Nên cùng dân tìm giải pháp khắc phục

08:03, 19/03/2013
.

(QNg)- Cá lóc thường sống ở ao, hồ, đầm ruộng chứ sinh trưởng phát triển trên cát thì quả là lạ. Thế mà ở cái miền đất pha cát vốn cằn cỗi của thôn An Thổ, cá lóc lại sống và "đẻ ra tiền". Ấy vậy nhưng vì lý do gây ô nhiễm môi trường, chính quyền địa phương nơi đây yêu cầu tạm dừng nuôi thay vì giúp dân tìm giải pháp khắc phục.

 "Con" của nhà nghèo

"Nếu không nhờ cá lóc, tôi chưa hẳn có được cơ ngơi như thế này. Nhất là 2 đứa con cũng khó mà trụ nổi với cái chữ", anh Trần Toàn mở đầu câu chuyện. Đưa tay quệt mồ hôi chảy dài trên khuôn mặt rám nắng, anh Toàn bảo rằng mấy năm trước, gia đình anh thuộc diện nghèo rớt mồng tơi dù suốt ngày vợ chồng quần quật, đánh vật với ruộng lúa, vườn rau. "Chẳng phải do mình tệ mà vì đất xấu quá nên ngoài cỏ và bắp, hiếm có loại rau màu nào được xanh tốt", anh Toàn cho hay. Khi thấy một số hộ trong thôn nuôi cá lóc trên cát, anh Toàn cũng tập tành thử vận may. Không ngờ sau 5 năm gắn bó, loài cá này đã giúp anh thoát nghèo rồi xây nhà, tậu xe, cũng như tiếp sức cho hai đứa con bước chân vào giảng đường đại học. "4 hồ với diện tích 200m2 (50m2/hồ) được thả nuôi liên tục và xen kẽ để tháng nào cũng có cá xuất bán, tôi lãi ròng 8-10 triệu/tháng", anh Toàn khoe.   

 

Nuôi cá lóc trên cát mang lại thu nhập cao cho người dân vùng đất nghèo An Thổ.
Nuôi cá lóc trên cát mang lại thu nhập cao cho người dân vùng đất nghèo An Thổ.


Với ông Trần Hào, người mang kiểu nuôi cá lóc trên cát từ miền Nam về An Thổ thì không khỏi tự hào vì nhờ nó, nhiều hộ trong thôn đã tạm biệt cái nghèo và cuộc sống đang dần sung túc. Thế nên từ vài người lúc đầu, giờ trong thôn đã có 20 hộ nuôi thường xuyên với quy mô 4-6 hồ (diện tích từ 200 - 300m2).  

Cần có giải pháp hợp tình

Đó là lời khẩn cầu của những hộ đang nuôi cá lóc trên cát. Bởi, dù "hoàn thành vai trò đuổi nghèo" và giải quyết công ăn việc làm cho lao động nông thôn, nhưng hiện nay, cách nuôi này bị nghi là tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do mùi hôi thối bốc ra từ thức ăn (là các loại cá biển đã bị ươn hay dập nát) cùng tình trạng nước thải (chủ yếu là nước rửa thức ăn) chảy tràn lan. "Biết vậy, nhưng chúng tôi cũng chưa tìm được cách xử lý triệt để vấn đề này dù đã cố gắng hết sức", ông Võ Thiệt, một trong những hộ đổi đời nhờ cá lóc cho biết. Theo ông Thiệt, vì quy mô sản xuất theo hộ gia đình, nhỏ lẻ nên việc xử lý phụ thuộc vào tiềm lực kinh tế của mỗi người. Ấy vậy nên vẫn còn không ít hộ chưa có điều kiện sắm tủ đông lạnh bảo quản thức ăn và hạn chế mùi, hay thiếu hầm biogas (hoặc có nhưng dung tích nhỏ) để thu gom nước thải. Điều này khiến mùi và chất thải tự do phát tán, nhất là những lúc nắng to.   

Trước cán cân kinh tế và môi trường, chính quyền UBND xã Phổ An đã yêu cầu tạm dừng nuôi cá lóc trên cát. Tuy nhiên, hướng giải quyết này không được những hộ nuôi cá đồng lòng. "Khó khăn lắm chúng tôi mới tìm vật nuôi phù hợp, được thị trường chấp nhận, thương lái bao tiêu. Giờ bảo dừng, dân lấy gì sống", ông Võ Thiệt bày tỏ. Cũng theo nhiều hộ nuôi cá thì lâu nay, họ sản xuất theo kiểu "tự lực cánh sinh" chứ không được các đơn vị chức năng tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật để xử lý mùi, nước thải. Thế nên khi xảy ra tình trạng này, các ngành chuyên môn phải nghiên cứu và giúp dân tìm cách xử lý để đảm bảo hài hòa lợi ích của người nông dân với việc xử lý môi trường.

Trao đổi vấn đề này, ông Phạm Hậu - Chủ tịch UBND xã Phổ An cũng thừa nhận hiệu quả mà cá lóc trên cát mang lại. Nhưng để phát triển bền vững, xã yêu cầu các hộ tạm dừng nuôi để chuyển đến khu vực xa KDC (diện tích quy hoạch 2 ha). Tuy nhiên, điều người dân cần là sự ổn định chứ không phải cách làm theo kiểu bẩn đâu dọn đó, rồi không khéo lại chuyển ô nhiễm từ nơi này đến nơi khác. Trong khi vốn cần cho việc di dời hồ nuôi là không phải nhỏ.


Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.