Đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp: Doanh nghiệp còn đứng ngoài cuộc (kỳ 3)

01:06, 23/06/2013
.

Kỳ 3: Để “lối nhỏ thành đường lớn”

Ngoài việc đảm bảo cho người dân và các ngành kinh tế khác được “no cái bụng” thì hiện giờ, nông nghiệp vẫn là lĩnh vực kém khả năng sinh lợi nhuận. Nhưng điều đó không có nghĩa là nông nghiệp sẽ mãi an phận “nhà sau” nếu đường đi của nó được phát quang, mở rộng…  



Từ “Nhịp cầu nhà nông”…

“Lần đầu tiên tôi được tranh luận với các nhà chuyên môn về kỹ thuật trồng cũng như cách phòng trừ sâu bệnh trên cây bắp”, ông Nguyễn Tú Sơn ở thôn Long Bình (Hành Tín Tây, Nghĩa Hành) hồ hởi cho hay. Nói đoạn, ông Sơn cho tôi xem cuốn sổ nhỏ “chứa” những kinh nghiệm sản xuất mà ông tự đúc kết được. Nào là cách “né” sâu bệnh; danh sách các loại thuốc bảo vệ thực vật được dán tem hiệu quả, an toàn hay thời điểm, vị trí cắt cờ để bắp ra nhiều hạt... Có “bảo bối” này, ông Sơn tự tin bảo: “Trồng bắp năng suất cao…quá dễ”! Thế nhưng sau buổi giao lưu “Nhịp cầu nhà nông” do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh phối hợp với một số DN tổ chức, ông Sơn lập tức điều chỉnh mật độ gieo trồng và loại thuốc trị bệnh khô vằn, cháy lá hay nhiễm khuẩn; cách phát hiện và điều trị bệnh thối thân; rồi thì tên những loại giống lai chính ngạch cũng được ông ghi lại cẩn thận… Đặc biệt là qua “Nhịp cầu nhà nông”, ông Sơn cũng như nông dân khu Tây huyện Nghĩa Hành hiểu rõ tầm quan trọng của việc vệ sinh đồng ruộng và phương thức làm đất mà lâu nay họ vẫn xem thường.

 

Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả của chương trình khuyến nông giúp nhà nông tiếp cận với các phương thức, kỹ thuật sản xuất mới.
Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả của chương trình khuyến nông giúp nhà nông tiếp cận với các phương thức, kỹ thuật sản xuất mới.


Còn bà Võ Thị Tâm ở xóm 4A (Bình Dương, Bình Sơn) thì không giấu được niềm vui khi vô tình có mặt trong “Nhịp cầu nhà nông” với chủ đề “Kỹ thuật sản xuất ớt”. Nhờ cán bộ kỹ thuật tư vấn, bà hiểu thêm những đặc tính cũng như cách đối phó với sự “đỏng đảnh” của ớt khi bị sâu bệnh, thời tiết... “Những kiến thức này giúp tôi hạn chế thiệt hại không đáng có trong quá trình sản xuất ớt”, bà Tâm thổ lộ.

Không chỉ nông dân, mà cả cán bộ phụ trách lĩnh vực nông nghiệp và khuyến nông viên (KNV) cơ sở - đội ngũ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả SXNN cũng được bổ sung những kinh nghiệm, kiến thức hữu ích do “Nhịp cầu nhà nông” mang lại. Đinh Văn Lâm, KNV xã Sơn Thành (Sơn Hà) bảo rằng, vì yếu chuyên môn nên ngay những bệnh thông thường trên cây lúa, cây mía, anh cũng không “bắt” được. “Nhưng từ khi tham dự “Nhịp cầu nhà nông”, mình đã biết cách đối phó và “trị” chúng”, anh Lâm cho hay.

…đến cơ chế, chính sách

Ra đời từ năm 2010 với rất nhiều ưu đãi như: Miễn, giảm thuế sử dụng đất; hỗ trợ chi phí ứng dụng công nghệ mới, xúc tiến thương mại, cước phí vận tải đối với vùng khó khăn, đào tạo lao động, phát triển thị trường và dịch vụ tư vấn… nhưng đến giờ, Nghị định 61/CP-TTg của Thủ tướng Chính phủ vẫn không “hút” được DN về với SXNN. Bằng chứng là hiện tại, DN tham gia vào SXNN của tỉnh chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ và hướng dẫn tổ chức làm đất, thu hoạch theo kiểu vận hành tư nhân; còn đầu tư thực thụ thì “trắng”.  

 

“Nếu không có nông nghiệp, sự sống của các ngành khác cũng khó duy trì. Do đó, để duy trì và nâng cao tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp, tỉnh Quảng Ngãi cần chú trọng, ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng, tăng cường kết nối giữa sản xuất với thị trường, nhất là phải “kéo” cho được doanh nghiệp bằng những chính sách phù hợp”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh trong chuyến thăm và làm việc tại Quảng Ngãi, tháng 4/2013.

Nguyên nhân nào khiến DN “lơ” những ưu đãi của Nghị định 61? Chủ một DN kinh doanh các mặt hàng phục vụ SXNN khẳng định: “Nhiêu khê trong thủ tục hành chính là lý do khiến DN nản”. Ông này cho rằng, để nhận được sự hỗ trợ từ các chính sách ưu đãi (chứ không riêng NĐ 61), DN phải mất quá nhiều thời gian để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục rồi “gõ” cửa hết cơ quan này đến đơn vị khác để được thẩm định, xác nhận. Còn ông Nguyễn Tấn Hòa- cán bộ Công ty TNHH hạt giống CP Việt Nam thì bày tỏ: “Nếu hạ tầng SXNN của Quảng Ngãi đủ mạnh, sẽ không DN nào muốn đứng ngoài cuộc”. Dẫn chứng điều này, ông Hòa cho rằng, những năm gần đây, việc sản xuất lương thực theo hướng hàng hóa đã được DN và nông dân nhiều địa phương chú trọng. Tuy nhiên, đồng ruộng Quảng Ngãi còn manh mún, nhỏ lẻ. Hệ thống giao thông nội đồng chưa hoàn thiện. Lực lượng lao động thiếu nên dù muốn làm ăn lớn, DN cũng e dè. “Nếu không dồn điền đổi thửa, hình thành vùng sản xuất chuyên canh thì rất khó để  thu hút DN”, ông Hòa khẳng định.

Như vậy, lý do khiến DN không mặn mà khi tham gia "mở đường" cho SXNN đã rõ. Nhưng ngoài nhiệm vụ gỡ nút thắt hạ tầng, thì theo ông Dương Văn Tô- Giám đốc Sở NN&PTNT: “Tỉnh cần nới lỏng và thực thi những cơ chế ưu đãi dành riêng cho SXNN chứ không thể đánh đồng như các ngành khác”. Ông Tô cho rằng, trước đây chúng ta cũng đã tổ chức thu hút DN đầu tư vào SXNN nhưng bất thành. Lý do thất bại thì nhiều, nhưng tựu chung là do chế độ đãi ngộ đất và vốn kém hấp dẫn. Bởi, SXNN có tính rủi ro cao nên DN đầu tư vào lĩnh vực này phải được ưu tiên về vốn, điều kiện và thời gian giải phóng mặt bằng. Đây cũng là điều mà nhiều DN mong muốn các ngành chức năng giúp đỡ trước khi họ quyết định tham gia đầu tư vào ngành SXNN.

Bài, ảnh: Mỹ Hoa

 


.