Sơn Hà: Nông dân rầu lòng vì mì “xì mủ”

03:03, 19/03/2013
.

(QNĐT)- Sau Tết, hàng loạt diện tích mì ở Sơn Hà bỗng trở nên còi cọc, vàng úa và chết. Nông dân phải nhổ bỏ để trồng lại mì hoặc chuyển sang cây trồng khác. Nguyên nhân được khẳng định là do mì mắc bệnh “xì mủ”…
 

TIN LIÊN QUAN

Bệnh “xì mủ” được cơ quan chuyên môn khẳng định ảnh hưởng lớn đến năng suất, hàm lượng tinh bột nhưng hiện nay chưa có thuốc đặc trị. Mọi nỗ lực cứu vãn  loại “cây hàng hóa chủ lực” của Sơn Hà chỉ trông chờ vào giải pháp “phòng bệnh”, dù bệnh này đã và đang “ăn” vào cây mì trên diện tích không nhỏ.

* Nông dân “u-i”

Sông Re mùa tháng ba như mọi năm nông dân 4 xã dọc sông Re “Hải – Thủy – Kỳ - Ba” đang tất bật với mùa dưa hấu. Thế nhưng, tháng 3 này, họ lại đang vật lộn với việc “cứu” mì trên cánh đồng. Để tránh tổn thất của vụ dưa năm ngoái “được mùa mất giá”, những người nông dân quyết tâm “lấy lại” vốn bằng “thế mạnh” cây mì. Thế nhưng cây mì trồng xuống cũng chẳng đem đến cho những người dân  niềm vui…

Chị Đinh Thị Trảy, KDC số 5, thôn Làng Gòn, xã Sơn Thủy đang nỗ lực “cứu” mì trước căn bệnh xì mủ.
Chị Đinh Thị Trảy, KDC số 5, thôn Làng Gòn, xã Sơn Thủy đang nỗ lực “cứu” mì trước căn bệnh xì mủ.


Ghé lại ruộng mì của gia đình chị Đinh Thị Trẩy, ở KDC số 5, thôn Làng Gòn, xã Sơn Thủy khi trời chiều ngả bóng. Chị Trẩy đang nhổ cỏ, bỏ phân cho gần 1ha mì của nhà mình nhưng cũng vừa nhổ bỏ hàng loạt gốc mì vàng rực, héo úa.

Chị Trẩy buồn rười rượi: “Trời làm khó đồng bào H’re mình rồi. Mì trồng xuống mới cao bằng đầu gối đã già, chẳng thấy lớn mà cứ vàng rũ, rồi chết”. Chúng tôi hỏi anh Đinh Cà Reo, chồng chị Trẩy có biết vì sao mì lại chết nhiều thế không, anh Reo đáp nhanh bằng câu nói quen thuộc của đồng bào mình: “U- i!”. Chị Trẩy giải thích: “Chồng tôi bảo u – i là không biết đấy. Làng mình có nhiều nhà mì cũng chết nhưng chẳng biết vì sao đâu”.

Chúng tôi về Sơn Thủy đúng vào dịp những hộ nông dân có mì chết nhiều được hỗ trợ giống để trồng lại. Mỗi hộ gia đình được cấp 30 bó choái mì. Tranh thủ thời tiết có mưa, các gia đình đang khẩn trương chặt hom để xuống giống.

Anh Đinh Văn Xui, thôn Làng Rào, xã Sơn Thủy cùng vợ chặt hom mì ngay trong sân trụ sở UBND xã Sơn Thủy, cho biết: “Mì nhà mình chết cả đám to. Bây giờ trồng lại để sắp tới có mì bán mua gạo ăn, đóng tiền học cho con. Nhà mình trồng mì nhiều năm rồi, nhưng năm nay mì mới bị chết thế này”. Anh Xui cho biết thêm khi mì chết, cán bộ phòng nông nghiệp huyện hướng dẫn nhổ bỏ, đốt, rồi làm đất lại để trồng.

* Chính quyền: Biết nhưng đành “bó tay”

Theo cơ quan chuyên môn huyện Sơn Hà, bệnh xì mủ ở cây mì là do một loại vi sinh vật rất nhỏ lan truyền qua hom giống và qua côn trùng như rầy lá, rầy thân. Cây mì bị bệnh xì mủ dễ nhận biết, thường sẽ mọc nhiều chồi, các đốt thân xít lại, cành bị chết khô hoặc còi cọc. Bệnh này ảnh hưởng lớn đến năng suất và hàm lượng tinh bột. Hiện nay chưa có thuốc đặc trị để phòng ngừa, chữa trị.

    UBND huyện Sơn Hà đã có văn bản yêu cầu UBND các xã hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp: Mì còn non bị bệnh phải nhổ bỏ, đốt nhằm hạn chế bệnh lây lan. Mì bị bệnh nhưng ở giai đoạn cho thu hoạch thì sau khi thu hoạch dọn vệ sinh tàn dư như thân, lá mì, đốt tiêu diệt mầm bệnh. Những chân đất bị bệnh nặng, cần hạn chế trồng lại cây mì hoặc nếu trồng lại phải sử dụng cây giống khỏe, tuyệt đối không sử dụng cây mì ở những ruộng bị bệnh để làm giống.  Trước khi trồng phải ngâm hom trong nước vôi nồng độ 5% - 10%.

Vợ chồng anh Đinh Văn Xui, ở thôn Làng Rào, xã Sơn Thủy chặt hom giống chuẩn bị trồng “bù” lại diện tích mì bị bệnh xì mủ.
Vợ chồng anh Đinh Văn Xui, ở thôn Làng Rào, xã Sơn Thủy chặt hom giống chuẩn bị trồng “bù” lại diện tích mì bị bệnh xì mủ.


UBND huyện cũng chỉ đạo cho Nhà máy mì Sơn Hải có kế hoạch hỗ trợ hom mì giống cho bà con nông dân xã Sơn Hải, Sơn Thủy, Sơn Kỳ, Sơn Ba, Sơn Cao, Sơn Thượng, Sơn Trung.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Đinh Thị Thanh Hường cho biết: “Hiện nay bệnh xì mủ ở cây mì xuất hiện ở hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn. Nông dân một số nơi đang lung túng trong cách xử lý vì bệnh này không có thuốc đặc trị. Huyện đã chỉ đạo phòng nông nghiệp, trạm bảo vệ thực vật, khuyến nông tổ chức kiểm tra thực tế, hướng dẫn nông dân ứng phó với dịch bệnh, bảo vệ diện tích mì trên địa bàn”.

 Nhận định bệnh xì mủ ở cây mì rất có thể sẽ xảy ra ở địa bàn huyện Sơn Hà nên nhiều năm nay huyện và Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cũng đã thường xuyên tổ chức tập huấn cách phòng trị bệnh cho nông dân. Tuy nhiên, nếu chỉ một mình nông dân ứng phó thì dù có thuần thục các thao tác được tập huấn chắc chắn sẽ chẳng đẩy lùi được dịch bệnh. Nông dân Sơn Hà đang mong đợi sự hỗ trợ tích cực từ nhiều phía, để giữ lại những ruộng mì – mồ hôi, công sức và cũng là hy vọng thoát nghèo, đổi đời của bao nếp nhà nơi vùng cao còn nhiều khó khăn này.
                              

 THANH NHỊ
 


.