Nhiều dự án đầu tư ở miền núi, thấy mà xót lòng (Kỳ 3)

01:06, 23/06/2013
.

(QNĐT)- Những năm qua, nhiều chương trình, dự án đã tập trung đầu tư cho các huyện miền núi trong tỉnh, với số tiền lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Thực tế cho thấy, nhiều công trình, dự án đã phát huy hiệu quả, góp phần “thay da, đổi thịt” cho vùng cao. Tuy nhiên bên đó, cũng có rất nhiều công trình không phát huy hiệu quả, gây lãng phí lớn… Loạt bài phản ánh của nhóm phóng viên Báo Quảng Ngãi điện tử phần nào cho thấy những bất cập trong việc đầu tư tại các huyện miền núi.

TIN LIÊN QUAN

 

Kỳ 3: Những dự án… làm cảnh

Những năm qua, đã có hàng loạt dự án được đầu tư vào 2 huyện miền núi Trà Bồng, Tây Trà. Bên cạnh những dự án góp phần làm thay đổi diện mạo, cải thiện đời sống của người dân ở 2 huyện  nghèo, thì cũng có những dự án tiền tỷ không phát huy hiệu quả, gây lãng phí lớn về tiền của. 



Lắp điện mặt trời không biết để làm gì

Cách đây 2 năm, các thôn xóm heo hút, hẻo lánh ở những xã của huyện miền núi Trà Bồng được Ủy ban Dân tộc chọn đầu tư triển khai Dự án đầu tư Trạm ứng dụng điện mặt trời. Vậy nhưng, những bất cập về địa điểm lắp đặt, công tác vận hành, bảo dưỡng… khiến dự án triển khai ở các địa phương này không phát huy hiệu quả. Có nơi làm xong rồi bỏ hoang, không giúp ích cho người dân vùng khó khăn.

Xã Trà Thủy có 6 điểm đặt các thiết bị của dự án. Ngay trong khuôn viên trụ sở UBND xã Trà Thủy trụ ăngten thu phát sóng vệ tinh và pin năng lượng mặt trời được dựng lên sừng sững, tấm pin mặt trời được lắp ráp chắc chắn, dựng hàng rào B40, có cửa ra vào bảo vệ. Và để tiện cho người dân sử dụng, ngay gần phía trước cổng ra vào của UBND xã có một Trạm nạp năng lượng để cho người dân sạc bình ắc quy được xây dựng khá kiên cố nhưng cửa thì khóa im ỉm.

 

Dự án điện mặt trời
Nhiều dự án điện mặt trời được lắp đặt rồi rào lưới B40 xung quanh, người dân không biết dự án này lắp đặt để làm gì?


Ông Thanh Quý Dương- Chủ tịch UBND xã Trà Thủy cho biết: Từ ngày xây dựng hoàn thành đến giờ, Trạm để nạp bình ắc quy này cửa vẫn khóa suốt như thế, người dân có muốn nạp bình ắc quy cũng không vào được. Từ khi dự án được xây dựng xong thì bỏ đấy, chẳng thấy đơn vị nào bàn giao hay hướng dẫn kỹ thuật vận hành, bảo dưỡng và quản lý.

"Trong 6 điểm đặt các thiết bị của dự án, chỉ có điểm lắp đặt tại trường học ở thôn 4 người dân sử dụng vì chưa có điện lưới quốc gia và điểm lắp đặt tại trạm y tế của xã sử dụng để bảo quản vắcxin. Còn Trạm thu phát vệ tinh đặt ngay trong xã (khi mất điện lưới, sẽ có điện mặt trời hỗ trợ thu phát tín hiệu xem truyền hình) cũng chẳng biết phát tín hiệu gì. Hiện giờ ở những vùng có điện mà đầu tư Dự án điện năng lượng mặt trời thì đã lỗi thời, người dân không dùng"- ông Dương cho biết.

Cùng cảnh ngộ với xã Trà Thủy, ông Hồ Văn Dũng- Chủ tịch xã Trà Giang cho rằng, hiện trên địa bàn xã hầu hết các thôn đã có điện nên người dân cũng không dùng điện năng lượng mặt trời, chỉ có 13 hộ ở xóm Catu của xã là chưa có điện lưới quốc gia, nhưng người dân cũng không dùng. Vì người dân đã tự làm hệ thống phát điện nước, giờ Trạm nạp bình ắc quy cũng bỏ không.

Dự án Điện mặt trời cho miền núi được triển khai giai đoạn 1 tại 70 xã đặc biệt khó khăn, của 20 huyện, thuộc 8 tỉnh gồm: Sơn La 5 xã, Cao Bằng 7 xã; Nghệ An 8 xã; Điện Biên 7 xã; Quảng Ngãi 5 xã; Quảng Nam 19 xã, Quảng Bình 2 xã. Tổng kinh phí dự án 7,9 triệu EUR, được thực hiện từ năm 2010. Trong đó vốn vay nước ngoài là 5,385 triệu EUR và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 2,535 triệu EUR.

 

Ông Hồ Văn Sơn ở tổ 2, thôn Tây xã Trà Sơn bức xúc: Chỗ mình chưa có điện quốc gia nên khi nghe nhà nước đầu tư điện mặt trời bà con  mình ai cũng vui. Thế nhưng từ khi đầu tư đến giờ bà con có biết, có thấy mặt mũi của ông điện mặt trời là như thế nào đâu? Tiền làm cái này để giúp dân nghèo chúng tôi còn tốt hơn! Bà con vẫn phải tự làm hệ thống phát điện chạy bằng nước để sử dụng.

Điểm lắp đặt sử dụng cho tủ bảo quản vắcxin ở Trạm y tế xã được đánh giá là một trong những điểm lắp đặt hiếm hoi phát huy hiệu quả, thế nhưng cũng chỉ hiệu quả "nửa vời". Đại diện Trạm y tế xã Trà Sơn cho biết: Vắcxin cũng chỉ dám để những tháng mùa nắng, còn mùa mưa điện rất yếu, các thiết bị tích đá trong tủ chảy nước ra nên không dám để.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Bắc- Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng cho biết: Dự án đầu tư Trạm ứng dụng điện mặt trời được triển khai ở 5 xã: Trà Thủy, Trà Giang, Trà Bùi, Trà Sơn và Trà Hiệp. Mỗi xã, pin năng lượng mặt trời được lắp đặt tại 6 điểm gồm: Một trạm tại trụ sở UBND xã, trạm để dân sạc bình ắc qui, nhà văn hóa, trạm y tế, thôn không có điện lưới quốc gia, tủ bảo quản vắcxin.

"Khi được triển khai, huyện chỉ phối hợp khảo sát và bố trí địa điểm. Còn việc thi công, giám sát, nghiệm thu và bàn giao thì trực tiếp giữa Ban quản lý dự án của Ủy ban Dân tộc và các xã nên cũng không rõ lắm về hiệu quả dự án"- ông Bắc cho biết.

Sắm nông cụ tiền tỷ rồi… để không

Thực hiện Chương trình 135, giai đoạn II, những năm trước đây, huyện Tây Trà đã đầu tư gần 3 tỷ đồng để mua sắm các thiết bị, máy móc gồm: 24 hệ thống máy xay xát, 6 máy băm, 178 máy tuốt lúa, 47 máy cắt lúa, 67 bình phun thuốc và 626 công cụ sản xuất khác. Nhưng trong số đó, chỉ có khoảng 10-30% máy móc, trang thiết bị đầu tư cơ giới hóa nông nghiệp cho nông dân Tây Trà là được sử dụng.

Chỉ chiếc máy xay xát trước mặt đã rỉ sắt và phủ đầy mạng nhện, ông Hồ Văn Lương ở xã Trà Lãnh (Tây Trà) cho biết: Chẳng biết nhà nước đầu tư cái máy này bao nhiêu tiền mà từ bao năm nay, tôi chẳng thấy nó hoạt động ngày nào. Mang tiếng là có máy xay xát nhưng bà con ở đây nhiều người vẫn phải giã gạo bằng phương pháp thủ công.

 

Những chiếc máy nông cụ tiền tỷ được mua về rồi chất vào kho để hoăn sắt.
Những chiếc máy nông cụ tiền tỷ được mua về rồi chất vào kho để gỉ sắt.


Qua tìm hiểu của chúng tôi, tính riêng xã Trà Phong, huyện đầu tư 5 máy xay xát được đặt ở các thôn và nhiều máy móc, thiết bị khác nhưng cũng chỉ để người dân "ngắm". Tương tự, xã Trà Thọ với diện tích đất lúa chẳng là bao nhưng được phân bổ đến hàng chục máy cắt lúa đeo vai, máy tuốt lúa, cùng hàng loạt dụng cụ hỗ trợ sản xuất khác. Các xã còn lại cũng được “đầu tư” không thua kém gì xã Trà Thọ, Trà Phong. Hiện nay, hầu hết các thiết bị, máy móc huyện đầu tư tại các xã trên địa bàn huyện đều trong tình trạng "ở không". Qua nhiều năm không sử dụng, nhiều máy móc đã hư hỏng, xuống cấp.

Ông Hồ Văn Nên ở xã Trà Phong bày tỏ: Tôi thấy nhiều máy xay xát huyện đầu tư nhưng giờ bỏ hoang, không ít máy móc đang bị hoen gỉ, mục nát, nhưng bao năm nay, huyện vẫn để thế mà không thấy có giải pháp gì? Chẳng lẽ, cứ để mãi như vậy cho đến khi nào hư luôn rồi bỏ?

Ông Phan Văn Hiền- Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Hiện tại ở xã Trà Phong chỉ có 2 chiếc máy băm còn hoạt động, tất cả số máy còn lại đều không sử dụng được.

Theo thống kê, toàn huyện Tây Trà chỉ có khoảng 250 ha lúa nước, nhưng tổng số nông cụ được đầu tư theo Chương trình 135 lên đến con số hàng trăm. Do không nắm được nhu cầu của người dân nên phần lớn số nông cụ được trang bị nông dân sử dụng rất ít, hoặc không biết dùng chúng vào việc gì.

Điều đáng nói là, thiết bị cơ giới hỗ trợ sản xuất nông nghiệp thì bỏ hoang, còn đồng bào vẫn dùng cuốc,  trâu bò để cải tạo đồng ruộng tốn nhiều công sức như lúc trước. Cùng với đó, mua nông cụ không sử dụng, nhà nước lại phải tốn tiền để làm nhà bảo quản. Các máy xay xát mặt dù bỏ không, nhưng địa phương đã tốn một số tiền không nhỏ để làm nhà và lưới sắt rào lại.

Ông Hoàng Anh Ngọc- Chủ tịch UBND huyện Tây Trà cho biết: Huyện đang chỉ đạo các địa phương rà soát lại thực trạng các thiết bị máy móc nông cụ báo cáo về cho huyện. Trên cơ sở này, huyện sẽ có hướng giải quyết trong thời gian tới.

Thiết nghĩ, trong khi nông dân nhiều nơi mong muốn có các nông cụ hiện đại để sản xuất nhưng không sắm nổi thì việc hàng loạt các nông cụ, máy móc bỏ hoang, hư hỏng ở một huyện thuộc tốp nghèo nhất nước như thế này là điều mà các cấp chính quyền địa phương cần quan tâm suy nghĩ, để sớm có hướng giải quyết phù hợp.




Nhóm phóng viên QNĐT

 

Kỳ cuối: Những khu tái định cư không người ở

 


.