tinh thần và đất đai mà thôi. Nếu không có sự hỗ trợ đắc lực từ Nhà nước thì đến năm 2015 không thể nào về đích được”.

*Quy hoạch vùng sản xuất, nâng cao thu nhập: Lúng túng

Cùng với tiêu chí giao thông, tiêu chí nâng cao thu nhập cho nhân dân là tiêu chí phản ánh mức độ thành công của chương trình.

Cơ sở vật chất ở các địa phương còn yếu và thiếu; sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún, tự cung, tự cấp, 80-100% người dân lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và phần đông là hộ nghèo, hộ chính sách. Vì vậy, các địa phương đang rất lúng túng tìm hướng phát triển sản xuất phù hợp để nâng cao thu nhập cho người dân.

Cùng với đó, trình độ dân trí của người dân còn thấp, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, luôn trông chờ ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước. Bởi thế, để nâng thu nhập cho người dân từ vài triệu đồng/người/năm lên 24 triệu đồng/người/năm quả là chuyện chẳng dễ dàng.

 

Hiện các địa phương miền núi đang rất lúng túng trong việc quy hoạch vùng sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
Hầu hết người dân lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và phần đông là hộ nghèo, hộ chính sách. Vì vậy, các địa phương đang rất lúng túng tìm hướng phát triển sản xuất phù hợp để nâng cao thu nhập cho người dân.



Ông Đinh Văn Tiêm bộc bạch: “Đa số lao động của xã đi làm thuê, làm mướn, giờ tạo việc làm ở địa phương cũng khó, mà tạo làng nghề càng khó hơn, không thể một sớm một chiều mà thực hiện được”.

Đẩy mạnh thực hiện tiêu chí này, các địa phương miền núi rất lúng túng, ngoại trừ xây dựng mô hình sản xuất lúa chất lượng cao.
 
Vụ đông xuân vừa qua, xã Sơn Thành xây dựng mô hình sản xuất lúa chất lượng cao tại thôn Gò Gạo với diện tích 4,5 ha. Vụ hè thu này xã cấp 5,5 tấn giống để nhân rộng mô hình với diện tích 55 ha, nhưng hiện diện tích này đang đối mặt với khô hạn do hồ chứa nước Di Lăng bị cạn kiệt.

Diện tích còn lại 315 ha, phần lớn đất đai khô cằn nên năng suất và sản lượng vẫn còn thấp. Nâng cao năng suất cây trồng, đảm bảo an ninh lương thực với địa phương còn khó huống chi đến việc đưa thu nhập đạt mức chuẩn yêu cầu.

* Càng xây càng thấy khó

Dù đã qua nửa chặng đường xây dựng NTM, hiện xã Sơn Thành mới chỉ đạt 2 tiêu chí cơ bản là an ninh trật tự và tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên. Xã Ba Chùa có khá hơn, nhưng cũng chỉ ở mức độ khiêm tốn là 3. Đó là tiêu chí y tế, bưu điện và giáo dục.

Ngoài ra, hàng loạt các tiêu chí khác như giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, bưu điện, nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, hình thức tổ chức sản xuất, văn hóa… đang cần nguồn vốn đầu tư khá lớn trong khi nguồn vốn của Nhà nước hiện khá chậm và thiếu.



Đặc biệt với tiêu chí chợ nông thôn, ông Phạm Văn Kani cho rằng, đối với xã Ba Chùa cần thiết phải điều chỉnh tiêu chí này cho phù hợp vì xã gần trung tâm huyện, e rằng nếu xây dựng chợ sẽ không phát huy được hiệu quả như mong đợi, gây lãng phí.  

Với quá nhiều chông gai, việc bảo đảm lộ trình đến năm 2015 về đích với các xã miền núi là điều không thể. Song với sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân, rất cần sự quan tâm đầu tư kịp thời của Nhà nước, đồng thời có những điều chỉnh phù hợp với vùng miền để tránh gây lãng phí, thất thoát công sức, tiền bạc của Nhà nước và nhân dân.


 

Bài, ảnh: Ái Kiều
 


.