Doanh nghiệp sản xuất đá xây dựng: Lao đao vì hàng tồn kho

03:05, 22/05/2013
.

(QNĐT)- Sản lượng đá xây dựng khai thác trên địa bàn tỉnh tương đối dồi dào trong khi nhu cầu tiêu thụ lại giảm sút đáng kể, dẫn đến hàng tồn kho chiếm số lượng lớn. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này  đang lâm vào tình cảnh khó khăn
    

TIN LIÊN QUAN


* Hệ lụy khi "cung vượt cầu"

Theo quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và sản xuất xi măng đến năm 2020 của tỉnh thì vật liệu đá xây dựng đã được khảo sát tại 39 mỏ với trữ lượng hơn 103 triệu mét khối. Hiện nay, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã cấp phép cho 21 doanh nghiệp khai thác đá xây dựng tại 26 mỏ đá, với trữ lượng hơn 51 triệu mét khối, công suất 2,2 triệu mét khối/năm.

Khai thác đá xây dựng tại mỏ đá Ba Gia
Khai thác đá xây dựng tại mỏ đá Ba Gia


Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng tối đa trong tỉnh hằng năm chỉ đạt khoảng 1 triệu mét khối. Những năm gần đây do ảnh hưởng của suy thoái kinh, nhu cầu này càng giảm sút. Vì vậy, sản lượng đá khai thác ra không tìm được nơi tiêu thụ, dẫn đến tồn kho với khối lượng lớn, khiến nhiều doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng hoặc dừng sản xuất. Thậm chí không ít doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản. Người lao động phải nghỉ chờ việc, không hưởng lương chiếm đến 70%.

Anh Nguyễn Văn Hùng, công nhân Công ty cổ phần xây dựng 47 khai thác đá xây dựng tại mỏ đá thuộc thôn Làng Rên, xã Sơn Hải, huyện Sơn Hà nhiều tháng nay đã nghỉ ở nhà chờ việc. Nhiều công nhân khác làm cùng chỗ với anh Hùng cũng trong tình trạng làm việc “giã gạo”, thu nhập không ổn định.

Anh Hùng cho biết: “Mấy năm trước việc nhiều, lương tương đối cao, cuộc sống của gia đình tôi tương đối ổn. Thế nhưng, khoảng một năm trở lại đây, việc ít dần, thu nhập giảm sút đáng kể. Lãnh đạo công ty đang rốt ráo tạo việc làm, đảm bảo đời sống anh em công nhân nhưng hiện tại vẫn phải chờ việc thôi”.

* "Tự cứu mình": chưa đủ!

Lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cho biết, trong khoảng thời gian từ 2011 đến hết quý I/2013, mặc dù các doanh nghiệp khai thác đá làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh đã chủ động giảm sản lượng khai thác xuống còn 20% đến 30% nhưng sản phẩm tồn kho vẫn không hề giảm, vì không bán được hàng.

Trong khi đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này còn phải chịu thêm áp lực từ việc tăng giá điện, xăng, dầu và cả lãi suất ngân hàng luôn ở mức cao. Chính vì vậy các giải pháp “tự cứu mình” của doanh nghiệp khai thác đá xây dựng không mấy hiệu quả, nhất là trong những năm gần đây khi Chính phủ chủ trương cắt giảm đầu tư công.

Trên địa bàn tỉnh đã có hàng loạt công trình, dự án sử dụng vốn ngân sách phải dừng khởi công, kéo theo sự sụt giảm đáng kể mức tiêu thụ vật liệu xây dựng trong đó có đá xây dựng.

Theo thống kê chưa đầy đủ của hệ thống ngân hàng, hiện tại các doanh nghiệp sản xuất đá xây dựng ngoài vốn tự có còn vay ngân hàng hơn 500 tỷ đồng để đầu tư 26 dự án khai thác mỏ. Đến nay, hầu hết các khoản vay đã đến hạn phải trả cả gốc lẫn lãi, nhưng do không bán được hàng nên doanh nghiệp chưa biết xoay xở tìm tiền ở đâu trả nợ vay.

* Loay hoay tìm đường “xuất ngoại”

Trước những khó khăn trên, các doanh nghiệp đã tự tìm kiếm thị trường tiêu thụ ở một số nước lân cận và được đối tác Singapore đồng ý tiêu thụ với khối lượng rất lớn đá xây dựng để xây kè lấn biển từ nay đến 2020. Tuy nhiên, câu chuyện xuất khẩu đá xây dựng không phải dễ.

Theo quy định của Bộ Xây dựng thì đá xây dựng không thuộc vật liệu nằm trong danh mục khoáng sản được phép xuất khẩu. Tuy nhiên, để hỗ trợ giải cứu doanh nghiệp sản xuất đá xây dựng khỏi nguy cơ phá sản, ngày 13/5/2013, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ký văn bản báo cáo với Chính phủ những khó khăn của doanh nghiệp ngành khai thác đá xây dựng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời đề xuất biện pháp tháo gỡ và xin ý kiến của Thủ tướng xem xét cho phép doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này ở Quảng Ngãi được phép xuất khẩu 5 triệu mét khối đá xây dựng sang thị trường Singapore.

Với những khó khăn mà các doanh nghiệp sản xuất đá xây dựng đã và đang phải đối mặt, việc tìm ra giải pháp để tháo gỡ một phần khó khăn cho các doanh nghiệp này là hết sức cần thiết và cấp bách.

Hơn nữa, hiện quy định của pháp luật cũng đang còn một “hướng mở” cho đá xây dựng “xuất ngoại”. Cụ thể tại khoản 2 Điều 3 của Thông tư 04/2012/TT-BXD ngày 20/9/2012 của Bộ Xây dựng thì khoáng sản không thuộc danh mục được phép xuất khẩu nhưng trong trường hợp đặc biệt cần thiết có nhu cầu xuất khẩu thì Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng quyết định. Trường hợp xin xuất khẩu 5 triệu mét khối đá xây dựng của doanh nghiệp Quảng Ngãi có thuộc “đặc biệt cần thiết” hay không còn chờ sự quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
                             

    Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.