Giám sát an toàn thực phẩm trong sản phẩm nông lâm thủy sản: Khoảng trống khó lấp

10:06, 27/06/2013
.

(QNg)- Thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh đã đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, giám sát việc sản xuất, cũng như phân tích những tồn dư hóa chất và chỉ tiêu an toàn sinh học trong các mẫu sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn nhiều khoảng trống khó lấp…
 

TIN LIÊN QUAN


Năm 2012, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm, thủy sản phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra 361 cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD) sản phẩm nông lâm, thủy sản. Qua đó phát hiện hàng loạt cơ sở chưa đảm bảo điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm (ATTP), dẫn đến nhiều mẫu sản phẩm (6/15 mẫu rau, 5/11 mẫu thịt, 3/24 mẫu cá và nước mắm) bị nhiễm khuẩn hay hàm lượng hóa chất tồn dư vượt quá giới hạn cho phép.

“Sản phẩm đẹp mới dễ tiêu thụ”

Đó là khẳng định của những người SXKD các mặt hàng nông lâm, thủy sản. Bởi theo họ, tâm lý người tiêu dùng lúc nào cũng ưa chuộng sản phẩm trông tốt tươi, bắt mắt. “Chiều” các “thượng đế”, người SXKD luôn tìm cách trau chuốt phía ngoài của sản phẩm hơn là tập trung nâng “chất” bên trong. Trong khi đó, nhiều loạt rau, củ, quả được sản xuất theo hướng an toàn thì lại bị người tiêu dùng chê vì…xấu, mà giá thành lại cao nên ngoảnh mặt làm ngơ. Lý giải điều này, ông Nguyễn Quang Vinh, người trồng rau ở thôn 6, xã Nghĩa Dũng (TP Quảng Ngãi) cho rằng, SXKD các sản phẩm rau, quả an toàn rất tốn công chăm sóc và chi phí.

Không kiểm soát được khâu sản xuất nên nhiều sản phẩm nông lâm, thủy sản kém chất lượng ra chợ rồi đến tay người tiêu dùng (ảnh minh họa).
Không kiểm soát được khâu sản xuất nên nhiều sản phẩm nông lâm, thủy sản kém chất lượng ra chợ rồi đến tay người tiêu dùng (ảnh minh họa).



Hơn nữa, để hạn chế lượng hóa chất tồn dư, nông dân thường sử dụng các loại thuốc, phân bón sinh học nên màu sắc của rau, củ, quả ít tươi xanh. Điều này không những làm các “thượng đế” ít chú ý mà còn bị các sản phẩm cùng loại kém chất lượng nhưng đẹp, giá rẻ đè bẹp. Đây được xem là một trong những nguyên nhân đẩy rau, thịt, củ, quả an toàn rơi vào chỗ không có đất sống. Chính điều này đã khiến một số nông dân phải gác lại việc SXKD các sản phẩm nông lâm, thủy sản theo hướng an toàn để tìm cách “tân trang”, làm đẹp cho chúng bằng những loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hay phân bón kích thích sinh trưởng... Thậm chí, để tăng độ hấp dẫn, nhiều người còn sử dụng các loại thuốc BVTV trôi nổi, không nhãn mác và nằm ngoài danh mục cho phép của Bộ NN&PTNT.  

Nói như thế không có nghĩa là “trăm lỗi đổ đầu… người tiêu dùng”. Bởi việc họ chuộng các sản phẩm đẹp, tươi tốt, giá cả phải chăng là không có gì sai. Với lại khi đã ra đến chợ thì sản phẩm nào cũng được tư thương cam kết an toàn nên người tiêu dùng yên tâm mua vì… tin tưởng!.

Quản lý, giám sát: Còn lỏng lẻo!

Theo kết quả kiểm soát dư lượng hóa chất độc hại của Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm nông lâm thủy sản, tỷ lệ nhiễm đối với thủy sản nuôi là rất thấp, chỉ có 6/100 mẫu (chiếm 6%). Nhưng có tới 40%-45% mẫu rau, thịt bị nhiễm vi sinh và tồn dư hóa chất lớn. Và, trong quá trình đánh giá, phân loại và lấy mẫu kiểm soát để kiểm nghiệm sản phẩm, các ngành chức năng cũng đã phát hiện nhiều lô hàng không đảm bảo vệ sinh ATTP, lại bị nhiễm khuẩn E.coli, Colifom, Samonella hay hàm lượng Histamin vượt quá giới hạn cho phép. Tuy nhiên, theo ý kiến của các địa phương thì những vi phạm này chỉ là…chuyện nhỏ và nó là cái ngọn của vấn đề. Còn phần gốc chính là hiệu quả của công tác kiểm soát quy trình sản xuất cũng như đầu vào của sản phẩm. Mà điều này thì dường như đã bị bỏ ngỏ nên nhiều cơ sở SXKD mới không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm; cũng như có điều kiện “phù phép” nhiều mặt hàng dỏm thành loại xịn để đánh lừa người tiêu dùng.

Đã thế, trong báo cáo đánh giá công tác quản lý chất lượng và ATTP nông lâm thủy sản năm 2012 trên địa bàn tỉnh của Sở NN&PTNT thì có đến 189 cá nhân, tổ chức SXKD vi phạm những điều kiện về vệ sinh, ATTP. Trong đó có 44 trường hợp bị cảnh cáo, 56 trường hợp bị xử phạt hành chính nhưng lại không được công khai danh tính cũng như thông tin các loại sản phẩm vi phạm! Mặt khác, toàn tỉnh hiện có 414 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhưng chỉ có… 2 điểm được cấp phép, số còn lại vì thiếu giấy phép và sự quản lý nên được tự do hoạt động!

Những con số trên cho thấy, chất lượng sản phẩm nông lâm thủy sản cũng như sức khỏe của “thượng đế” phần lớn đang trông chờ vào… lương tâm của người sản xuất. Và nếu các ngành chức năng không đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thanh kiểm tra, giám sát tồn dư hóa chất và ATTP ngay từ khâu sản xuất thì có lẽ, những con số này sẽ vấn tiếp tục “nhảy múa”-nghĩa là khoảng trống lâu nay khó lấp đầy.   


Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.