Tiếp tục đổi mới để hội nhập hiệu quả

10:06, 22/06/2013
.

(QNg)- Phát biểu tại hội nghị tổng kết 6 năm hội nhập kinh tế quốc tế (KTQT) vào sáng 18/6, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Khoa, chủ trì hội nghị, nhấn mạnh: Quảng Ngãi đã đạt nhiều kết quả tích cực qua 6 năm nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), góp phần quan trọng vào thành quả phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, trước những thách thức trong thời gian qua và hiện tại chúng ta phải đề ra những giải pháp điều hành kinh tế tỉnh nhà một cách linh hoạt, phù hợp, đảm bảo ổn định và phát triển kinh tế-xã hội bền vững trong điều kiện hội nhập quốc tế.

TIN LIÊN QUAN


Dự hội nghị có đồng chí Võ Văn Thưởng-Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; cùng hàng trăm đại biểu là lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tăng trưởng 15%/năm

Báo cáo tổng kết 6 năm hội nhập KTQT giai đoạn 2007-2012, ông Nguyễn Xuân Thủy - Giám đốc Sở Công thương tỉnh nêu rõ: Trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, uy tín và vị thế của Việt Nam ngày càng tăng trên trường quốc tế, tỉnh Quảng Ngãi đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên nhiều mặt kinh tế-xã hội. Nền kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định theo hướng bền vững. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng từ 4.765 tỷ đồng năm 2007 (năm đầu tiên hội nhập KTQT), đến năm 2012 đạt 9.961 tỷ đồng. Tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2007-2012 là 15%/năm (cao hơn mức tăng của giai đoạn 2001-2005 là 9,86%/năm). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp- xây dựng (năm 2007) chiếm 36%, đến năm 2012 chiếm 60,9%. Kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh từ 58 triệu USD (năm 2007) lên gần 430 triệu USD (năm 2012).

 

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Khoa (ngồi giữa) chủ trì Hội nghị tổng kết 6 năm hội nhập kinh tế quốc tế.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Khoa (ngồi giữa) chủ trì Hội nghị tổng kết 6 năm hội nhập kinh tế quốc tế.


6 năm qua, tỉnh ta đã tập trung cấu trúc nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lấy công nghiệp làm nhiệm vụ hàng đầu và then chốt để phát triển kinh tế. Môi trường đầu tư được cải thiện, thủ tục hành chính được cải cách theo hướng minh bạch, thông thoáng... Hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế được duy trì, mở rộng. Công tác xúc tiến đầu tư, hợp tác đầu tư đạt nhiều kết quả. Tỉnh đã có nhiều chính sách, giải pháp khơi dậy nguồn nội lực, tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài để huy động vốn cho đầu tư phát triển. Đến nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 262 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 190 nghìn tỷ đồng. Trong đó có 24 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 3,9 tỷ USD (tương đương 78 nghìn tỷ đồng).

Trong môi trường hội nhập sâu rộng, nhiều doanh nghiệp (DN) đã hội nhập hiệu quả. Ông Nguyễn Hữu Tiến-Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đường Quảng Ngãi cho hay, ngành mía đường Việt Nam chịu tác động lớn bởi quan hệ cung cầu và giá đường của thị trường thế giới. Phần lớn trong số 60 quốc gia sản xuất đường lớn trên thế giới đều có chính sách trợ giá đường nội địa, thông qua chính sách hạn ngạch thuế quan. Với các doanh nghiệp Việt Nam, những bảo hộ này không nhiều. Chính vì thế, để đứng vững và phát triển trong xu thế hội nhập, Công ty CP Đường đã nhận thức đầy đủ, chính xác về chiến lược kinh doanh, hoạch định phát triển dài hạn theo hướng đầu tư có lộ trình. Cụ thể là, thực hiện đổi mới công nghệ và nâng cao hiệu quả đầu tư, quy hoạch sản xuất kinh doanh đường mía gắn liền với phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng thương hiệu công ty, đồng thời với thương hiệu của từng sản phẩm. Cùng với đó là nâng cao trình độ quản lý và thực hiện tốt chính sách đối với người lao động. Điều này giúp cho doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách của công ty luôn tăng cao qua các năm.

Còn đó những hạn chế

Nhận diện thẳng những hạn chế, ông Nguyễn Xuân Thủy-Giám đốc Sở Công thương cho rằng, môi trường kinh doanh của tỉnh vẫn còn nhiều bất cập, cần được tiếp tục sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp với luật pháp quốc tế và các cam kết WTO, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh phát triển. Công nghiệp dù có tốc độ tăng khá cao nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa xuất khẩu được nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng (chủ yếu xuất khẩu sản phẩm cơ khí, công nghiệp nặng của Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Vina).  

DN hầu hết có quy mô sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ, nguồn lực tài chính của các DN yếu, nên hầu hết các DN đều chưa chú trọng đầu tư nâng cấp công nghệ - thiết bị, chưa sản xuất chế biến sâu để tạo thành sản phẩm tinh xuất khẩu nên giá trị xuất khẩu không cao. Theo ông Trần Chấn Diệp-Giám đốc Sở KH&CN, từ năm 2006, UBND tỉnh đã có Chương trình KHCN hỗ trợ DN, nay đang triển khai giai đoạn 2, nhưng đến nay mới có 90 DN đăng ký áp dụng các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế, trong đó chủ yếu áp dụng tiêu chuẩn quản lý (ISO 9000) chứ ít quan tâm áp dụng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm. Tỉnh cũng đã có chính sách đổi mới công nghệ đến 30% giá trị (không quá 500 triệu đồng) nhưng rất ít DN tham gia.

 

Để nâng cao sức cạnh tranh trong hội nhập, các doanh nghiệp cần mạnh dạn và chủ động đổi mới công nghệ.
Để nâng cao sức cạnh tranh trong hội nhập, các doanh nghiệp cần mạnh dạn và chủ động đổi mới công nghệ.


Một hạn chế nữa là, nguồn nhân lực Quảng Ngãi chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập. Ông Trần Văn Thanh-Giám đốc Sở Nội vụ thừa nhận, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề còn thấp hơn mức bình quân chung của cả nước (năm 2012 mới đạt 34%). “Nhìn chung chất lượng, cơ cấu nguồn nhân lực của tỉnh còn phải mất nhiều năm, cần định hướng đúng trong đào tạo và sử dụng thì mới đáp ứng được yêu cầu CNH, HĐH và hội nhập quốc tế”- ông Thanh cho biết.

Ngoài ra, công tác cải cách hành chính có cải thiện nhưng vẫn chưa thật sự tốt; việc triển khai áp dụng cơ chế một cửa tại một số cơ quan chưa đồng bộ,  còn nhũng nhiễu, gây phiền hà cho tổ chức và công dân. Một số dự án được cấp đất, giao đất nhưng chưa triển khai đầu tư và xây dựng song chưa có biện pháp xử lý, giải quyết hữu hiệu; một số dự án để lãng phí đất đai. Chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, chuyển đổi ngành nghề, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động vẫn còn hạn chế...

Chủ động, đổi mới để hội nhập

Công tác đối ngoại và hội nhập của Việt Nam trong giai đoạn tới sẽ chuyển từ “Hội nhập kinh tế quốc tế” sang “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”; với quy mô, phạm vi rộng hơn cả về kinh tế và xã hội; tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít những thách thức. Do đó, tỉnh cần tiếp tục đổi mới nhiều mặt để hội nhập thành công.

Để chủ động, triển khai có hiệu quả chương trình hội nhập quốc tế, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Khoa yêu cầu các cấp, các ngành, các DN và nhân dân trong tỉnh phải tiếp tục nâng cao nhận thức về hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 01 ngày 9/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ, tranh thủ các nguồn lực để đầu tư phát triển toàn diện để Quảng Ngãi thật sự là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước, tạo sức hút và sự lan tỏa tại Khu Kinh tế Dung Quất; nhất quán trong việc tập trung mọi nguồn lực triển khai thực hiện thắng lợi 3 nhiệm vụ đột phá của tỉnh là phát triển công nghiệp, phát triển nguồn nhân lực và phát triển đô thị.

Cùng với đó là, thực hiện tốt công tác dự báo, lập quy hoạch, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Quảng Ngãi, các chủ trương, chính sách của trung ương và của tỉnh kịp thời và hiệu quả. Chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường đối thoại DN; minh bạch hoá, công khai quy trình, thủ tục đầu tư; chủ động xúc tiến thu hút vốn đầu tư  trong nước và nước ngoài để đầu tư vào các lĩnh vực, ngành nghề tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư...

Song song với phát triển, “cần tiếp tục triển khai và thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là công tác giảm nghèo, tạo việc làm”, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Khoa nhấn mạnh.


Bài, ảnh: Hoàng Triều  
 


.