Vật tư nông nghiệp tăng giá: Nỗi lo thường trực của nông dân

06:05, 26/05/2013
.

(QNĐT)- Hiện nay, nông dân trong tỉnh đang bước vào vụ sản xuất hè thu, nhu cầu sử dụng các vật tư nông nghiệp tăng, nên giá các loại phân bón, thuốc trừ sâu cũng bắt đầu rục rịch tăng theo, tạo không ít áp lực cho nông dân.

TIN LIÊN QUAN


Đầu vào "hất nhào" đầu ra

Thời điểm này, nông dân các huyện đang tập trung xuống giống gieo sạ vụ hè thu. Tuy nhiên, điều mà người nông dân lo lắng nhất chính là giá vật tư nông nghiệp liên tục biến động theo chiều hướng tăng cao.

Theo tìm hiểu của chúng tôi tại một số đại lý cung ứng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cho thấy, hầu hết giá các loại phân bón, thuốc trừ sâu đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Ông Nguyễn Minh Hưng- Chủ một đại lý cấp 2 cung ứng vật tư nông nghiệp ở huyện Nghĩa Hành cho biết: Hiện các mặt hàng vật tư nông nghiệp nguồn cung khá dồi dào nhưng so với mọi năm thì giá vật tư nông nghiệp năm nay có nhiều biến động. Vụ hè thu năm nay giá một số loại phân như: Urê Đạm Phú Mỹ loại 50 kg tăng từ 485 nghìn/bao (vụ đông xuân) lên 520 nghìn/bao,  phân Ka li 60%  600 nghìn/bao, phân lân 155 nghìn/bao... Các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ, thuốc tăng trưởng tăng từ 5 -10%, tùy chủng loại.
 

Nông dân phải gồng mình trước giá cả ngày càng tăng cao của vật tư nông nghiệp
Nông dân phải gồng mình trước giá cả vật tư nông nghiệp ngày càng tăng cao.


Khi giá phân tăng, rất nhiều nông dân lo lắng, ông Nguyễn Xanh ở xã Hành Minh (Nghĩa Hành) than thở: Hễ tới vụ lúa là giá phân bón không hiểu sao lại cứ tăng lên. Mỗi thứ tăng một ít, làm cho nông dân muốn hụt hơi. Tăng lên thì nhiều, nhưng giảm thì chẳng bao nhiêu.

Ông Xanh nhẩm tính, với diện tích 4 sào lúa của gia đình, nếu  bón phân đợt 1 phải cần 20kg phân Urê, 40kg lân bột, 8kg Kali..."Vào thời điểm này, bấy nhiêu phân đó thêm với một số thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật cũng mất cả tiền triệu. Đấy là mới chỉ bón phân đợt 1, chưa kể mấy đợt khác"- ông Xanh cho hay.

Theo nhiều nông dân, thông thường, so với vụ đông xuân, thì vụ hè thu sản xuất khó khăn, chi phí đầu vào tăng hơn nhiều do phải đầu tư lượng phân bón lớn, trong khi đó năng suất đạt thấp hơn do phụ thuộc nhiều vào thời tiết.

Khi chúng tôi đề cập đến chuyện mùa màng, giá cả vật tư, phân bón, nhiều nông dân chỉ biết lắc đầu. "Với giá vật tư nông nghiệp như hiện nay, người nông dân chúng tôi lại thêm gánh nặng về chi phí, làm lúa chẳng có lãi bao nhiêu, thậm chí nếu thời tiết không thuận lợi thì cầm chắc thua lỗ. Biết là vậy, nhưng nông dân chúng tôi vẫn "bấm bụng" làm, bởi không làm ruộng thì biết làm gì? "- bà Trần Thị Hương ở xã Nghĩa Phương (Tư Nghĩa) thở dài.

 

Vật tư tăng giá là nỗi lo thường trực của nông dân Vật tư tăng giá là nỗi lo thường trực của nông dân
Vật tư nông nghiệp tăng giá là nỗi lo thường trực của nông dân

 

Ngoài giá vật tư nông nghiệp tăng cao, nỗi lo mua phải vật tư nông nghiệp dỏm cũng khiến không ít nông dân thấp thỏm. "Một vài vụ lúa trước đây, cũng đã có nhiều hộ dân trong huyện mua nhầm phân bón kém chất lượng rải vào mà lúa chẳng phát triển được, kết quả cho năng suất rất thấp”.- bà Hương cho hay.

Cần sự bình ổn

Trong sản xuất nông nghiệp, việc đầu tư phân bón có ý nghĩa rất quan trọng để tăng năng suất cây trồng. Trước tình hình giá phân bón các loại tăng cao như thời gian qua, việc sản xuất của nông dân lại thêm phần khó khăn vì mức chi phí đầu tư vào tăng cao. Trong khi hiện nay, việc mua bán phân bón đến tay người dân còn phải qua nhiều khâu trung gian nên giá cả luôn có sự chênh lệch rất nhiều so với giá gốc. Để sản xuất có lãi, nông dân đang phải loay hoay tính toán, cân nhắc cho bài toán sản xuất.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, trước tình hình giá cả vật tư nông nghiệp  "nhảy nhót" như hiện nay, không riêng gì người nông dân đang gặp khó khăn mà ngay cả các cửa hàng bán vật tư nông nghiệp cũng đang ở vào thế đứng ngồi không yên.,

Ông Lê Xuân Huy- chủ một đại lý bán vật tư nông nghiệp ở huyện Mộ Đức cho biết: “Giá cả luôn biến động nên các đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp cũng không dám nhập về quá nhiều cùng một loại phân. Hiện hầu hết các đại lý đều phải vừa bán vừa nghe ngóng để có mức tính toán cho thật hợp lý.

 

dù “một nắng hai sương” làm ra hạt lúa... nhưng đời sống của nhiều người nông dân vẫn còn nhiều khó khăn
Dù “một nắng hai sương” làm ra hạt lúa... nhưng đời sống của nhiều nông dân vẫn còn khó khăn


Có một nghịch lý là, trong lúc các giá vật tư nông nghiệp luôn tăng, hoặc nếu có giảm thì không đáng kể, thì người nông dân nhiều lúc phải “khóc ròng” vì đầu ra của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường.

"Việc sản xuất lúa nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung, nông dân chúng tôi luôn phải đối mặt với rủi ro về thiên tai, dịch bệnh cũng như về thị trường theo kiểu “được mùa mất giá” nên cho dù “một nắng hai sương” làm ra hạt lúa, trái dưa... nhưng đời sống của nhiều người nông dân vẫn còn nhiều khó khăn"- ông Trần Văn Lắm- ở xã Đức Hòa (Mộ Đức) than vãn.

 "Hiện tại nông dân chúng  tôi rất cần sự can thiệp của các cơ quan chuyên môn để bình ổn giá cả của các loại vật tư nông nghiệp để giảm bớt gánh nặng cho nông dân. Chúng tôi rất mong Nhà nước cần quản lý, bình ổn giá phân bón, cũng như đầu ra của sản phẩm để bảo vệ nông dân. Có như vậy, nông dân mới an tâm sản xuất, vững tin phát triển kinh tế trên chính mảnh đất của mình"- ông Lắm mong muốn.




Bảo Ngọc



 


.