Khi doanh nghiệp "bắt tay" với nhà nông

08:01, 23/01/2013
.

(QNg)- Người nông dân bỏ công, doanh nghiệp bỏ vốn. Thị trường tiêu thụ đã có doanh nghiệp lo. Đó là mô hình hợp tác cùng phát triển của nhà nông và doanh nghiệp đang dành được sự tín nhiệm của bà con nông dân.

Ghé thăm trang trại nuôi heo của ông Phạm Ngọc Bích ở khu Đồng Cây Si (Đức Hoà, Mộ Đức), chúng tôi được tận mắt chứng kiến mô hình trang trại hiện đại, chăn nuôi theo kiểu công nghiệp rộng hơn 3.000m2 ngay giữa vùng đất đồi hẻo lánh.

Chỉ tay về phía dãy chuồng trại kiên cố đang chăn nuôi hơn 1.000 con heo của mình, ông Bích hồ hởi sẻ chia: "Tôi chỉ có việc bỏ công ra nuôi, còn thức ăn, thú y, con giống, đã có doanh nghiệp hỗ trợ hết rồi".

Lợi đủ đường

Người nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ theo kiểu cầm chừng thì chưa thực sự hiệu quả, còn muốn chăn nuôi quy mô thì thiếu vốn để trang trải. Vì thế, chính sách hỗ trợ vốn của các doanh nghiệp đã mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân.

 

Mô hình chăn nuôi theo kiểu công nghiệp của gia đình ông Bích với sự hỗ trợ của doanh nghiệp.
Mô hình chăn nuôi theo kiểu công nghiệp của gia đình ông Bích với sự hỗ trợ của doanh nghiệp.


 Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bà con tiếp cận với nguồn vốn của doanh nghiệp, điều kiện duy nhất doanh nghiệp cần là người nông dân phải chuẩn bị sẵn hệ thống chuồng trại. "Chọn Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam để hợp tác, tôi chỉ cần chuẩn bị sẵn hệ thống chuồng trại, còn nguồn giống và các trang thiết bị khác đều do công ty cung cấp, hỗ trợ", ông Bích chia sẻ.

Đến với mô hình hợp tác mới này, trang trại của gia đình ông Bích  không những được hỗ trợ về con giống ban đầu, mà còn được trang bị kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi. Hệ thống sưởi ấm bằng điện, kèm theo hệ thống hầm biogas tiên tiến được lão nông Phạm Ngọc Bích xây dựng theo tư vấn của Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam đã tận dụng được nguồn phân chuồng làm nguyên liệu chạy máy phát điện, vừa bảo vệ môi trường lại vừa tiết kiệm được chi phí về điện năng.

Trước những hỗ trợ về mặt kỹ thuật từ phía doanh nghiệp, ông Bích vui mừng bộc bạch: "Ngày trước, chân đất như chúng tôi chỉ biết chăn nuôi theo kinh nghiệm. Nhưng bây giờ, chúng tôi được tư vấn về "nhật ký chăn nuôi", với chế độ dinh dưỡng và cách chăm sóc được phân chia một cách khoa học theo từng giai đoạn".         

Dẫn chúng tôi đi thăm nhà kho của trang trại, ông Bích tâm sự: "Ngày trước chăn nuôi ở nhà, mua cám đậm đặc thì sợ không đủ tiền, nên phải tìm thêm rau và các loại sắn, ngô để giảm bớt chi phí. Nhưng giờ thức ăn chăn nuôi cũng được công ty bảo trợ, tôi chẳng phải lo gì cả".

 Hỗ trợ mọi trang thiết bị cần thiết, nhưng không "khoán" hết cho người dân. Hằng ngày, trang trại của ông Bích đều có người từ doanh nghiệp đến chăm lo công tác thú y. Nhờ sự quan tâm chu đáo từ phía doanh nghiệp, mô hình chăn nuôi của ông Bích luôn đạt hiệu quả cao và ít dịch bệnh.

Khỏi lo đầu ra

Nếu như chăn nuôi tại gia, người nông dân phải thấp thỏm trông ngóng thị trường, thì với mô hình chăn nuôi bắt tay cùng doanh nghiệp này, người nông dân không phải lo lắng về đầu ra của sản phẩm.

"Chúng tôi chỉ chịu trách nhiệm nuôi, và hưởng tiền theo cân nặng của heo. Heo càng nhiều ký thì chúng tôi càng được nhiều tiền. Còn chuyện đầu ra cho sản phẩm là doanh nghiệp lo. Nên heo có hạ giá, chúng tôi cũng không phải phập phồng sợ lỗ", ông Bích bộc bạch.

Bắt đầu nuôi từ tháng 4/2012, đến 9/2012 trang trại của ông Bích xuất chuồng lứa đầu tiên và được Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam chi trả hơn 160 triệu đồng. Nói về thành quả của mình, ông Bích vui mừng cho biết: "Nếu tự chăn nuôi, chắc gì 1 tháng tôi lãi ròng được hơn 30 triệu đồng. Giờ có vốn, tôi cũng chẳng tách ra nuôi riêng. Vì được hợp tác với doanh nghiệp như thế này thì còn gì bằng".


Chia sẻ về những thuận lợi khi bắt tay cùng doanh nghiệp, ông Bích trải lòng: "Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều doanh nghiệp như Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam, Công ty TNHH Thái Việt Ari Group… sẵn sàng hợp tác cùng bà con nông dân để phát triển mô hình chăn nuôi như thế này. Bà con nông dân có thể chủ động lựa chọn đối tác rồi lên trang web của công ty, tìm số điện thoại để liên hệ".
Hy vọng rằng, mô hình chăn nuôi liên kết giữa hai nhà - nhà nông và nhà doanh nghiệp này sẽ nhanh chóng được nhân rộng để bà con nông dân có điểm tựa phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.     


                 Bài, ảnh: Ý Thu
 


.