Hộ cận nghèo phân vân vay vốn ưu đãi

02:06, 26/06/2013
.

(QNg)- Trong khi doanh nghiệp không mấy mặn mà vay vốn dù lãi suất ngân hàng liên tục hạ thì những hộ cận nghèo cần vốn vay để làm ăn ổn định cuộc sống nhưng chưa dám vay, vì lãi suất cao đến 0,845%/tháng, tức 10,14%/năm.
 

TIN LIÊN QUAN


Phân vân vì lãi suất

Chính sách cho hộ cận nghèo vay vốn vừa được ban hành đầu năm 2013. Tuy vậy, khi tiếp cận nguồn vốn vay, thấy lãi suất quá cao, nhiều hộ đắn đo. Chị N.T.Q xã Đức Phú (Mộ Đức ), bộc bạch : “Mình thuộc diện hộ cận nghèo. Giờ, đứa con trai thứ ba chuẩn bị thi vào trường chuyên nghiệp mà không có tiền. Bà con bảo vay vốn ưu đãi hộ cận nghèo để cho con đến trường, nhưng thấy lãi suất quá cao. Vay rồi, biết làm gì để trả lãi hàng tháng”.  Trong khi đó, anh T.V.H ở xã Nghĩa Mỹ (Tư Nghĩa) thì cho rằng: “Muốn làm đơn xin vay lắm. Nhưng lãi suất cao kiểu này đành “bó tay”, vì sợ vay rồi không trả nổi”.

  Nhiều hộ cận nghèo làm nghề gốm ở Phổ Khánh (Đức Phổ) chờ mong ngân hàng hạ lãi suất để vay vốn phát triển nghề.
Nhiều hộ cận nghèo làm nghề gốm ở Phổ Khánh (Đức Phổ) chờ mong ngân hàng hạ lãi suất để vay vốn phát triển nghề.


 Tâm lý của chị Q, anh H cũng là tâm lý của nhiều hộ dân diện cận nghèo đang cần vay vốn hiện nay. Theo thống kê, ở Quảng Ngãi hiện có hơn 31.860 hộ cận nghèo. Ở vùng nông thôn thì hộ cận nghèo dựa vào vài mảnh ruộng, vườn nhỏ hẹp rồi làm thuê, cuốc mướn để có thêm thu nhập sinh sống. Ở thành thị thì hộ cận nghèo sống chủ yếu là buôn gánh bán bưng, chạy xe ôm, xe thồ. Khi mùa màng thất bát hoặc qua ngày mùa bận rộn không ai thuê mướn hoặc khi con cái nhập trường hay gia đình gặp hoạn nạn đau ốm thì họ rơi vào cảnh khó khăn. Những lúc như thế, nguồn vốn vay ưu đãi như chiếc phao đôi với họ. Thế nhưng,  lãi suất cho vay hộ cận nghèo như quy định thì quá cao. Ông Võ Văn Lợi - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hà (Tư Nghĩa), phân tích: “Các ngân hàng thương mại xuống tận xã chào mời với lãi suất cho vay rất thấp, trong khi hộ cận nghèo lại vay với lãi suất cao thế này thì bà con so đo tính toán là chuyện đương nhiên” .

Thiếu vốn
 

Theo Quyết định 15, hạn mức vay tối đa đối với mỗi hộ cận nghèo là 30 triệu đồng, với lãi suất không vượt quá 130% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo, tức khoảng 10,14%/năm (lãi suất cho vay hộ nghèo hiện là 7,8%/năm). Quy trình, thủ tục vay vốn được thực hiện tương tự như cho vay hộ nghèo.

Theo Ngân hàng Chính sách Xã hội - Chi nhánh Quảng Ngãi thì toàn tỉnh hiện có gần 6.390 hộ đủ điều kiện vay vốn chính sách. Số hộ còn lại rơi vào trường hợp đã vay, không đủ sức lao động, hay không có nhu cầu.  

Tuy nhiên, theo ông Võ Văn Lợi - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hà  thì “Toàn xã có 434 hộ cận nghèo, nhưng huyện chỉ mới phân khai cho xã nguồn vốn vay 200 triệu đồng. Với nguồn tiền quá ít này, xã chỉ phân về cho hai thôn là Kim Thạch và Hàm Long để chọn ra khoảng 10 hộ cận nghèo vay. Còn những hộ khác không thể vay được vì nguồn vốn quá ít".


Không có vốn để vay, nhiều hộ cận nghèo không thể thực hiện những dự định như  trồng cỏ, nuôi bò lai, chăn nuôi heo. Trong khi đó, ở các huyện miền núi, hải đảo, cũng rơi vào cảnh tương tự.  

 Theo Ngân hàng Chính sách tỉnh Quảng Ngãi, từ đầu năm 2013 đến nay, trung ương đã phân bổ cho tỉnh Quảng Ngãi 55 tỷ đồng, Ngân hàng đã phân khai cho các địa phương 21 tỷ đồng, số còn lại sẽ phân khai trong thời gian đến. Theo quy định, mỗi hộ vay tối đa 30 triệu đồng, nhưng do thiếu vốn nên nhiều địa phương đành cho mỗi hộ vay 20 triệu đồng. Dù vậy số vốn vay cũng chỉ đáp ứng khoảng 43% số hộ cận nghèo đủ điều kiện.


Bài, ảnh: MAI HẠ

 


.