Thả cá vào sông, thả tôm vào biển

08:05, 01/05/2013
.

(QNg)- Khi mới vừa đón những cơn mưa bất chợt tháng tư, dòng sông Nước Lác (Sơn Kỳ, Sơn Hà) lại reo vui đón nhận đàn cá bống tượng, lăng nha, thác lác, chép “nhập thủy”. Hàng trăm người dân vùng cao gian khó Sơn Kỳ đã chứng kiến một lễ hội thực sự: Lễ thả tái tạo giống thủy sản trên dòng sông này vào sáng 15/4…

TIN LIÊN QUAN


Sông thêm cá…

Nước của sông Nước Lác được con đập giữ lại để phục vụ tưới cho cánh đồng Làng Gòn. Từ ngày có đập Nước Lác, giữa thung lũng Bồ Nung đã hình thành nên một ao cá của làng. Đồng bào H’rê sống quanh vùng ngoài giờ lên rẫy, ra ruộng lại  ra đập quăng chài, thả lưới kiếm con cá cải thiện bữa ăn gia đình. Đánh bắt hoài cá cũng “cạn”. Những con cá lăng nha to bằng cổ chân; con chép, con mè nặng cả ký giờ đã trở thành “ký ức”. Đứng nhìn lòng đập trong xanh, dân làng xót lòng nuối tiếc. Thế nhưng ngoài chuyện hạn chế đánh bắt, đồng bào H’rê nơi đây chẳng biết phải mua giống cá ở đâu về để “tái tạo đàn”…

 

Cán bộ Trung tâm Giống thủy sản tỉnh thả cá tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản tại đập Nước Lác (Sơn Hà).
Cán bộ Trung tâm Giống thủy sản tỉnh thả cá tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản tại đập Nước Lác (Sơn Hà).


Sau những chuyến khảo sát tại nhiều địa phương, Trung tâm Giống thủy sản tỉnh đã “bắt” được mong mỏi ấy. Và tháng tư này, 40 kg cá bống tượng; 21.000 con cá giống gồm thác lác, chép, lăng nha đã được Trung tâm tuyển chọn thả vào đập Nước Lác. Sự phấn khởi hiện rõ trên từng khuôn mặt của người dân sinh sống trong thung lũng Bồ Nung. Già làng Đinh Văn Via bảo rằng: “Cán bộ cho cá giống để thả nuôi, dân mình ưng cái bụng lắm! Mai này cá lớn, dân có cá ăn, bữa cơm thêm ngon, sức khỏe sẽ được cải thiện”.

Để bảo vệ cá, UBND huyện Sơn Hà đã chỉ đạo Phòng nông nghiệp và xã Sơn Kỳ phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân không đánh bắt cá trong khoảng thời gian từ 20 ngày đến 30 ngày kể từ khi thả cá. Dân quân tự vệ xã phải tăng cường tuần tra khu vực thả cá, tuyệt đối không để người dân đánh bắt cá bằng xung điện, làm hủy diệt nguồn lợi thủy sản. Bà Đinh Thị Thanh Hường – Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà cho biết: “Huyện đã quán triệt đến nhân dân trong khu vực nâng cao ý thức bảo vệ đàn cá giống vừa được thả. Hầu hết người dân đã ý thức được ý nghĩa của việc làm này và nhiệt tình hưởng ứng”.

... và biển thêm tôm

Cũng trong tháng 4 này, lần đầu tiên Trung tâm Giống thủy sản tỉnh đã đưa 1.000.000 con tôm sú ra đảo Lý Sơn để thả vào lòng đại dương. Dẫu biết rằng “của đổ xuống biển” khó có thể đo đếm được kết quả, nhưng những con tôm giống được kiểm nghiệm đủ tiêu chuẩn thả nuôi, môi trường sống thích hợp, chắc chắn khả năng sống và phát triển sẽ cao. Chị Nguyễn Thị Thu Hà – Giám đốc Trung tâm giống thủy sản tỉnh cho biết: “Việc thả tôm sú tại vùng biển ven bờ sẽ tạo cân bằng sinh thái và đa dạng sinh học trong môi trường biển. Toàn bộ giống thả tái tạo đều đạt chuẩn, trong đó có 2/3 lượng giống do Trung tâm sản xuất. Chính vì vậy khả năng thích ứng với môi trường, tỷ lệ sống sẽ tương đối cao”.

Từ nhiều năm nay, việc thả giống thủy sản tái tạo và phát triển nguồn lợi đã được xem như một nhiệm vụ của ngành giống thủy sản. Thế nhưng, từ năm 2013 này, Trung tâm giống thủy sản miền Trung đã “nâng” công tác này lên một bước và xây dựng hẳn một “lộ trình” thả giống thủy sản vào sông và biển từ nay đến năm 2020. Đó là việc cần làm !. Bởi, nguồn lợi thủy sản dù có dồi dào đến mấy cũng sẽ vơi đi khi con người khai thác quá mức mà không tái tạo. Giữa lúc sự biến đổi khí hậu đã và đang làm mất đi một số loài thủy sản, thì việc thêm cá cho sông, góp tôm cho biển sẽ phần nào duy trì sự đa dạng sinh học cho sông, cho đại dương…


THANH NHỊ
 


.