BSR “tiếp quản” Nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất

04:04, 15/04/2013
.

(QNg)- Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petro Viet Nam) vừa quyết định sáp nhập Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio- Ethanol Dung Quất về Công ty TNHH Lọc- hóa dầu Bình Sơn quản lý, vận hành.

TIN LIÊN QUAN

 


Ông Nguyễn Hoài Giang- Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Lọc- hóa dầu Bình Sơn (BSR) cho biết, sau khi Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Tổng Công ty Cổ phần Tổng hợp Dịch vụ Dầu khí (Petrosetco) thoái vốn, BSR được giao nắm giữ 100% vốn cổ phần dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio- Ethanol Dung Quất (trước đây BSR nắm 61% cổ phần dự án).
 

 Năm 2013, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đặt mục tiêu đạt lợi nhuận 2.100 tỷ đồng (tương đương hơn 100 triệu USD) sau khi nhận được cơ chế tài chính ưu đãi từ Chính phủ gồm: Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm, áp dụng thuế suất 10% trong thời gian 30 năm và giảm 50% số phải nộp trong thời gian 9 năm tiếp theo.

"Hiện tại, BSR đang khẩn trương hoàn tất thủ tục tiếp nhận, quản lý khoảng 200 kỹ sư, công nhân để sẵn sàng vận hành nhà máy này trong thời gian tới. Việc sáp nhập bộ máy về lọc dầu Dung Quất sẽ có nhiều thuận lợi khi BSR hỗ trợ vận hành, kinh doanh Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio- Ethanol Dung Quất thuận lợi, đạt hiệu quả kinh tế hơn", ông Giang tự tin nói.

Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất có tổng vốn đầu tư khoảng 80 triệu USD, được khởi công xây dựng vào tháng 9/2009, dự kiến cuối năm 2011 hoàn thành, đưa vào vận hành nhằm sản xuất xăng nhiên liệu sinh học cung ứng ra thị trường. Thế nhưng, đến nay đã sang tháng 4 năm 2013, nhà máy vẫn trong giai đoạn chạy thử, chuẩn bị đưa vào chạy nghiệm thu.

Trong khi chờ đợi xăng nhiên liệu sinh học tiêu thụ đại trà trong phạm vi cả nước theo lộ trình của Chính phủ, nhà máy vẫn định hướng xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài do nhu cầu trong nước quá thấp. Theo thống kê của Petro Việt Nam, năm 2012, các nhà máy nhiên liệu sinh học trong cả nước sản xuất khoảng 25.900m3 xăng sinh học E5 (xăng Ethanol), trong đó bán trong nước khoảng 13.000 m3, xuất khẩu 12.000 m3. Do xăng E5 mới chỉ được áp dụng tại vài tỉnh, thành phố từ năm 2014 và một năm sau mới áp dụng trên cả nước nên việc tiêu thụ xăng E5 hiện rất khó khăn.  

Ngoài việc “tiếp quản” nhà máy này, liên quan đến Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, ông Giang cho biết thêm, BSR đang triển khai hai phương án nghiên cứu chi tiết nâng cấp, mở rộng dự án. Theo đó, phương án thứ nhất sẽ giữ nguyên công suất 6,5 triệu tấn/năm, nâng cấp nhà máy theo hướng đa dạng hóa nguồn dầu thô, nâng cao tiêu chuẩn môi trường, chất lượng sản phẩm. Còn phương án thứ hai là tiến hành nâng cấp, mở rộng nhà máy từ 6,5 lên gần 10 triệu tấn sản phẩm/năm (lọc, hóa dầu) để đáp ứng các thách thức trong tương lai, khả năng cạnh tranh khi Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) và Vũng Rô (Phú Yên) hoàn thành, đưa vào hoạt động (dự kiến vào khoảng 2020).

"Hiện tại chúng tôi đang tiếp tục kêu gọi các đối tác nước ngoài tiềm năng, giàu kinh nghiệm về lĩnh vực lọc, hóa dầu mua cổ phần dự án. Trong trường hợp tìm đối tác gặp khó khăn, Công ty sẽ tự tìm nguồn vốn để nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất", ông Giang nhấn mạnh.

MINH HOÀNG
 


.