Nhiều dự án đầu tư ở miền núi, thấy mà xót lòng (Kỳ cuối)

08:06, 24/06/2013
.

(QNĐT)- Những năm qua, nhiều chương trình, dự án đã tập trung đầu tư cho các huyện miền núi trong tỉnh, với số tiền lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Thực tế cho thấy, nhiều công trình, dự án đã phát huy hiệu quả, góp phần “thay da, đổi thịt” cho vùng cao. Tuy nhiên bên đó, cũng có rất nhiều công trình không phát huy hiệu quả, gây lãng phí lớn… Loạt bài phản ánh của nhóm phóng viên Báo Quảng Ngãi điện tử phần nào cho thấy những bất cập trong việc đầu tư tại các huyện miền núi.

TIN LIÊN QUAN

 

Kỳ cuối: Những khu tái định cư không người ở

Hàng loạt khu tái định cư được triển khai xây dựng với nhiều tỷ đồng để chuyển các hộ dân nằm trong diện có nguy cơ bị sạt lở núi, ven sông… đến nơi ở mới ổn định cuộc sống. Thế nhưng cuộc sống ở nơi tái định cư thiếu thốn trăm bề, đất sản xuất không có nên nhiều hộ dân đành liều về nơi ở cũ bất chấp rủi ro núi lở, sông sạt…

 

Dân chê khu tái định cư

Năm 2007, Chi cục HTX và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi làm chủ đầu tư triển khai dự án Điểm tái định cư đồi 3 cụm, thuộc xã Long Hiệp, huyện Minh Long. Dự án nhằm tái định cư cho 50 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ nứt núi đến nơi ở mới, ổn định cuộc sống, sản xuất.

Dự án Tái định cư được triển khai trên diện tích 2,5 ha với đầy đủ các hạng mục như điện, giếng nước… Tưởng rằng, dự án hoàn thành người dân sẽ an tâm về nơi ở mới ổn định cuộc sống. Thế nhưng, sau gần 5 năm, Khu tái định cư này chỉ có vỏn vẹn vài ba hộ dân.

 

Người dân bỏ nhà ở Khu tái định cư để quay về nơi ở cũ.
Mặc dù đã làm nhà nhưng người dân ở Khu tái định cư đồi 3 cụm, xã Long Hiệp vẫn bỏ nhà để quay về nơi ở cũ.

Đưa tay chỉ những cái giếng bỏ hoang và ngôi nhà không có người ở, chị Đinh Thị Bảy-thôn Hiệp Xuyên, xã Long Hiệp, một trong những hộ tái định cư đầu tiên ở đây cho biết: Năm 2008, sau khi được vận động đến nơi tái định cư, nhiều người dân trong xã đã chấp nhận đến nơi ở mới này. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn nhiều người đã bỏ về, vì nơi đây không bằng nơi ở cũ.

Theo chị Bảy, đồng bào dân tộc ở đây bao đời nay sống nhờ vào nương rẫy, khi đưa người dân đến nơi ở mới ít gì cũng phải bằng nơi ở cũ, chứ đến khu tái định cư mới mà thiếu thốn đủ thứ, nhất là đất sản xuất không có thì làm sao người dân đến ở được.

Cũng giống như Điểm tái định cư đồi 3 cụm, Khu tái định cư Nước Cây Trường ở xã Trà Sơn (Trà Bồng) được Chi cục HTX và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi triển khai từ năm 2010, trên tổng diện tích hơn 5.000 m 2. Mặc dù mặt bằng, bờ kè và hệ thống nước sinh hoạt… đầy đủ, thế nhưng đã 3 năm trôi qua khu tái định cư này vẫn trong tình trạng bỏ hoang, gây lãng phí rất lớn.

 

Do không có người ở nên bờ kè của Khu tái đjnh cư
Do không có người ở nên bờ kè của Khu tái định cư Nước Cây Trường bị bỏ hoang, xuống cấp.


Do bỏ hoang lâu ngày nên nhiều hạng mục công trình đã hư hỏng. Qua quan sát của chúng tôi, hệ thống bờ kè đã xuống cấp, những đoạn bờ kè bị lở, bong tróc từng mảng, công trình chứa nước, bể chứa nước toàn bộ đã hư hỏng. 20 hộ dân nghèo ở xã Trà Sơn thuộc diện bố trí vào ở trong khu tái định cư này cũng chỉ có 1 hộ đến làm nhà ở.

Lý giải về việc không đến làm nhà ở khu tái định cư, bà Lê Thị Yến ở thôn Trung, xã Trà Sơn- một trong 20 hộ dân được xét duyệt xây nhà ở khu tái định cư cho biết: Mỗi hộ vào khu tái định cư được cấp 300m2 đất ở và 10 triệu đồng để làm nhà. Với số tiền này, chỉ cần làm cái móng nhà thôi cũng đã gần hết, nên bà đành phải chấp nhận ở căn nhà cũ, mặc dù nhà cũ đã xuống cấp.

Không riêng gì bà Yến mà những hộ dân nghèo không có chỗ ở được chính quyền địa phương xét cấp đất tại khu tái định cư đều chung hoàn cảnh tương tự. Đất thì đã cấp nhưng người dân không đủ tiền để làm nhà.

Ông Đinh Văn Phú- Chủ tịch UBND xã Trà Sơn cho biết: Phần lớn người dân đều nghèo khó, tiền hỗ trợ thì quá ít, nơi ở mới cũng thiếu thốn (hiện vẫn chưa có điện) nên người dân “chê”. “Hiện xã đang tiếp tục vận động người dân, nhưng hơi khó…”- Ông Phú nói.

Khu tái định cư tiền tỷ vẫn bỏ hoang


Năm 2010, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh đầu tư số tiền 4,1 tỷ đồng để xây dựng Khu tái định cư (TĐC) Gò Tranh có diện tích 26.000 m2, nhằm đưa 73 hộ nghèo ở xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) nằm trong vùng sạt lở núi, bờ sông đến nơi ở mới, ổn định cuộc sống lâu dài.

Ngay khi đến chỗ ở mới, người dân hết sức vui mừng, vì khu TĐC rất được xây dựng bề thế với nhà ở, trường học; đường đi được bê tông hóa, hệ thống điện cũng đã hoàn chỉnh. Tuy nhiên, niềm vui chưa trọn thì họ đành dọn về chỗ cũ hoặc tha phương đi làm ăn, vì không có đất sản xuất.

Hiện tại, đến khu TĐC Gò Tranh, ai cũng nhìn thấy một nghịch cảnh: Khu nhà khang trang, điện nước đầy đủ nhưng không có người ở. Ông Huỳnh Văn Tạo- Chủ tịch UBND xã Hành Thịnh cho hay: Cơ sở hạ tầng ở đây đều rất đảm bảo. Nhưng với người dân, như vậy vẫn chưa thể đảm bảo cuộc sống của họ tại nơi ở mới. Sau hơn 3 năm xây dựng, khu TĐC chỉ mới có gần 20 hộ đăng ký ở, thế nhưng thực tế thì không có mấy ai đến ở.

 

Khu tái định cư Diên Trường đươc đầu tư 4.1 tỷ đồng nhưng bị bỏ hoang như nhà ma
Khu tái định cư Gò Tranh được đầu tư 4,1 tỷ đồng nhưng bị bỏ hoang như những ngôi "nhà ma"


Anh Trần Văn Thái- ngụ xã Hành Thịnh cho hay: Đó là đăng ký ở, chứ thực ra có ai ở mấy đâu. Dân chúng tôi đến nơi ở mới đã lâu nhưng chẳng được cấp đất sản xuất mới. Đất sản xuất ở nơi cũ thì vẫn còn. Ở một nơi mà lại làm một nơi, đi lại xa xôi, vất vả. Nghĩ vậy nên chúng tôi đành quay lại chốn cũ. Chỉ khi mùa lũ dâng cao, dân mới dọn đến khu tái định cư để tránh lũ.

Đó là lý do khu tái định cư được xây dựng tổn hao hàng tỷ đồng nhưng vẫn đìu hiu đến đáng sợ. “Những hộ ở khu tái định cư đều thuộc hộ nghèo nên phải bươn chải, kiếm sống. Dọn về nơi ở mới, nhà cửa bề thế nhưng không có đất để sản xuất không lẻ “uống nước mà sống”- anh Thái phân trần.

Mảnh đất rộng, bằng phẳng là nơi ở của 73 hộ đến nay vẫn hoang vắng. Nhiều ngôi nhà vì không có người ở lâu ngày nay lớp sơn đã hoen ố loang lổ. Lão nông Nguyễn Đắc lắc đầu nói: Mang tiếng là khu TĐC, nhưng khu này nên được gọi là khu… nhà hoang thì đúng hơn. Nhà ở chi cho to mà không có đất sản xuất, lấy gì mà sống…

Chính vì vậy, sau một thời gian dài đầu tư xây dựng với chi phí tốn hàng tỷ đồng, các hạng mục cơ sở hạ tầng ở khu tái định cư Gò Tranh vẫn không thể phát huy hiệu quả, gây lãng phí một số tiền lớn. Trong khi đó, cuộc sống của người dân nơi đây vẫn còn trăm ngàn gian khó.
 

Nhóm Phóng viên QNĐT

 


.