Tổ tiết kiệm và vay vốn: “Bà đỡ” cho hộ nghèo

03:01, 10/01/2013
.

(QNĐT)- Nhằm tập hợp các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn của NHCSXH để sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống, những năm qua, tổ tiết kiệm và vay vốn đã đem lại lợi ích thiết thực, trở thành “bà đỡ” giúp nhiều hộ nghèo ở tỉnh Quảng Ngãi vươn lên thoát nghèo.

 

Theo chân chị Đỗ Thị Phụ- Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nghĩa Dũng, Tp. Quảng Ngãi, chúng tôi đến những gia đình đã vay vốn và là thành viên của các tổ tiết kiệm. Nghĩa Dũng cũng chính là một trong những “cánh chim đầu đàn” trong việc huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn tại Quảng Ngãi.

 

Những năm trước, gia đình chị Huỳnh Thị Sách, ở thôn 1, xã Nghĩa Dũng là một trong những hộ nghèo trong thôn. Dẫu ham làm nhưng ở cái nơi đất chật người đông, thiếu đất sản xuất cộng với thiếu vốn nên anh chị đành phải làm thuê làm mướn kiếm sống qua ngày, cái nghèo cái khó đeo bám quanh năm.

 

Năm 2009, Hội LHPN xã đã bảo lãnh giúp chị Sách vay 15 triệu đồng từ nguồn vốn của NHCSXH. Lúc bây giờ, chị dùng số vốn ấy mua 2 con bê con cái giống zebu về nuôi để gây bò giống. Chịu khó học hỏi kinh nghiệm và tìm kiếm thức ăn nên chỉ một năm sau 2 con bê con ấy đã trở thành bò mẹ và sinh được 2 bê con. Có đồng lãi từ việc bán lứa bò trước, anh chị lại tiếp tục mua bê con về nuôi. Cứ thế mỗi năm anh chị kiếm hơn 20 chục triệu đồng từ tiền bán bê con đực và làm 4 sào ruộng.

 

Đến nay tổng số bò cái và bê con nhà anh chị đã tăng lên 8 con. Nhờ vậy mà anh chị không những lo cho 3 đứa con đang ở tuổi ăn tuổi học mà còn thoát nghèo, vươn lên khấm khá. Đặc biệt, mỗi tháng chị góp từ 200 đến 500 nghìn đồng vào tổ tiết kiệm. Nhờ vậy mà mỗi năm chị trả được vài triệu tiền lãi gốc vay của ngân hàng. Chị Sách xúc động: “Nhờ đồng vốn vay của NHCS mà gia đình mình mới có được như ngày hôm nay. Tham gia vào tổ tiết kiệm sẽ giúp tổ viên nhẹ gánh lo khi trả nợ gốc cho ngân hàng”.

 

Cùng thôn và cũng có hoàn cảnh khó khăn như chị Sách, trước đây gia đình chị Bạch Thị Thu Ba cũng là một trong những gia đình nghèo nhất trong thôn. Không có được diễm phúc như bao người phụ nữ khác là có một tấm chồng để nương tựa. Chị phải một mình kiếm sống, nuôi con và người mẹ già chỉ bằng mấy sào ruộng nên vất vả vô cùng. Ngày qua ngày, chị bán mặt cho đất bán lưng cho trời mà mãi chẳng đủ ăn. 

 

 

Nhờ

Từ nguồn vốn vay hộ nghèo của NHCSXH, nhiều hộ nghèo đã đầu tư mở rộng sản xuất, cải thiện cuộc sống và vươn lên thoát nghèo.

 

Thấu hiểu được hoàn cảnh của chị, năm 2010 Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã tạo điều kiện cho chị vay 15 triệu đồng từ nguồn vốn của NHCS. Chị đã dùng số vốn vay ấy đầu tư mở quán don và nuôi heo. Nhờ chế biến ngon nên quán don của chị mỗi ngày một đông khách. Thức ăn thừa chị dành để nuôi heo. Từ bán quán ăn kết hợp với nuôi heo và làm thêm hai sào ruộng, mỗi tháng chị cũng kiếm được vài triệu đồng. Giờ đây, cuộc sống của gia đình chị đã vững vàng hơn trước. Và chị cũng không quên đóng vào tổ tiết kiệm hàng tháng vài trăm nghìn đồng để tích lũy chuyển sang trả nợ số tiền gốc cho ngân hàng. 

 

Hiện tại, xã Nghĩa Dũng có gần 1.300 thành viên tham gia vào 24 tổ tiết kiệm và vay vốn với dư nợ gần 18 tỷ đồng, trong đó có trên 270 hộ nghèo là chị em phụ nữ vay với số tiền hơn 4 tỷ đồng. Chị Đỗ Thị Phụ- Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nghĩa Dũng khẳng định: “Tổ tiết kiệm và vay vốn thật sự là bà đỡ cho các hộ nghèo. Qua kiểm tra thực tế, các hộ sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả, trả nợ đúng thời hạn, có nhiều hộ đã thoát nghèo”.

 

Hiện Quảng Ngãi có gần 3.000 tổ tiết kiệm, trong đó có 90% tổ có số dư tiền gửi với số tiền hơn 29 tỷ đồng. So với năm 2011, số tổ tiết kiệm tăng 259 tổ với số tiền gần 12 tỷ đồng. Trong đó các tổ tiết kiệm ở các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh và huyện đảo Lý Sơn tăng đáng kể cả thành viên lẫn tiền huy động.

 

Tổ tiết kiệm đã mang lại lợi ích thiết thực cho các hộ vay. Mỗi tháng mỗi hộ đóng từ 100 đến 500 nghìn đồng. Họ có thể rút ra bất cứ lúc nào hoặc chuyển sang trả lãi hoặc trả tiền gốc. Nhờ hình thức tín dụng này mà nhiều hộ đã trả dần nợ vay mà không cần phải trả một lần đến khi hết thời hạn vay. Điều này cũng giúp cho NHCSXH giảm nợ quá hạn và nợ xấu đáng kể. 

 

Ông Nguyễn Thanh Khoa- Trưởng phòng Tín dụng, NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi cho biết,  có được những kết quả đáng khích lệ trên là nhờ thủ tục cho hộ nghèo vay vốn ngày càng đơn giản, giảm giấy tờ và sự rườm rà, phiền hà không cần thiết.

 

Thông qua hoạt động uỷ thác của các Hội, đoàn thể với NHCSXH, hội viên được tiếp cận kịp thời, đầy đủ với các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ. Với việc đặt điểm giao dịch tại xã, mọi thủ tục đều do tổ tiết kiệm và vay vốn hướng dẫn, nên hội viên vay vốn rất thuận lợi. Cùng với vay vốn, bà con còn được hướng dẫn cách làm ăn. Biết khai thác và sử dụng vốn tích cực đã giúp cho người dân nhanh chóng thoát nghèo, góp phần tích cực trong công cuộc xóa giảm nghèo của tỉnh.

 

Chương trình cho vay hộ nghèo thông qua NHCSXH, mặc dù khung cho phép mức vay tối đa là 30 triệu đồng/hộ, nhưng trên thực tế mức vay của hầu hết các hộ là 15 triệu đồng/hộ. Với việc thực hiện chính sách tam nông như hiện nay, đặc biệt đây là thời điểm cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới thì người dân cần mức vay lớn hơn để đủ lực vượt khó. Có như vậy, công cuộc xóa đói giảm nghèo mới bền vững. 

 

Ái Kiều 


.