Đưa thông tin hàng Việt đến người tiêu dùng

09:04, 24/04/2013
.

(QNg)- Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tại Quảng Ngãi đã góp phần hình thành thói quen tiêu dùng hàng Việt trong nhân dân. Để tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc vận động này, UBND tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đến ”đưa thông tin hàng Việt đến người Việt”...

TIN LIÊN QUAN


Thiếu thông tin nên ”yếu” niềm tin

Không ít người tiêu dùng cho rằng: Thông tin hàng hóa của Việt Nam còn “mỏng”, nhiều khi muốn mua hàng cùng chủng loại của các doanh nghiệp trong nước sản xuất thay cho hàng hóa ngoại nhập nhưng không biết chọn mua ở đâu. Giá cả, chất lượng sản phẩm thường chỉ được người bán hàng giới thiệu “nghiêng về một phía”, chưa có cơ sở để đánh giá thực chất chất lượng sản phẩm. Vì thế không ít người tiêu dùng chọn giải pháp an toàn bằng cách mua hàng ngoại nhập!

 

Siêu thị là nơi có thể tìm kiếm những thông tin cần thiết về hàng hóa, nhưng không phải người tiêu dùng nào cũng có điều kiện để đến siêu.
Siêu thị là nơi có thể tìm kiếm những thông tin cần thiết về hàng hóa, nhưng không phải người tiêu dùng nào cũng có điều kiện để đến siêu.


Hiện nay, nhiều nông dân, ngư dân trong tỉnh nhu cầu mua máy móc, nông cụ do các doanh nghiệp trong nước sản xuất tương đối lớn nhưng họ lại chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với thông tin về sản phẩm. Phương thức chuyển hàng đến tay dân vẫn chủ yếu là “truyền miệng” từ người mua trước. Điều này, Ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam của tỉnh đã “nhìn” thấy và đã chỉ đạo cơ quan liên quan tăng cường đưa thông tin hàng Việt đến người tiêu dùng.

Ngày 27/3 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có Công văn số 1007/UBND-ĐNMN yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động để người tiêu dùng biết, hiểu, đánh giá đúng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, khả năng sản xuất, kinh doanh và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của doanh nghiệp Việt Nam; tiếp tục thực hiện các giải pháp thích hợp để khuyến khích, định hướng tiêu dùng và vận động nhân dân tích cực sử dụng hàng Việt Nam. Các cơ quan, đơn vị, địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội có nhu cầu mua sắm bằng nguồn kinh phí ngân sách thì ưu tiên sử dụng các loại hàng hóa trong nước đảm bảo chất lượng.

Đứng bên cạnh doanh nghiệp

Trong việc đưa thông tin cũng như đưa hàng Việt Nam đến người tiêu dùng, UBND tỉnh giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp; tổ chức các hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, chợ truyền thống, các chương trình khuyến mại hàng Việt; đề xuất các giải pháp nhằm củng cố và mở rộng hệ thống phân phối, thiết lập hệ thống các điểm bán hàng Việt bền vững; cập nhật và công bố thường xuyên trên Website của ngành danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được để phục vụ tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng... UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cho các Sở: Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác cụ thể hưởng ứng Cuộc vận động.

Thực tế, thời gian qua UBND tỉnh đã có kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng về nông thôn, miền núi, hải đảo để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, nhất là trong dịp lễ, tết. Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp, thủ tục để nhận được sự hỗ trợ này còn “cực kỳ gian nan”, mất nhiều thời gian. Trong khi doanh nghiệp lại e ngại thủ tục rườm rà. Vì thế, dù khả năng được hỗ trợ khá cao, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa “chạm” tới chính sách hỗ trợ này. Do vậy, việc ban hành công văn 1007 sẽ góp phần giúp cơ quan có liên quan nhận thức rõ hơn phần việc của mình, để chung tay với doanh nghiệp đưa cuộc vận động đi vào thực tiễn cuộc sống...


    Bài, ảnh: THANH NHỊ

 


.