CPI tháng 2/2013 tăng 1,32%

03:02, 23/02/2013
.

Sau mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Tp.HCM trong tháng 2/2013 chỉ ở mức 1% so với tháng trước, kịch bản tăng tốc thấp của CPI tháng Tết Quý Tỵ đã không còn gây bất ngờ.
 

Đúng như dự báo, CPI tháng 2/2013 chỉ tăng ở mức khá thấp 1,32% so với tháng trước.
Đúng như dự báo, CPI tháng 2/2013 chỉ tăng ở mức khá thấp 1,32% so với tháng trước.

Đúng như NDHMoney dự báo, CPI tháng 2/2013 chỉ tăng ở mức khá thấp 1,32% so với tháng trước, từ mức 1,25% của tháng 1/2013.

Còn với các mốc so sánh khác, CPI tháng 2/2013 so với cuối năm trước đã tăng lên mức 2,59%; so với cùng kỳ năm trước tăng 7,02%.

Nhìn vào ngắn hạn, CPI theo tháng đang gia tốc qua các mức tăng của 3 tháng gần đây, đặc biệt tăng tốc trong hai tháng đầu năm 2013 này. Tuy nhiên, riêng chỉ số giá so với cùng kỳ đang có diễn biến đi ngang suốt từ tháng 9/2012 đến nay. Khoảng dao động cũng khá hẹp giữa 6,5-7%.

Nhìn lại các con số vĩ mô của năm 2012, tăng trưởng GDP chỉ đạt hơn 5%, cách rất xa so với kịch bản của Chính phủ đưa ra là 6-6,5%. Trong khi đó, tổng phương tiện thanh toán M2 trong cùng năm được công bố tăng 22,4%, cao hơn nhiều so với mức dự kiến ban đầu là 14-16%.

Đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng tín dụng và M2 lại có chiều hướng gia tốc trong giai đoạn cuối năm. Trong tương quan diễn biến tiền tệ và lạm phát như nêu trên, dường như, giai đoạn “ủ bệnh” của lạm phát đã qua và bước sang thời kỳ “phát bệnh”, ứng với độ trễ của chính sách tiền tệ?

Còn sang đến năm nay, các chỉ tiêu tiền tệ lại tỏ ra “đủng đỉnh” khi chỉ tăng thấp hoặc giảm so với cuối năm trước. Nhưng, tình hình thực tế “cải thiện” hơn so với cùng thời kỳ này của các năm trước.

Một số nguồn tin dẫn số liệu từ Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, dư nợ cho vay của toàn hệ thống ngân hàng đến ngày 19/2 là âm 0,16% so với cuối năm 2012. Tuy nhiên, mức âm này là thấp hơn so với mức âm khoảng 3% của cùng kỳ năm 2012.

Trong khi đó, cũng theo Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán vào ngày 21/1/2013 ở mức 0,17% so với cuối năm trước. Dù là có mức tăng thấp nhưng thời điểm như hiện này của năm ngoái, M2 tương ứng cũng là âm.

Nhìn về phía cung, sản xuất vừa qua giai đoạn khá trì trệ với kỳ nghỉ Tết dài. “Đủng đỉnh” trở lại hoạt động, nhiều DN vẫn tỏ ra quan ngại về tình hình vĩ mô năm nay.

Cuộc khảo sát về chỉ số niềm tin kinh doanh của Công  ty  Dịch  vụ  Thông  tin  Tài  Chính  WVB  Việt Nam kết thúc vào đầu tháng 2 vừa qua cũng cho biết, những yếu tố gây ảnh hưởng nhiều nhất đến tình hình kinh doanh và phát triển của doanh nghiệp là lạm phát, và lãi suất cho vay của ngân hàng cao.

Trong khi với phía thị trường, dịp tiêu dùng mạnh nhất trong năm vừa qua đi, ngoài một số mặt hàng thiết yếu nhất đến đời sống như ăn, mặc thì sự tiết giảm chi tiêu thấy rõ trong những ngày qua.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước, trước Tết Quý Tỵ có hiện tượng tiền rút nhiều hơn tiền gửi, cho thấy thông lệ của thời điểm này hàng năm là sự gia tăng sử dụng tiền mặt của nền kinh tế.

Tuy nhiên, theo nhiều báo cáo của cục thống kê các địa phương, người dân vẫn tiết giảm chi tiêu trước quan ngại khó khăn của nền kinh tế còn kéo dài. Điều này khiến cho giá cả tương đối ổn định, chủ yếu do vòng quay tiền tệ ít cải thiện chứ không phải do cung tiền quá thấp.

Các phân tích trên thể hiện ở diễn biến chỉ số giá tiêu dùng 11 nhóm hàng thiết yếu trong tháng Tết Quý Tỵ. CPI nhóm thực phẩm tăng 3% so với tháng trước, kéo theo là ăn uống ngoài gia đình tăng 1,85%.

Kế đến, nhóm đồ uống thuốc lá tăng gần 1,5% và nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng khoảng 1% so với tháng trước…

Chỉ số giá vàng tháng 2/2013 giảm nhẹ 0,33% so với tháng trước; chỉ số giá USD tăng nhẹ 0,03%.

 

Theo Stockbiz


.