Triển vọng những mô hình khuyến nông

01:01, 31/01/2013
.

(QNg)- Nhằm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, tạo thu nhập cho người dân, Trạm khuyến nông Bình Sơn đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất mới phù hợp với đặc thù của địa phương.

TIN LIÊN QUAN


Từ triển vọng giống cỏ Mulato

  Những năm gần đây, ở huyện Bình Sơn, số lượng đàn gia súc không ngừng tăng, đặc biệt là phong trào chăn nuôi bò lai ngày càng phát triển. Mặc dù người dân hiểu được lợi ích của việc trồng cỏ phục vụ chăn nuôi, nhưng diện tích trồng chưa nhiều, còn lưu giữ những giống cỏ kém về năng suất, nghèo về dinh dưỡng…

 

Nông dân tham quan Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng chế phẩm sinh học tại xã Bình Đông.
Nông dân tham quan Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng chế phẩm sinh học tại xã Bình Đông.

Do đó Trạm Khuyến nông huyện đã xây dựng mô hình trồng cỏ Mulato, diện tích 1,2 ha với 45 hộ ở các xã Bình Trung, Bình Minh, Bình Khương, Bình Long tham gia. Giống cỏ này có tên khoa học là Brachiaria ruziziensis, được nhập về từ Thái Lan, giàu dinh dưỡng, cho năng suất cao. Để hỗ trợ nông dân, Trạm đã tiến hành cấp phát 12 kg hạt giống cỏ Mulato cho các hộ tham gia mô hình. Đồng thời tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng cỏ nên người dân đã nắm được kỹ thuật trồng giống cỏ mới này. Đến nay, mô hình bước đầu đem lại hiệu quả, năng suất  lứa đầu đạt từ 800 - 850 kg/sào. Sau 24 ngày tiếp theo, năng suất đạt   từ 970 - 1.000 kg/sào.

Ông Vũ Thế Sơn- Trưởng Trạm Khuyến nông huyện cho biết: Giống cỏ Mulato được trồng lần đầu tiên ở địa phương nhưng đã thích nghi cao và có ưu điểm vượt trội hơn so với các giống cỏ được trồng trước đây. Giống cỏ này có thời gian thu hoạch ngắn. Nếu trồng bằng hạt chỉ sau khoảng 70 ngày thì có thể thu hoạch, còn tách bụi để trồng thì chỉ sau khoảng 50 ngày là có thể thu lứa đầu tiên, còn lứa sau (lứa thứ hai trở đi) chỉ sau khoảng trên 30 ngày là có thể thu hoạch được. Từ thành công của mô hình, Trạm sẽ nhân rộng ra các xã lân cận để người dân địa phương ứng dụng, tạo nguồn thức ăn xanh chủ động và giàu dinh dưỡng để phát triển đàn bò lai của huyện.

Đến đa dạng cây trồng, vật nuôi

 Thay đổi phương thức sản xuất hợp lý, áp dụng các giống mới cho năng suất, chất lượng cao phù hợp với đặc thù của mỗi địa phương là điều kiện tốt để người nông dân phát triển kinh tế hàng hóa, từ đó, tạo nền tảng cho việc sản xuất nông nghiệp bền vững. Để đạt được mục tiêu này, trong thời gian qua, Trạm đã triển khai thí điểm các mô hình chuyển giao tiến bộ KHKT trong sản xuất chăn nuôi cho người dân.

Năm 2012, Trạm đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh tổ chức 2 chương trình "Nhịp cầu nhà nông" về kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trị bệnh trên cây ớt, cây lúa. Tổ chức hơn 60 lớp tập huấn kiến thức về chăn nuôi bò lai sind, nuôi gà an toàn sinh học, kỹ thuật canh tác lúa, lạc, kỹ thuật canh tác rau an toàn, chăn nuôi heo nái ngoại đảm bảo vệ sinh môi trường, trồng thâm canh cây thanh long ruột đỏ... ở 25 xã, thị trấn với 2.380 người tham dự.

Thực hiện có hiệu quả mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng sử dụng chế phẩm sinh học tại xã Bình Đông; mô hình nuôi gà H'Mông thương phẩm tại xã Bình Dương. Trong thời gian nuôi 4 tháng gà đã đạt trọng lượng bình quân 1,2kg/con. Một số mô hình khác cũng đang có triển vọng là trồng cây thanh long ruột đỏ; trồng cây ăn quả từ mắt ghép cây đầu dòng (cây sầu riêng và chôm chôm) quy mô 2,8ha tại xã Bình Minh; nuôi ốc hương; nuôi hàu. Qua đó đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiệu quả, nâng cao thu nhập, tạo nền tảng thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.             
    

Bài, ảnh: KN
 


.