Phát triển HTX dịch vụ thủy sản và đánh bắt xa bờ: Bơi trong biển khó (kỳ 3)

03:04, 08/04/2013
.

 Kỳ 3: Bao giờ vươn ra biển lớn?



(QNg)- Chính sách hỗ trợ, khuyến khích xây dựng và phát triển HTX dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ được xác định là động lực to lớn để biến chủ trương thành hiện thực trong cuộc sống. Thế nhưng, quá trình ấy vẫn còn bao chuyện để bàn.…

TIN LIÊN QUAN



* Bài toán kinh tế và giải pháp kết đoàn

Khai thác thủy sản là ngành sản xuất có thế mạnh ở tỉnh ta. Trong nhiều năm qua, lực lượng tàu thuyền khai thác hải sản phát triển khá nhanh. Cuối năm 2010 toàn tỉnh mới có khoảng 4.230 tàu có tổng công suất khoảng 275.000 CV; đến đầu năm 2012 lượng tàu thuyền trong tỉnh đã tăng lên gần 6.000 chiếc, công suất 642.570 CV. Trong đó số tàu cá công suất lớn đánh bắt xa bờ khoảng 2.000 chiếc. Sản lượng khai thác không ngừng tăng lên từ 87 nghìn tấn (năm 2011) lên 105 nghìn tấn (năm 2012).

 

àu cá của ngư dân Lý Sơn trở về đảo sau một phiên biển dài ngày trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa.                             Ảnh: T.NHỊ
àu cá của ngư dân Lý Sơn trở về đảo sau một phiên biển dài ngày trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Ảnh: T.NHỊ


Trong quy hoạch ngành thủy sản đến năm 2015 và 2020, ngành khai thác thủy sản tiếp tục được xác định là thế mạnh của ngành, phấn đấu đạt 118 nghìn tấn sản lượng vào năm 2015 và 125 nghìn tấn vào năm 2020. Nghề khai thác hải sản cũng đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động… Tựu chung lại, nhờ có thế mạnh về biển nên ngành khai thác hải sản cũng vì thế mà có điều kiện phát triển. Tuy nhiên, việc sản xuất trên biển hiện nay của ngư dân  thường xuyên phải chống chọi với thiên tai, bão tố và tranh chấp ngư trường, bị tàu nước ngoài đe dọa… gây thiệt hại không nhỏ. Thêm vào đó, chi phí đầu vào cho tàu thuyền đi biển còn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung cấp của chủ vựa trên bờ; việc tiêu thụ sản phẩm không ổn định, thường bị chèn ép giá, nên thu nhập thực tế của ngư dân không cao.

Lĩnh vực hậu cần nghề cá tuy có bước phát triển nhưng chất lượng dịch vụ chưa cao, vẫn còn tình trạng thao túng giá cả đầu ra, ép giá, ép cấp thu mua sản phẩm, chưa đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn sản phẩm hải sản sau khi đánh bắt; bất cập trong phân chia lợi ích  cho người lao động. Chính vì vậy, việc xây dựng HTX dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ là để hình thành mối liên kết sản xuất giữa các tàu cá trên biển không chỉ đối phó với thiên tai, địch họa mà còn tạo cơ sở hình thành tổ chức sản xuất gắn kết giữa khai thác với tiêu thụ và dịch vụ hậu cần nghề cá trên bờ, tăng hiệu quả kinh tế và nâng cao thu nhập cho ngư dân.

* Nhìn thẳng và giải đáp ngay

Xoay quanh vấn đề về cơ chế hỗ trợ, khuyến khích xây dựng và phát triển HTX dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011 - 2015, ông Phạm Hoài Nam - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho rằng: Cần quy định cụ thể hơn nữa, nhất là chính sách hỗ trợ tín dụng. Tỉnh nên giao nhiệm vụ cho vay đối với HTX khai thác hải sản cho một ngân hàng có khả năng tài chính, nhằm đảm bảo tính khả thi của chính sách này, tạo điều kiện cho HTX vay vốn.

Ý kiến về việc UBND huyện Tư Nghĩa chủ trương giải thể HTX đóng sửa tàu thuyền và dịch vụ thủy sản Cổ Lũy, ông Phạm Hoài Nam - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh thẳng thắn: "UBND huyện Tư Nghĩa chủ trương giải thể HTX này là chưa đúng dù có theo hình thức giải thể bắt buộc hay tự nguyện". Ông Nam cũng cho biết thêm, vừa qua HTX này có vi phạm trong quá trình mở rộng diện tích mặt bằng để tạo thuận lợi trong sản xuất, nhưng vi phạm đó là không lớn và không vì mục đích vụ lợi cá nhân. Thực tế, việc mở rộng cũng đã giải quyết được vấn đề thông luồng cửa biển và bảo vệ môi trường mà lẽ ra trách nhiệm này là của các cấp chính quyền! Theo ông Nam, UBND huyện Tư Nghĩa cần thành lập một HTX dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ Nghĩa Phú mới, chứ  không nên giải thể HTX Cổ Lũy.

Còn Sở NN và PTNT - cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện Quyết định số 58, thì khẳng định: UBND huyện Tư Nghĩa không cần giải thể HTX Cổ Lũy, mà chỉ cần bổ sung, điều chỉnh tăng thêm chức năng, nhiệm vụ cho HTX này phù hợp với Quyết định 58. Làm như thế vừa đảm bảo ổn định hoạt động cho HTX, vừa giúp HTX hưởng được chính sách ưu đãi của cơ chế hỗ trợ mà UBND tỉnh dành cho HTX dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ.

Đề án xây dựng và phát triển HTX dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ giai đoạn 2011 - 2015 đến nay đi vào thực hiện đã một nửa chặng đường nhưng mới chỉ thành lập được 3 HTX, nhưng cả ba HTX vẫn chưa được hưởng chính sách hỗ trợ theo đề án. Việc thành lập HTX dịch vụ và khai thác xa bờ Cổ Lũy lại gặp vướng mắc. Những câu hỏi đặt ra từ những HTX này đang cần cơ quan có thẩm quyền và ngành chức năng có giải pháp kịp thời, thỏa đáng, góp phần đưa chiến lược kinh tế biển của tỉnh đi vào thực tiễn cuộc sống.
              

THANH NHỊ
T


.