Phát triển HTX dịch vụ thủy sản và đánh bắt xa bờ: Bơi trong biển khó

12:04, 03/04/2013
.

(QNg)- Đề án xây dựng và phát triển HTX dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đề án này, nhiều vấn đề đang đặt ra cần phải tháo gỡ kịp thời.

 

Kỳ 1: Giải thể  HTX "ăn nên làm ra"



HTX đóng sửa tàu thuyền và dịch vụ thủy sản Cổ Lũy (xã Nghĩa Phú, Tư Nghĩa) (gọi tắt là HTX Cổ Lũy) nhiều năm nay luôn được đánh giá là một trong những HTX điển hình của cả nước. Thế mà UBND huyện Tư Nghĩa có chủ trương tiến hành giải thể HTX này, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tâm lý của xã viên HTX.

 


Giải thể HTX khi đang "bội thu"

Mới vừa bước qua tháng giêng năm Quý Tỵ, HTX Cổ Lũy đã nhận được đơn đặt hàng gia công, đóng mới 20 tàu cá công suất từ 395 đến 500 CV từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Tổng trị giá hợp đồng gia công vào khoảng 3 tỷ đồng. Hiện tại lương thợ đóng tàu tại HTX này thấp nhất 220 nghìn đồng và cao nhất khoảng 520 nghìn đồng/người/ngày. Trong tình hình kinh tế khó khăn, mức lương này là mơ ước của nhiều người lao động, dẫu là thợ hay là thầy.

Những con tàu đang được sửa chữa và đóng mới tại HTX Cổ Lũy. Ảnh: T. NHỊ
Những con tàu đang được sửa chữa và đóng mới tại HTX Cổ Lũy. Ảnh: T. NHỊ


Nhìn "bảng thành tích" những năm gần đây của HTX này, để khẳng định thêm HTX Cổ Lũy đã và đang "ăn nên làm ra". Năm 2010, HTX đóng mới 40 tàu cá đánh bắt xa bờ; sửa chữa gần 50 tàu cá khác; năm 2011, đóng mới 47 chiếc, sửa chữa gần 100 chiếc; năm 2012 đóng mới 50 chiếc, sửa chữa gần 50 tàu cá. Ông Phan Như Huỳnh -Chủ nhiệm HTX Cổ Lũy cho biết, HTX đang làm ăn rất ổn định, xã viên phấn khởi, người lao động an tâm làm việc cho HTX. Mỗi năm ngoài việc đóng góp cho ngân sách nhà nước gần 200 triệu đồng, HTX còn tích cực tham gia công tác từ thiện, an sinh xã hội.

Vậy mà năm 2012,  UBND huyện Tư Nghĩa "động viên" HTX tiến hành giải thể tự nguyện để thành lập HTX mới theo Đề án xây dựng và phát triển HTX dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011 - 2015. Ban chủ nhiệm HTX và 47 xã viên tiến hành đại hội bất thường để giải thể HTX Cổ Lũy theo hình thức giải thể tự nguyện. Tuy nhiên, sau khi tiến hành đầy đủ thủ tục để giải thể HTX Cổ Lũy thì đến nay vẫn chưa thấy UBND huyện Tư Nghĩa cho phép giải thể.

Chưa tìm được "tiếng nói chung"

Mục đích của việc giải thể HTX Cổ Lũy được ông Phan Như Huỳnh - Chủ nhiệm HTX cho biết: "UBND huyện cho rằng việc giải thể HTX là để làm cơ sở thành lập 1 HTX mới theo đề án Xây dựng và phát triển HTX dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ theo Quyết định số 58 của UBND tỉnh. Tuy nhiên, sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết để giải thể tự nguyện thì UBND huyện Tư Nghĩa lại bảo phải dừng lại để xem xét cho giải thể bắt buộc".

Thợ đóng tàu ở HTX đóng sửa tàu thuyền và dịch vụ thủy sản Cổ Lũy hiện có thu nhập từ 220.000 - 500.000đ/người/ngày.
Thợ đóng tàu ở HTX đóng sửa tàu thuyền và dịch vụ thủy sản Cổ Lũy hiện có thu nhập từ 220.000 - 500.000đ/người/ngày.

Câu chuyện "giải thể HTX Cổ Lũy" đã gây bức xúc cho xã viên HTX. Ông Đặng Văn Hải, xã viên HTX và cũng là người lao động đang trực tiếp đóng tàu ở đây nói: "HTX chúng tôi đang làm ăn hiệu quả, không nhất thiết phải giải thể để thành lập HTX mới. Còn nếu cứ quyết định phải giải thể thì việc giải thể phải để HTX phát triển, đảm bảo công ăn việc làm, đời sống của người lao động tốt  hơn thì mới nên làm".

Ông Lê Trung Thành-Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa cũng thừa nhận: Mục đích ban đầu của UBND huyện là giải thể HTX này để thành lập ngay HTX dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ trên nền tảng cơ sở hạ tầng, con người như hiện nay, nhưng quy mô về xã viên tăng thêm và lĩnh vực hoạt động được mở rộng hơn. Và khi thành lập được HTX Cổ Lũy mới này thì "HTX sẽ được hưởng thêm suất ưu đãi từ cơ chế, chính sách của tỉnh như tiền hỗ trợ xây dựng trụ sợ, tiền vay ưu đãi…".

 

Cũng theo ông Thành thì, ban đầu UBND huyện Tư Nghĩa có chủ trương giải thể HTX Cổ Lũy theo hình thức tự nguyện. Thế nhưng sau đó có ý kiến cho rằng phải giải thể bắt buộc mới phù hợp. Còn việc thành lập HTX mới có thay đổi gì so với HTX hiện nay thì chưa được bàn cụ thể. Chính vì chưa tìm được “tiếng nói chung”, nên đến nay hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX Cỗ Lũy gặp nhiều khó khăn, xã viên thiếu yên tâm sản xuất.


Bài, ảnh: THANH NHỊ
(Còn nữa)

 


.