Thực hiện "hàng bình ổn giá" dịp Tết: Giám sát lời cam kết của doanh nghiệp

01:01, 14/01/2013
.

(QNg)- Trích ngân sách cho doanh nghiệp "mượn" để trữ hàng tết, thực hiện bình ổn giá của UBND tỉnh là một chủ trương đúng, hợp lòng dân. Tuy nhiên, để nhân dân, đặc biệt là dân nghèo được hưởng lợi từ chủ trương này, tỉnh cần có biện pháp quản lý nhà nước hữu hiệu ngay từ bây giờ...

TIN LIÊN QUAN


Mua hàng bình ổn giá, người tiêu dùng được thụ hưởng ưu đãi về giá bán thấp hơn giá thị trường từ 5% đến 10% trong thời gian 25 ngày trước, trong và sau tết. Thực hiện bình ổn giá còn đồng nghĩa với việc 9 nhóm hàng thiết yếu sẽ không xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá, gây khó khăn cho nhân dân. Vấn đề còn lại là tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện của doanh nghiệp.

 

(QNg)- Trích ngân sách cho doanh nghiệp
Mặt hàng rau - củ - quả dịp Tết Quý Tỵ 2013 sẽ được đưa vào diện “hàng bình ổn giá”.


Dịp Tết Quý Tỵ 2013, UBND tỉnh trích 28 tỷ đồng cho 4 doanh nghiệp mượn để trữ hàng thuộc 9 nhóm mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Điểm bán hàng bình ổn giá là 22 điểm, "rải" khắp các huyện, thành phố trong tỉnh. Đây là năm thứ 3 liên tiếp UBND tỉnh trích ngân sách cho doanh nghiệp mượn để thực hiện bình ổn giá trong dịp tết. Nhìn lại việc thực hiện bình ổn giá trong hai cái tết vừa qua, nhiều người dân trong tỉnh, nhất là dân nghèo vẫn còn băn khoăn lo lắng. Anh Nguyễn Hùng Văn, ở đường Trần Hưng Đạo, phường Nguyễn Nghiêm (TP Quảng Ngãi) bày tỏ: "Tôi hoàn toàn ủng hộ việc tỉnh tổ chức bình ổn giá cả thị trường. Tuy nhiên, nếu không tổ chức kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa, giá bán, thì người dân sẽ không được hưởng lợi từ chủ trương này".

Anh Nguyễn Hùng Văn phân tích: Mặc dù 4 doanh nghiệp được tỉnh chọn tham gia bình ổn giá được người tiêu dùng tín nhiệm, tin tưởng vào chất lượng hàng hóa được cung cấp, nhưng hiện tại lượng hàng hóa của các doanh nghiệp này chắc chắn vẫn có tồn kho. "Tôi mong muốn ngành chức năng tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc các doanh nghiệp này tổ chức đưa hàng bình ổn giá về các địa phương. Kiên quyết loại bỏ những mặt hàng không đảm bảo chất lượng, hàng tồn kho quá lâu để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng".

Về giá bán, nhiều người tiêu dùng băn khoăn vì chưa nắm được "giá bình ổn" mà doanh nghiệp cam kết. Thông thường thì hàng hóa khi đưa về phục vụ tại các điểm bán hàng bình ổn chỉ niêm yết một mức giá bán, chưa công khai rõ ràng giữa giá bình ổn và giá thị trường. Thực tế lâu nay các doanh nghiệp chỉ đăng ký giá bán bình ổn thấp hơn từ 5% đến 10% so giá thị trường với Sở Công thương, còn thực tế chưa tổ chức niêm yết công khai để người tiêu dùng tìm hiểu, góp phần cùng ngành chức năng kiểm soát việc thực thi bình ổn giá của doanh nghiệp.

Được biết Sở Công thương đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với các đơn vị liên quan và Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc tuân thủ quy định về quản lý giá theo Quyết định số 1479 ngày 18/8/2011 của Sở Tài chính; kiểm tra, giám sát tại các điểm bán hàng bình ổn giá của các doanh nghiệp đã được UBND tỉnh chọn làm nhiệm vụ thực hiện bình ổn giá trong dịp tết. Các doanh nghiệp ngoài yêu cầu phải đảm bảo về giá cả, chất lượng, còn phải chuẩn bị đủ số lượng, chủng loại hàng hoá dự trữ như cam kết nhằm tham gia bình ổn thị trường hiệu quả.


Bài, ảnh: THANH NHỊ

 


.