Phát triển công nghiệp và bài toán chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn

03:05, 23/05/2013
.

(QNg)- Phát triển công  nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn là một trong những nhiệm vụ phát triển công nghiệp Quảng Ngãi từ nay đến năm 2015.

TIN LIÊN QUAN


Phát triển công nghiệp trong hơn 2 năm qua mặc dù đã đạt những kết quả quan trọng, song cũng đã bộc lộ những hạn chế. Đó là sự phát triển thiếu vững chắc, phân bố không đều, chủ yếu tập trung ở KKT Dung Quất và các khu công nghiệp của tỉnh. Trong khi đó, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn phát triển chậm, và việc chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn vẫn chưa rõ nét. Tính đến đầu năm 2013, Quảng Ngãi có trên 69 nghìn lao động trong các nhà máy, xí nghiệp. Tuy nhiên, số lao động ở các cụm công nghiệp ở các địa phương mới chỉ có trên 2.000 người, chiếm chưa tới 3%.

 

Phát triển công nghiệp ở các cụm công nghiệp-làng nghề sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động ở nông thôn.                                                                                                                          Ảnh: HT
Phát triển công nghiệp ở các cụm công nghiệp-làng nghề sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động ở nông thôn. Ảnh: HT


Tại hội nghị Tỉnh ủy sơ kết 2 năm phát triển công nghiệp theo Nghị quyết 01, ông Trần Chấn Diệp-Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ cho rằng, phát triển công nghiệp cần phải gắn với giải quyết việc làm, nâng cao mức thu nhập cho người lao động, nhất là lao động nông thôn.

Bởi thực tế cho thấy, trong những năm qua Nhà máy lọc dầu Dung Quất hay Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Vina…đi vào hoạt động đã góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh có bước nhảy vọt. Tuy nhiên, số việc làm mà hai doanh nghiệp này tạo ra chưa bằng một nửa nếu chỉ so với 2 dự án Nhà máy điện tử Foster và Giầy Rieker ở KCN Tịnh Phong. Mới đi vào sản xuất từ cuối năm 2012, với các sản phẩm chủ yếu xuất khẩu, hai doanh nghiệp sản xuất ở lĩnh vực công nghiệp nhẹ khi vận hành hết công suất sẽ giải quyết việc làm cho gần 10.000 lao động (riêng Nhà máy Giầy Rieker còn tạo việc làm gián tiếp cho 2.500 lao động địa phương). Hay như Công ty May Vinatex Tư Nghĩa tại cụm công nghiệp La Hà đã và đang có nhu cầu tuyển dụng 2.000 lao động.

Việc tạo ra một lượng lớn lao động từ các doanh nghiệp này đã thu hút rất nhiều lao động nông thôn ở các huyện trong tỉnh vốn là công nhân của các doanh nghiệp ở tận TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai hay Đà Nẵng…Điều này cho thấy, việc thu hút các dự án công nghiệp nhẹ ở các lĩnh vực điện tử, dệt may, da giày hay chế biến nông, lâm, thủy hải sản sẽ tạo ra một lượng lớn việc làm. Dù giá trị sản xuất công nghiệp lĩnh vực này không lớn (hiện chiếm chưa tới 6% giá trị công nghiệp của tỉnh), song các doanh nghiệp lĩnh vực này sẽ thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng nhu nhập và giảm nghèo cho nông dân khu vực nông thôn.

Các doanh nghiệp công nghiệp nhẹ hiện giải quyết rất nhiều lao động nông thôn.          Ảnh: H.T
Các doanh nghiệp công nghiệp nhẹ hiện giải quyết rất nhiều lao động nông thôn. Ảnh: H.T



Ông Phan Bình-Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành cho biết, Nghĩa Hành là huyện điểm xây dựng nông thôn mới nên cùng với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thì cần phải phát triển công nghiệp. Có như vậy mới đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn, cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 3.500 doanh nghiệp nhưng chỉ có khoảng trên 100 doanh nghiệp sản xuất còn lại là doanh nghiệp xây dựng, kinh doanh thương mại-dịch vụ. Quảng Ngãi vốn có thế mạnh về đội tàu biển, có điều kiện phát triển nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản nhưng chưa có nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản mạnh. Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản không chỉ tạo thêm nhiều việc làm mà còn thúc đẩy tiêu thụ các mặt hàng nông, lâm, thủy sản ở nông thôn, cũng như tạo một nền sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững. Do đó, tỉnh nên chú trọng phát triển các doanh nghiệp chế biến nông-lâm-thủy sản, cần có chính sách phát triển công nghiệp chế biến nông-lâm-thủy sản; ưu tiên thu hút các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực nêu trên vào các cụm công nghiệp-làng nghề, bên cạnh việc phát triển công nghiệp nặng ở “đầu tàu” Dung Quất.

PV
                                                                          


.