Câu cá theo truyền thống vẫn “sống khỏe”

07:04, 20/04/2013
.

(QNg)- Đánh bắt cá bằng lưỡi câu không thu được nhiều hải sản như khi đánh bắt bằng lưới vây, lưới rút, nhưng bao đời nay, người dân xóm Câu, thôn Nam Phước, xã Phổ Vinh (Đức Phổ) vẫn bền bỉ gắn bó với cách câu truyền thống này. Bởi các ngư dân nơi đây tâm niệm, khai thác theo kiểu này năng suất không cao, nhưng bảo vệ được nguồn lợi thủy sản cho con cháu đời sau.
 

TIN LIÊN QUAN


Tầm 1 giờ sáng, khi trời còn tối đen như mực, hơn 50 ngư dân đã lên thuyền vượt sóng ra khơi. Nơi dừng thuyền thả câu là vùng biển gần đảo Lý Sơn, cách đất liền chừng hơn 20 hải lý. Với mớ dây câu hơn 1.000 lưỡi có gắn sẵn mồi nhử cá cùng nắm cơm mang theo làm lương thực, vậy là đủ cho một hành trình dài.

 

Niềm vui của ngư dân Nguyễn Văn Dẫn sau một ngày giăng câu ngoài khơi xa.
Niềm vui của ngư dân Nguyễn Văn Dẫn sau một ngày giăng câu ngoài khơi xa.


Lênh đênh trên biển cả ngày bằng những chiếc thuyền câu với công suất tầm 9CV nên không có cabin để tránh nắng. Vì vậy, nghề này đòi hỏi ngư dân phải có sức dẻo dai và chịu khó. Anh Nguyễn Văn Dẫn, ngư dân trong đội thuyền câu hồ hởi: “Một chiếc thuyền câu chỉ đủ chỗ cho 2 người, lại không có mái che nên  cả ngày phải dãi dầu với gió, với nắng. Đi hoài rồi cũng quen, chứ lúc mới đi, thế nào về nhà cũng bị sốt li bì”. Những con thuyền mộc, không có chỗ trú nắng, che mưa nên mỗi ngư dân tự trang bị cho mình chiếc áo mưa cùng áo phao mang theo đề phòng thời tiết thất thường.

Theo kinh nghiệm của những ngư dân trong đội thuyền câu, nghề này chỉ có thể ra khơi vào những ngày trời trong xanh, lặng gió thì mới mong câu được cá. Rồi tùy vào kinh nghiệm của từng người để nhìn con nước mà thả câu. Bằng không, thì chỉ về tay không, có khi còn vỡ thuyền nếu gặp mưa giông, bão bùng.

Ra khơi từ nửa đêm, đến xế chiều, đội thuyền câu mới trở về đất liền. Như mọi lần, không khí trên bến sông lúc nào cũng tấp nập, đông vui bởi đây là giờ cập bến của đội thuyền câu hơn 20 chiếc. Cả ngày rong ruổi ngoài khơi xa, hơn 1.000 lưỡi câu thả xuống, thu về khoảng 50- 100 kg cá. Thuyền vừa về bến, đã có tiểu thương đứng chực chờ sẵn ở bến sông Trường để thu mua. Chị Ngô Thị Danh, một tiểu thương đứng đợi cá ngay mé sông chia sẻ, cá giăng lưới thì lớn bé lẫn lộn nên phải phân loại khi thu mua. Riêng loại cá của những người đi câu, phần đông đều là cá lớn, giá cả có thể nhỉnh hơn chút đỉnh.

Mùa đi câu thường bắt đầu từ tháng giêng đến tháng 7 hàng năm. Đây là nghề truyền thống của ngư dân ở đây. Lần nào đi biển, cả đội thuyền hơn 20 chục chiếc lúc nào cũng rủ nhau đi để cùng sẻ chia, ứng cứu lẫn nhau nếu chẳng may ghe bị chết máy hay gặp nạn trên biển. Từ đời này sang đời khác, cha đi biển rồi đến đời con cứ tiếp nối nhau giữ nghề, vì vậy nơi ở của những ngư phủ làm nghề này mặc dù thuộc KDC số 4, thôn Nam Phước, nhưng mọi người ở Phổ Vinh ai cũng gọi đây là xóm Câu - cái tên gắn luôn với nghề.

Lão ngư Ngô Văn Hai với hơn 40 năm rong ruổi giăng câu biển bê thúng cá đầy ắp từ thuyền lên, niềm nở sẻ chia, mặc dù bây giờ xuất hiện nhiều hình thức đánh bắt như lưới rê, lưới cào… thu được nhiều cá hơn. Nhưng anh em trong đội vẫn rủ nhau giữ lấy nghề để còn giữ gìn nguồn lợi thủy sản cho con cháu mai này. Hướng đôi mắt nhìn xa xăm về phía biển, lão ngư chợt buồn, cá mỗi ngày mỗi vắng, ngày trước quăng câu là bắt được đủ loại cá… Nhưng giờ, chủng loại cá ngày càng giảm dần, chẳng còn phong phú như ngày xưa nữa. Chỉ mong sao, mọi người đừng khai thác theo kiểu tận diệt, để cá có thời gian sinh sôi.

 

Ý THU
                         
 


.