Nữ ngư phủ

01:03, 17/03/2013
.

(QNg)- Đi biển giờ không chỉ có đàn ông, trai tráng mà lướt trên sóng biển quê hương còn có cả những phận má hồng. Tôi đã gặp và được lên tàu mở chuyến biển cùng với ngư dân Tô Thị Tám, quê ở xã Bình Thuận (Bình Sơn)...


Ra khơi


Đã hẹn trước từ trong đất liền, tôi vượt biển ra huyện đảo Lý Sơn tìm đến vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn để gặp bà Tô Thị Tám cùng chồng và con bà đang tá túc trên chiếc ghe nhỏ để mưu sinh bằng nghề thả lưới đánh cá mấy tháng nay ở đảo.  

Ngư dân Tô Thị Tám vung lưới giữa đại dương.     Ảnh: M.huy
Ngư dân Tô Thị Tám vung lưới giữa đại dương. Ảnh: M.huy


Trên chiếc ghe nhỏ, bà Tô Thị Tám í ới gọi tôi. Chưa kịp ra hiệu lại cho bà Tám thì đã thấy bà từ trên ghe nhảy vọt xuống chiếc thúng vung mái chèo lao thẳng vào bờ đón tôi ra ghe. "Hôm nay ra khơi sóng lớn lắm đó. Chú có trụ nổi không thì mới đi được?"- bà Tám gặng hỏi. Tôi liều mạng theo chuyến biển ra khơi cùng bà Tám mang theo cái suy nghĩ: Không lẽ mình lại chào thua biển trước người đàn bà này. Tôi gật gù cái đầu trước ánh mắt đầy hoài nghi của bà Tám.

16 giờ chiều, sóng biển mỗi lúc một lớn. Sau bữa cơm chiều đạm bạc với thức ăn là vài con cua, con cá vụn còn để dành lại sau chuyến đánh bắt hôm trước, bà Tám hối thúc chồng và con chuẩn bị mọi thứ cho phiên biển mới. "Hôm nay trời động hơn mọi hôm đó ông. Chắc cá ngoài khơi dạt về đây nhiều. Tranh thủ ra thả lưới chắc có cái ăn" - bà Tám nói với chồng - ông Đỗ Minh Hoàng.

Tàu nổ máy. Tôi cùng bà Tám, ông Hoàng và con trai bà Tám dong mũi tàu lao thẳng ra khơi. Chạy được chừng 5 hải lý, bà Tám phất tay ra hiệu cho chồng dừng ghe, gọi ngay người con trai chuẩn bị lưới. Như đã có kinh nghiệm với nghề thả lưới đánh cá trên biển, bà đoán ở điểm dừng ghe này thả lưới sẽ có thành quả.  

Bà Tám lúc này hầu như chỉ quan tâm đến việc là làm sao thả ngay những tấm lưới xuống biển. Trong tích tắc, bà Tám cầm đầu lưới rồi quăng vút cái phao lưới ra xa rớt tủm xuống lòng đại dương mặc cho những cơn sóng xô đẩy. Sau động tác nhanh lẹ này, bà lại phất tay ra hiệu chồng cho ghe bắt đầu chạy để thả lưới. Đôi bàn tay thoăn thoắt, những mét lưới lần lượt được bà Tám tự tay thả xuống biển. Sóng biển vẫn không hề hấn gì với bà Tám. Chỉ trong vòng 20 phút đồng hồ, trên 700 mét lưới đã được bà Tám thả xuống biển. "Thả xong lưới rồi giờ mình quay lại vào bờ, sáng sớm mai ra thu lưới. Hy vọng chuyến này có bạc. 3 giờ sáng mai chú ra đây đi  biển với cả nhà tôi" - bà Tám nói với tôi.

Sáng hôm sau ra thu lưới. Những mét lưới đầu tiên được kéo lên. Bà Tám cứ liên tục hò reo: "Được con mực. Dính con tôm. Quấn con cá". Đến cuối tay lưới bà hét vang giữa biển: "Cá mú. Dính cá mú to". Kéo vội tay lưới lên, ôm gọn con cá mú hơn chục ký vào người, bà Tám cười sảng khoái với chồng con. Những tay lưới bà thả ngày hôm qua đã mang về  không dưới 2 triệu đồng. Niềm vui như nhân đôi trên khuôn mặt bà Tám.

"Vì tôi yêu biển"

Bà Tám sinh ra ở làng chài Tuyết Diêm 3, xã Bình Thuận. Sống ở biển nên bà yêu biển và khát khao được trở thành ngư dân như bao người đàn ông trong làng. Năm lên 9 tuổi, bà đã theo cha lênh đênh trên chiếc thúng nhỏ cùng cha đánh bắt cá ven bờ. Bà kể rằng, ngày đầu ra khơi, để thắng được biển bà phải khổ sở rất nhiều trước những cơn sóng dữ. Say sóng, nôn ói như thể nằm gục trên thúng của cha nhưng bà Tám vẫn cố ghìm thúng, không chịu thua trước biển. Bao phen bị sóng biển "hành" tơi tả, cuối cùng biển cũng đành chịu thua, không "hạ" được ý chí bám biển của nữ ngư dân Tô Thị Tám.

Năm nay, bà Tám đã bước sang tuổi 51. Hơn 10 năm trước, vợ chồng bà đóng chiếc ghe nhỏ ra biển mưu sinh. Đấu vật với sóng biển, trở thành một ngư dân thực thụ trên đại dương đã khiến nước da của bà Tám đen sạm. "Mình ở biển nên luôn coi biển như máu thịt của mình. Đi biển riết với chồng con rồi giờ yêu biển luôn. Vì tôi yêu biển nên tôi mới làm ngư dân cho đến tận bây giờ. Ngày xưa thì nói đi biển chỉ có đàn ông, còn bây giờ phụ nữ như tôi cũng đi biển đó thôi. Không có việc gì là không làm được cả" - bà Tám nói.

Tàu thuyền của ngư dân Lý Sơn.               Ảnh: T.L
Tàu thuyền của ngư dân Lý Sơn. Ảnh: T.L


Cứ sau mỗi phiên biển trở về lại chiếc ghe, bà Tám lại mang số hải sản đánh bắt được đi bán, rồi tất bật lo chuyện cơm nước cho chồng con, vá lưới chuẩn bị cho lần đánh bắt tiếp theo. Hàng tháng trời, bà Tám cùng chồng và con mới tranh thủ về quê thăm nhà một lần, thời gian còn lại cả nhà sống trên biển. Nhiều khi bà còn ví von: "Thuyền là nhà. Biển đảo là quê hương. Nhà mình là khách sạn".

Tôi hỏi rất thật rằng, có bao giờ bà nghĩ đến chuyện về đất liền? Bà Tám đáp lại cũng bằng một câu trả lời rất thật: "Chừng nào không còn sức mới bỏ biển. Sống với biển giờ bỏ biển coi sao đặng. Biển cũng là quê hương mình mà".


Đôi mắt của nữ ngư phủ Tô Thị Tám vẫn cháy bỏng giấc mơ được bám biển dài lâu.


     VÕ MINH HUY
 


.